Rung lắc mạnh cuối phiên, VN-Index vẫn trụ được trên tham chiếu

15:37 | 23/02/2021 Print
Những đợt trồi sụt đang gia tăng cường độ và điều may mắn là VN-Index vẫn được hỗ trợ từ một số cổ phiếu đủ lớn để không rơi vào diễn biến tiêu cực.

CKTrụ biến động mạnh

Diễn biến cả phiên hôm nay tụ lại một thời điểm khá sốc trong khoảng 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục. Đó là khi VN-Index được kéo bật lên 1.184,32 điểm, tăng 0,79% so với tham chiếu khiến nhà đầu tư hồ hởi chờ đợi một cú nhảy kịch tính hơn nếu VN-Index kiểm định được đỉnh cao tháng 1.

Tuy vậy nếu quan sát kỹ thì nhóm trụ là nguyên nhân của biến động này. Nhiều mã lớn xuất hiện lực cầu chớp nhoáng đẩy giá lên, từ đó kéo mạnh chỉ số. VIC đột ngột tăng tới 1,82% so với tham chiếu, GAS tăng 2,38%, VHM tuy không vượt tham chiếu nhiều nhưng cũng tăng từ 104.800 đồng lên 106.300 đồng tức là cũng hơn 1,4%. VCB từ 99.900 đồng lên 101.000 đồng...

Do sức đẩy chủ đạo xuất phát từ nhóm vốn hóa lớn nên khi các mã này hụt hơi, thị trường lập tức chao đảo mạnh. VN-Index từ đỉnh 1.184,32 điểm lao dốc xuống 1.174,9 điểm, tức là tụt xuống dưới cả tham chiếu. Rất may cuối phiên vài mã lớn hồi lại, chỉ số chốt ngày trên tham chiếu 2,6 điểm.

Mặc dù các trụ đồng loạt biến động để tạo nên cú sốc cuối phiên, nhưng nhóm giao dịch ổn định nhất hôm nay là ngân hàng. Một ngân hàng đầu tư nước ngoài vừa có đánh giá tích cực về nhóm ngân hàng Việt Nam đã kích thích lực cầu. VPB, VCB là hai mã ngân hàng duy nhất trong nhóm VN30 đóng cửa giảm, nhưng trong phiên vẫn có mức tăng khá tốt, tương ứng 1,59% và 0,4% so với tham chiếu. Hai mã này giảm là do không chịu được sức ép những phút cuối.

Còn lại, HDB tăng 0,58%, CTG tăng 0,14%, MBB tăng 2,62%, TCB tăng 3,11%, BID tăng 0,57%, STB tăng 1,08%, TPB tăng 0,18%. Trong số này MBB và TCB được tổ chức nước ngoài đánh giá tích cực nhất và phiên này có mức tăng tốt nhất. Cả hai mã đều đóng cửa ở đỉnh cao mới kể từ đầu năm 2021.

Nhóm blue-chips VN30 hôm nay đỡ tiêu cực hơn hôm qua khi có số lượng mã tăng giảm cân bằng (14 mã giảm và 15 mã tăng). Chỉ số cũng tăng nhẹ 0,16% lúc đóng cửa. Tuy vậy nếu so với mức tăng cao nhất lúc được các trụ kéo lên (+0,95%) thì nhịp xả cuối ngày cũng có hiệu ứng khá lớn. Chẳng hạn CTG tuy chốt trên tham chiếu, nhưng cũng bốc hơi tới 1,5% giá trị trong nhịp xả cuối phiên; VIC bốc hơi khoảng 1,52%; FPT rơi tới gần 1,95%; MSN rơi 1,9%...

Duy nhất nhóm Smallcap là ít bị tác động của nhịp kéo xả cuối ngày. Chỉ số Smallcap vẫn đóng cửa tăng 0,66% so với tham chiếu và gần sát mức cao nhất phiên. Ngược lại Midcap đã sụt giảm 0,57% so với tham chiếu. Trong 14 cổ phiếu đóng cửa giá trần ở sàn HSX cuối ngày, nhóm Smallcap chiếm 7 mã.

Rung lắc gần đỉnh

Trong 3 phiên gần nhất thị trường đều có nhịp rung lắc như vậy cuối ngày, nhưng hôm nay cường độ lên cao nhất. Tốc độ đẩy giá tăng rất nhanh và sụt giảm cũng nhanh không kém. Đây là diễn biến giống với hiện tượng kéo xả, dù chưa đến mức khiến cổ phiếu giảm giá hàng loạt.

Rõ ràng là nhà đầu tư vẫn đang canh bán khá lớn tại thời điểm VN-Index nỗ lực kiểm định lại đỉnh cao lịch sử. Khi giá đột ngột tăng vọt, nhà đầu tư đã lôi hàng ra chốt lời, khiến giá quay đầu rất nhanh. Điểm tích cực trong hoạt động này là những người muốn chốt lời sẽ bán bớt cổ phiếu đi, làm giảm gánh nặng. Ngược lại, điểm tiêu cực là không rõ hoạt động đẩy giá lên là chủ động nhằm bán cổ phiếu, hay nhờ lực cầu bình thường và khi nào thì nhà đầu tư chốt lời xong.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng rất nhiều phiên này, sàn HSX bị rút đi hơn 700 tỷ đồng ròng. Cổ phiếu nhóm Vn30 bị bán ròng gần 396 tỷ đồng. CTG, HPG, VNM, STB, PLX, SSI, HDB... bị bán ròng lớn cùng với HSG, GEX, VND, HT1, LCG... Đây là phiên bán ròng lớn thứ hai liên tiếp của tuần này.

Sàn HSX hôm nay không bị nghẽn lệnh và thanh khoản khá cao, đạt 17.674 tỷ đồng tổng giá trị và 16.355 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Trong đó sàn HSX khớp lệnh thành công trên 14.300 tỷ đồng. Nếu nhìn riêng sàn HSX thì giao dịch không thật sự lớn, vì mức để nghẽn hệ thống thường đạt giá trị 15-16 ngàn tỷ đồng.

chứng khoán 23-2

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.300 tỷ đồng (+3%)

571,7 triệu (0%)

2.054 tỷ đồng (+18%)

124,7 triệu (+19%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam