Đón dòng tiền mới "ngấm" vào doanh nghiệp

16:08 | 17/02/2021 Print
(TBTCVN) - Sau một năm thắng lợi của thị trường chứng khoán bất chấp bão táp, dịch bệnh, thị trường đầu năm 2021 tiếp tục phát ra những tín hiệu lạc quan. Bước sang năm mới Tân Sửu, thời cơ dòng tiền mới tràn đầy sức sống được kỳ vọng dần “ngấm” vào mạch máu của các doanh nghiệp.

chung

Năm 2021 được dự báo sẽ vào mùa vụ cho hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn của cộng đồng doanh nghiệp niêm yết

Sức sống mùa xuân

Năm cũ trôi qua chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc. Còn nhớ hồi tháng 4 năm 2020 khi tình hình dịch Covid - 19 trong nước đang ở giai đoạn cẳng thẳng nhất, thị trường chứng khoán giảm sâu khi VN-Index xuống dưới 660 điểm. Giai đoạn tái phát dịch khu vực Đà Nẵng hồi tháng 8 cũng đã khiến chứng khoán rung lắc. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước lùi tạm thời chuẩn bị cho đà tăng tốc tiếp theo với sức vươn cao hơn và xa hơn.

Đại dịch xảy ra tuy là một sự không may, nhưng trong sự không may đó cũng mở ra những thói quen mới. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, bức tranh thị trường năm 2020 cho thấy, chính đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhà đầu tư quen thuộc hơn với các cách thức giao dịch và làm việc trực tuyến, kết quả là các giao dịch chứng khoán trực tuyến bùng nổ mạnh mẽ.

Kết quả chung cả năm 2020, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng một phiên; trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng một phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.

Cánh cửa năm 2021 và mùa Xuân Tân Sửu 2021 mở ra nhiều dự cảm tốt lành, với những yếu tố nền tảng căn bản và vững chãi.

Luật Chứng khoán chính thức bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021 có thể coi là điếm nhấn quan trọng nhất, tạo niềm tin cho toàn bộ thị trường bước vào năm mới với tâm thế lạc quan. Khí thế này còn được cộng hưởng bởi quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ chỉ trước khi bước vào năm 2021 ít ngày. Đó là Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange).

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, năm mới 2021 mở ra cùng với sự kiện rất quan trọng là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đây là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước thời gian tới. “Riêng thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhiều từ các chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sau đó” - ông Dũng nói.

Dòng tiền mới “tăng lực” cho doanh nghiệp

Công ty Chứng khoán SSI đã ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ đạt khoảng 23% trong năm 2021.

Dự báo về viễn cảnh tăng trưởng cao khi bước vào năm mới là không viển vông, bởi ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các công ty niêm yết đã kiên cường vượt dốc mà không bị “đánh gục”. 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán vẫn làm ăn có lãi trong năm 2020, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nhìn ở góc độ tâm lý, con đường mới năm Tân Sửu đang trải đầy hy vọng, xua đi những bóng đen của năm cũ để đón chào một mùa xuân mới rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn. Còn ở góc độ thực tế, ông Vũ Bằng - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, nền kinh tế trong nước đã đạt được những tích lũy tốt hơn rất nhiều và sang năm 2021, những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 sẽ không còn nặng nề như năm qua, do thế giới sẽ có vắc xin để dần kiểm soát dịch bệnh.

Với những yếu tố nội tại, không khí sôi động trên sàn chứng khoán sẽ không chỉ là cuộc chơi của các nhà đầu tư, mà dòng tiền sẽ “ngấm” dần vào cộng đồng doanh nghiệp niêm yết, tạo động lực cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, đóng góp thêm cho nền kinh tế lấy lại đà tăng tốc.

Giới chuyên môn cho rằng, các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát đi tín hiệu đúng định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Mặt bằng lãi suất thấp dự báo sẽ nâng đỡ lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết, nhờ tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay.

Trong các năm trước đây, khi mặt bằng lãi suất còn ở mức cao, doanh nghiệp càng lớn, nhu cầu kinh doanh cao thì chi phí vốn cho lãi vay càng cao. Chẳng hạn Tập đoàn Vingroup năm 2019 phải chi số tiền lên tới hơn 7 nghìn tỷ riêng cho chi phí lãi vay; Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (NovaLand) chi lãi vay 1.146 tỷ đồng; Tập đoàn Hòa Phát chi lãi vay tới 937 tỷ đồng… Tuy nhiên, áp lực lãi vay sẽ giảm mạnh bởi mặt bằng lãi suất năm 2021 chỉ còn ở mức bằng 70% so với 2 năm về trước. Điều này đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp trên sàn có thể giảm hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay.

Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu SSI Research, ngành ngân hàng và bất động sản (hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, lần lượt 27% và 26%) đều sẽ hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào, trong khi rủi ro gia tăng nợ xấu thấp đi do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn.

Thị giá cổ phiếu đã vượt lên mặt bằng cao hơn cũng chính là thời cơ thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu, từ đó bổ sung nguồn vốn cho việc phục vụ các kế hoạch đầu tư trong tương lai. Theo đó, các năm 2019 – 2020 nếu như được coi là giai đoạn bùng nổ của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì năm 2021 được dự báo sẽ vào mùa vụ cho hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn của cộng đồng doanh nghiệp niêm yết. Từ đây, dòng năng lượng dồi dào trên thị trường sẽ ngấm vào từng doanh nghiệp để nâng cao thể trạng, sức đề kháng và nâng đỡ bước tiến cho các doanh nghiệp tăng tốc vươn xa.

Vững tin theo đuổi các mục tiêu dài hạn hơn

Việc các doanh nghiệp thực hiện những đợt phát hành cổ phiếu huy động vốn thành công, ngoài ý nghĩa trực tiếp tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp còn có vai trò quan trọng thay đổi cơ cấu tài chính của họ. Sau mỗi đợt phát hành cổ phiếu, tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với nợ phải trả tăng lên, giúp cho doanh nghiệp có một thể trạng tài chính khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp khi có nguồn lực vốn chủ sở hữu mạnh và không chịu áp lực quá lớn về nghĩa vụ trả nợ và trả lãi vay có thể vững tin theo đuổi các mục tiêu dài hạn hơn, thay vì phải lo “chạy ăn từng bữa” để trả lãi và nợ vay nếu phụ thuộc nhiều vào vốn vay.

Phúc Thuận

Phúc Thuận

© Thời báo Tài chính Việt Nam