Triển vọng sáng cho chứng khoán 2021

15:48 | 17/02/2021 Print
(TBTCVN) - Kinh tế Việt Nam đang hồi phục cùng với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 được kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ và thiết lập những kỷ lục mới.

ck

Các chuyên gia chứng khoán tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong năm 2021.

Giải mã đà tăng

Từ mức đáy 650 điểm khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam (cuối tháng 3/2020), VN-Index tăng lên mạnh mẽ khi vượt qua mốc 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020, mang lại cơ hội và niềm tin cho nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân giúp thị trường phục hồi mạnh trong thời gian vừa qua như dịch Covid-19 đã được kiểm soát một cách nhanh chóng, trong khi Covid-19 vẫn đang lây lan trên thế giới. Điều này góp phần rất lớn vào việc phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Bên cạnh đó, những chính sách kịp thời của Chính phủ như các gói hỗ trợ kinh tế, giãn, giảm thuế, phí lệ phí, chính sách cơ cấu nợ và giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước... đã giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại và nhanh chóng sản xuất trở lại. Ngoài ra, dòng tiền từ nhà đầu tư nội là yếu tố quan trọng nhất giúp thị trường có sự phục hồi mạnh. Nếu nhìn lại giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2020 VN-Index dao động trong vùng 880 - 1.030 điểm. Trong giai đoạn này thị trường không có những đợt tăng giá mạnh nên tạo tâm lý chán nản cho nhà đầu tư. Với ảnh hưởng của dịch, chỉ số đã điều chỉnh mạnh phá vỡ vùng 880 điểm và điều chỉnh về vùng 660 điểm, giảm hơn 30% (tính từ đỉnh tháng 2/2020 đến đáy tháng 3/2020).

“Năm 2020, nhiều cổ phiếu lớn có chỉ số cơ bản tốt đều về vùng giá hấp dẫn. Điều này đã kích thích sự tham gia của nhà đầu tư trong nước, nhóm nhà đầu tư này đã thay thế vai trò của nhà đầu tư ngoại và trở thành nhóm dẫn dắt thị trường. Nhờ dòng vốn nội mà thanh khoản và giá cổ phiếu đều có sự cải thiện đáng kể. Đây có thể được xem là điểm nhấn của thị trưởng trong năm 2020” - ông Hiếu chia sẻ.

Đặc biệt, sự phát triển của thị trường được hỗ trợ bởi những chính sách như giảm giá và miễn phí dịch vụ chứng khoán. Ông Trần Trương Mạnh Hiếu cho rằng, chính sách giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán của Bộ Tài chính có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của thị trường, giúp cho nhà đầu tư giảm được những khoản phí cố định khi đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK), qua đó giúp nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận thị trường tốt hơn.

“Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường ngày càng tăng, các sản phẩm đầu tư trên thị trường ngày càng đa dạng và cơ sở hạ tầng, khung pháp lý dần hoàn thiện. Đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường trong tương lai. Cơ quan quản lý cũng đang có sự cải thiện lớn về những yếu tố này như phát triển thị trường phái sinh, chứng quyền có bảo đảm và Luật Chứng khoán mới có hiệu lực... Do đó, trong tương lai thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tiệm cận với những thị trường khác trong khu vực và thế giới” - ông Hiếu phân tích.

Điểm đầu tư hứa hẹn

Từ những dấu hiệu tích cực, lạc quan của TTCK 2020, các chuyên gia chứng khoán tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong năm 2021.

Ông Phan Linh cho rằng, bước sang năm 2021 khi Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản dưới luật có hiệu lực sẽ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư cá nhân trong nước mà còn giúp các nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi rót vốn vào TTCK Việt Nam. Ngoài ra, những yếu tố tích cực nêu trên sẽ thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại vào thị trường.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, nhìn về tổng thể Luật Chứng khoán 2019 tạo ra một khung pháp lý hoàn thiện hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể bình đẳng hơn khi tham gia thị trường. Thêm vào đó, Luật Chứng khoán cũng làm tăng tính minh bạch trên thị trường, có thể giúp thị trường có những bước phát triển mới.

Nhận định về dòng vốn ngoại, ông Mạnh Hiếu cho rằng, việc khối ngoại bán ròng trong năm 2020 chỉ mang tính ngắn hạn và để cơ cấu lại danh mục sau một thời gian dài đầu tư ở Việt Nam, chứ không phải khối này rút vốn đi. Bằng chứng là khối ngoại đã có những phiên mua ròng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2020. Điều này cho thấy sau thời gian dài bán ròng trong năm thì khối ngoại đã bắt đầu giải ngân trở lại cho những vị thế mới. Do đó, xu hướng mua của khối ngoại sẽ quay lại trong năm 2021.

Theo ông Phan Linh, dòng tiền đầu tư toàn cầu sẽ thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh. Việt Nam là một trong những điểm đầu tư đầy hứa hẹn trong thời gian qua và cả thời gian tới. Tỷ giá, vĩ mô, chính trị ổn định, kiểm soát dịch tốt và nền kinh tế phục hồi thuộc top nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, định giá PE toàn thị trường so với khu vực vẫn ở mức rẻ. Với những lợi thế như vậy, TTCK sẽ thu hút được nhiều dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

* Ông Trần Anh Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt:
Chọn ngành đầu tư phù hợp

thang

Trong năm 2021 bên cạnh những yếu tố tích cực, TTCK cũng phải chịu những rủi ro chính từ bên ngoài như dịch Covid trên thế giới còn diễn biến phức tạp và khó lường, sản xuất và phân phối vắc xin còn chậm đến các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt tăng; rủi ro bất ổn toàn cầu.

Từ những yếu tố này, tôi cho rằng những ngành ít chịu rủi ro có thể kể đến là bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản và tiêu dùng thiết yếu. Trong đó, nhà đầu tư nên chú ý đến ngành bất động sản khu công nghiệp. Quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc qua các nước xuất phát từ các chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Điều này sẽ tiếp tục tác động lên nhu cầu sử dụng đất ở các khu công nghiệp ở Việt Nam. Qua đó, giúp nhóm này sẽ được hưởng lợi trong lâu dài không chỉ trong năm 2021.

* Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Chứng khoán tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền

minh

TTCK sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ kênh tiết kiệm và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng như tài khoản có hoạt động tăng lên. Nhìn lại diễn biến TTCK từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh khối ngoại liên tiếp rút ròng, dòng vốn trong nước - chủ yếu của các nhà đầu tư cá nhân - đã thúc đẩy chỉ số VN-Index hồi phục sau khi lao dốc vì đại dịch Covid-19. Yếu tố lãi suất thấp đã hỗ trợ rất lớn cho TTCK. Mặt bằng lãi suất thấp được dự báo sẽ kéo dài và dòng vốn rẻ tiếp tục tạo động lực cho thị trường phát triển trong năm 2021.

* Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam:
VN-Index có thể đạt 1.300 điểm

hieu

Trong năm 2021, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực, tuy nhiên mức độ biến động có thể gia tăng. Tuy ngắn hạn thị trường có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh, nhưng tôi đánh giá đây là nhịp điều chỉnh mang yếu tố kỹ thuật để giúp thị trường có thể tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn. Những yếu tố thúc đẩy thị trường trong dài hạn có thể kể đến như sự phục hồi trở lại của nền kinh tế trong năm 2021; hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu; lợi ích tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do. Với những lợi thế trên, tôi cho rằng VN-Index sẽ có sự điều chỉnh ngắn hạn sau đó quay lại xu hướng tăng trưởng và có thể đạt 1.300 điểm trong năm 2021.

Năm 2020, nhiều cổ phiếu lớn có chỉ số cơ bản tốt đều về vùng giá hấp dẫn. Điều này đã kích thích sự tham gia của nhà đầu tư trong nước, nhóm nhà đầu tư này đã thay thế vai trò của nhà đầu tư ngoại và trở thành nhóm dẫn dắt thị trường. Nhờ dòng vốn nội mà thanh khoản và giá cổ phiếu đều có sự cải thiện đáng kể. Đây có thể được xem là điểm nhấn của thị trưởng chứng khoán Việt Nam trong năm 2020...

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam