Phái sinh: Các hợp đồng tương lai giằng co rồi giảm điểm

07:47 | 05/02/2021 Print
Cả hợp đồng tương lai và chỉ số cơ sở đều đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, trước đó trạng thái giằng co là chủ yếu. Trong khi đó, thanh khoản các hợp đồng tương lai lại tăng mạnh trở lại sau vài phiên giảm liên tiếp trước đó.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh phiên 4/2, tương tự với thị trường cơ sở, giằng co quanh tham chiếu là trạng thái chính của các hợp đồng tương lai, tuy nhiên đóng cửa giảm mạnh hơn chỉ số cơ sở. Theo đó, các hợp đồng tương lai đóng cửa giảm từ 5,5 điểm đến 10,3 điểm; trong khi chỉ số VN30 chỉ giảm 0,24 điểm.

phái sinh

Hợp đồng tháng 2 là VN30F2102 kết phiên giảm 9,9 điểm, qua đó ghi nhận khoảng cách chênh lệch âm với chỉ số cơ sở (-2,74 điểm). Các hợp đồng còn lại đều đóng cửa dưới tham chiếu, đồng thời thu hẹp chênh lệch dương về +1 đến +9,9 điểm.

phái sinh

Trong khi đó, thanh khoản thị trường phái sinh lại tăng mạnh. Theo đó, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai cải thiện mạnh, tăng 29,4% lên 275.292 hợp đồng. Giá trị giao dịch cũng tăng mạnh, lên 30.827 tỷ đồng. Khối lượng mở giảm, nhưng vẫn ở mức cao, đạt 36.632 hợp đồng.

Trên thị trường cơ sở, đà hồi phục của VN-Index có phần chững lại sau khi bứt phá 2 phiên liên tiếp do tâm lý của nhiều nhà đầu tư muốn chốt lời sớm và cũng hạn chế mua vào khi chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là nghỉ Tết Nguyên đán. VN-Index đóng cửa ở mức 1.112,19 điểm (+0,08%), chỉ tăng 0,9 điểm và gần như ngang với mức giá tham chiếu. Tương tự, các chỉ số VN30 (-0,02%), HNX-Index (+0,03%) cũng chỉ biến động rất nhẹ.

Sàn HOSE ghi nhận 170 mã tăng, 145 mã giảm và ở quy mô nhóm VN30 là 10 mã tăng so với 14 mã giảm; trong đó, 2 cổ phiếu họ Vingroup là 2 mã có tác động lớn nhất lên điểm số chung khi VHM đóng góp tăng nhiều nhất cho VNIndex còn VIC thì tác động theo chiều ngược lại. Ngoài ra, các cổ phiếu như FPT, REE, POW, VPB,... đều đang thể hiện sức mạnh vượt trội hơn khi giá và khối lượng liên tục tăng và luôn giữ ở mức cao hơn trung bình 20 phiên.

So với phiên giao dịch gần nhất, thanh khoản trên thị trường có phần sụt giảm do nhà đầu tư vẫn còn e ngại rủi ro khi giao dịch ở ngưỡng điểm quanh 1.100 của VN-Index. Khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE lần lượt đạt 449 triệu cổ phiếu (-29%) và 10.775 tỷ đồng (-19%),... Khối ngoại duy trì thêm 1 phiên mua ròng tích cực nữa trên VN-Index với giá trị ròng là 163,48 tỷ đồng.

phái sinh

Theo SSI Research, chỉ số VN30 chỉ giảm nhẹ với khối lượng giao dịch đi xuống 24% cho thấy đà tăng của chỉ số chậm lại chỉ do cung chốt lời ở vùng giá cao. Mục tiêu gần trên chỉ số VN30 hiện đang nằm tại vùng 1.164 – 1.188 điểm, khả năng chỉ số sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng giá mục tiêu này trong các phiên tới./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam