Chứng khoán 1/2: Xả hàng T+1, nhà đầu tư bắt đáy đối mặt với rủi ro

15:42 | 01/02/2021 Print
Thị trường hứng chịu một đợt xả rất sớm ngay sau phiên đảo chiều đầy hưng phấn cuối tuần trước. Nhiều cổ phiếu giảm giá khá mạnh và nhiều cổ phiếu đứng trước nguy cơ mất sạch lợi nhuận bắt đáy.

CKGiá lại giảm mạnh, lãi bắt đáy sắp mất

Phiên cuối tuần trước nhà đầu tư nhảy vào mua bắt đáy cực mạnh, thanh khoản tính theo tổng giá trị giao dịch lên tới trên 20,5 ngàn tỷ đồng, trong đó khớp lệnh khoảng 17,6 ngàn tỷ đồng. Hôm đó cổ phiếu giảm mạnh đầu phiên do áp lực giải chấp, sau đó quay đầu tăng mạnh. Rất nhiều cổ phiếu nhanh chóng đem lại lợi nhuận 5-7% thậm chỉ cả chục phần trăm ngay trong ngày.

Tuy nhiên, lợi nhuận này chỉ chắc ăn đối với các nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu để chốt lời ngay hôm đó theo chiến thuật lướt sóng T+0. Đến hôm nay cổ phiếu lại quay đầu giảm rất mạnh và lợi nhuận vẫn còn, nhưng co lại phổ biến từ 2-3%, rất nhiều mã thấp hơn. Nhà đầu tư bán ra T+1 vẫn có thể còn có lãi.

Nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư bắt đáy hoàn toàn mới hôm 29/1 vừa qua sẽ đối diện với rủi ro rất cao. Đến phiên ngày mai cũng mới là T+2 của khối lượng bắt đáy này. Giá sụt giảm mạnh thì gần như chắc chắn mức lợi nhuận bắt đáy sẽ không còn bao nhiêu. Đến phiên ngày thứ Tư nếu giá tiếp tục giảm, nhà đầu tư bắt đáy sẽ bị lỗ và hôm đó mới bán được.

Một điều cũng phải lưu ý là không phải nhà đầu tư nào cũng mua được ở giá thấp nhất hôm 29/1. Thanh khoản đầu phiên hôm đó không lớn. Nhà đầu tư chỉ nhảy vào mua đuổi sau khi giá đã phục hồi mạnh, thậm chí là tăng qua tham chiếu. Nói cách khác, đại đa số nhà đầu tư thực ra đã lỗ từ hôm nay, chỉ những người mua được ở đáy mới còn lãi.

Lấy ví dụ ngay như cổ phiếu blue-chips còn mạnh nhất hôm nay là CTG, đóng cửa tăng tiếp 4,92% so với tham chiếu lên mức 32.000 đồng. Thế nhưng mức giá cao nhất hôm 29/1 vừa qua tới 32.400 đồng. Rất nhiều nhà đầu tư mua giá này hoặc cao hơn 32.000 đồng. VPB cũng tăng 3,33% nhưng giá đóng cửa hôm nay vẫn thấp hơn mức cao nhất của phiên ngày 29/1. Còn đối với các cổ phiếu sụt giảm mạnh hôm nay, nhà đầu tư đua giá quá cao đã lỗ nặng.

Mức độ rủi ro của hoạt động bắt đáy quay lại quá nhanh, thậm chí nhà đầu tư còn chưa kịp nhìn cổ phiếu về tài khoản. Trong nhịp bắt đáy đầu tiên hôm 20/1, giá còn tăng được đủ 3 ngày để cho người bắt đáy về chốt lời. Lần này giá tăng đúng 1 ngày. Điều đó khiến số lượng nhà đầu tư kẹt hàng gia tăng nhanh hơn nhiều so với lần trước.

Áp lực cắt lỗ mới

Vì sao áp lực bán đột ngột mạnh lên, dù mới cuối tuần trước nhà đầu tư hô hào bắt đáy mạnh đến mức đảo ngược được giá từ giảm sốc sang tăng mạnh?

Nguyên nhân đơn giản là không phải nhà đầu tư nào cũng tin tưởng rằng thị trường đã kết thúc điều chỉnh. Họ có tham gia bắt đáy nhưng là chiến thuật “cưa chân bàn”, tức là mua rẻ rồi bán ngay để giảm lỗ phần cổ phiếu đang mắc kẹt. Về tổng thể cổ phiếu vẫn đang bị lỗ, nhưng nếu “ăn may” mua được đúng đáy thì sẽ bớt lỗ.

Lực cầu bắt đáy hôm 29/1 tuy mạnh nhưng bán ra cũng rất mạnh. Cả buổi sáng hôm nay thị trường cũng vẫn tăng và đó là cơ hội để bán T+1. Lực bán tăng lên xác nhận chiến thuật lướt sóng là phổ biến. Trong khi đó nhà đầu tư bắt đáy mới đã không còn nữa, vì giá lúc này không có nhiều lợi thế như phiên trước.

Đó là lý do tại sao rất nhiều blue-chips quay đầu giảm rất nhanh, không hề có liên hệ gì tới phiên tăng mạnh ngay liền trước. VHM đóng cửa giảm tới 5,56%, VCB giảm 2,04%, GAS giảm 1,44%, MBB giảm 6,18%, BID giảm 2,01%, HPG giảm 2,04%... VN-Index đang từ tăng 1,7% đầu phiên thành giảm 2% lúc đóng cửa. Mức đảo chiều là rất mạnh, tới 3,8%.

Mặt khác, toàn sàn HSX số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,7 lần số lượng tăng giá. Như vậy gần như toàn thị trường đều chịu chung một áp lực bán. Không chỉ nhà đầu tư lướt sóng bán ra mà cả những người đang mắc kẹt cổ phiếu cũng nhận thấy thị trường khó tăng thêm được nên chấp nhận cắt lỗ. Thanh khoản phiên hôm nay khá yếu, chỉ với hơn 13,5 ngàn tỷ đồng khớp lệnh, giảm 23% so với phiên trước. Giá giảm sâu, thanh khoản nhỏ là biểu hiện của lực cầu kém. Như vậy cùng với nhu cầu bán ra, nhà đầu tư cầm tiền đã chưa nhảy vào cuộc bắt đáy.

chứng khoán 1-2

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

12.288 tỷ đồng (-23%)

588,5 triệu (-21%)

1.237 tỷ đồng (-28%)

101,5 triệu (-38%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam