Nhà đầu tư cá nhân sẽ hạn chế mua trái phiếu doanh nghiệp hơn

10:17 | 28/01/2021 Print
Theo quy định mới, từ 01/01/2021, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối tới nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi vậy, việc tham gia của nhà đầu tư cá nhân sẽ hạn chế hơn, tập trung nhiều vào các TPDN phát hành ra công chúng hoặc trái phiếu đã phát hành giai đoạn trước năm 2021.

>> Cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

>> Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao thường đi kèm với rủi ro cao

>> Nâng chất thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chuyên viên Phân tích cao cấp Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty CP chứng khoán SSI (SSI Research).

* PV: Thưa bà, dù có phần giảm nhiệt trong những tháng cuối năm, nhưng nhìn chung năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn có một năm tăng trưởng mạnh. Bà đánh giá thế nào về diễn biến thị trường này trong năm qua?

Trong bối cảnh thị trường còn khá sơ khai hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm đến TPDN nên tránh các tổ chức phát hành có kết quả kinh doanh yếu kém, trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu (phí giao dịch, cam kết mua lại của tổ chức phát hành hoặc tổ chức trung gian…), uy tín của bên phân phối.

Nguyễn Thị Thanh Tú

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Tổng lượng phát hành TPDN trong năm 2020 là khoảng 450 nghìn tỷ đồng, tăng 46,7% so với năm 2019, trong đó riêng 8 tháng đầu năm là 355 nghìn tỷ đồng.

Sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, lượng phát hành riêng lẻ giảm mạnh, tổng phát hành 4 tháng cuối năm chỉ gần 95 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 50% là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành.

* PV: Mặc dù quy mô của thị trường TPDN còn khiêm tốn so với tiềm năng thị trường này ở Việt Nam, tuy nhiên nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về mức tăng nhanh của thị trường này. Quan điểm của bà thế nào? Đâu là nguyên nhân khiến nhiều người bày tỏ lo ngại, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Theo ước tính của chúng tôi, tổng lượng TPDN lưu hành tại cuối 2020 đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2018. Đặc biệt, tỷ trọng các trái phiếu của các tổ chức phi tín dụng tăng lên nhanh chóng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô thị trường không song hành với các tiêu chuẩn về công bố thông tin và chất lượng của tổ chức phát hành.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất tiền gửi thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư cá nhân tham gia sôi nổi vào thị trường trong khi kiến thức đầu tư còn hạn chế và chưa có các tổ chức xếp hạng độc lập hỗ trợ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cảnh báo cũng đã được chúng tôi đưa ra trong các báo cáo của mình.

* PV: Qua số liệu thống kê của HNX cho thấy, phần nhiều dòng tiền phát hành TPDN tập trung ở các doanh nghiệp là ngân hàng, bất động sản và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính khác mà chưa đi nhiều vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bà đánh giá thế nào về điều này? Liệu cơ cấu này đã hợp lý hay chưa?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Trái phiếu ngân hàng, công ty chứng khoán và định chế tài chính khác phát hành năm 2020 chỉ tăng 10,5% so với lượng phát hành 2019. Nhóm các doanh nghiệp gia tăng phát hành mạnh trong 2020 gồm các doanh nghiệp bất động sản (+47,2%), năng lượng (+207%) và các doanh nghiệp khác (nhóm Vingroup, Masan, Sovico…).

Mặc dù quy mô thị trường TPDN tăng mạnh nhưng vẫn rất nhỏ bé so với kênh tín dụng, bản thân các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn dựa chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng, trong một năm chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thấp là điều dễ hiểu; chỉ có lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh giai đoạn qua và cũng được phản ánh ở thị trường TPDN. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương siết cho vay bất động sản nên các doanh nghiệp ngành này tìm đến kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu.

* PV: Như chúng ta đã thấy, ở các thị trường quốc tế phát triển, TPDN thường là thị trường bán buôn, nhưng Việt Nam lại có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia trường này. Theo bà, nhà đầu tư cá nhân nên như thế nào để mua được TPDN có thể đảm bảo hai tiêu chí: sinh lời và an toàn?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Theo quy định tại Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 và Nghị định 153/2020/NĐ-CP, các đợt phát hành TPDN riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối tới nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư cá nhân sẽ hạn chế hơn, tập trung nhiều vào các TPDN phát hành ra công chúng hoặc các trái phiếu đã phát hành giai đoạn trước năm 2021.

Thực tế, nhà đầu tư cá nhân cũng có vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của thị trường TPDN thứ cấp và TPDN cũng là một hình thức đầu tư lãi suất cố định hấp dẫn đối với nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, dù tham gia vào bất kỳ thị trường nào, nhà đầu tư cũng cần có hiểu biết về tài sản đầu tư. Trong bối cảnh thị trường còn khá sơ khai hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm đến TPDN nên tránh các tổ chức phát hành có kết quả kinh doanh yếu kém, trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu (phí giao dịch, cam kết mua lại của tổ chức phát hành hoặc tổ chức trung gian…), uy tín của bên phân phối.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng có thể xem xét các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu của các tổ chức uy tín và cần xác định TPDN không phù hợp với đầu tư ngắn hạn.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam