Nâng chất thị trường trái phiếu doanh nghiệp

19:03 | 26/01/2021 Print
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây tăng trưởng mạnh và việc hoàn thiện dần khung khổ pháp lý đối với thị trường này sẽ giúp thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, góp phần phát triển thị trường an toàn và tạo thêm kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế.

mr duong

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo. Ảnh ĐD

Chiều ngày 26/1 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo Phổ biến Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153). Sự kiện thu hút hơn 300 đại diện các thành viên thị trường chứng khoán, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33%.

Trước tình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng quá nhanh, để xử lý tận gốc những tồn tại trên thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua các Luật mới, nhằm quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng) và Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với công ty không phải là công ty đại chúng) theo hướng phân biệt giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ với phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch TPDN.

traodoi
Các diễn giả trao đổi thông tin về trái phiếu doanh nghiệp với nhà đầu tư. Ảnh ĐD

Cụ thể là phát hành TPDN riêng lẻ thì chỉ được phép bán và giao dịch cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; còn phát hành TPDN công chúng thì được bán, giao dịch cho mọi đối tượng NĐT.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính đã trình bày chi tiết những điểm mới Nghị định 153. Theo đó, hoạt động chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước có 5 nhóm quy định mới. Thứ nhất là nhóm đối tượng mua và giao dịch TPDN riêng lẻ phải là NĐT chuyên nghiệp (tiêu chí xác định tại Nghị định 155 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán) nhằm bảo vệ các NĐT cá nhân nhỏ lẻ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của NĐT chuyên nghiệp khi mua TPDN riêng lẻ, để các NĐT này tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Thứ hai là những quy định về tổ chức tư vấn chào bán, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký..., các tổ chức này phải có trách nhiệm tuân thủ theo các quy định của Nghị định 153 khi cung cấp dịch vụ cho DN.

Thứ ba là những quy định về rút ngắn thời gian công bố thông tin và báo cáo, cụ thể là từ tối thiểu 10 ngày xuống còn 1 ngày trước đợt phát hành.

Thứ tư là tổ chức thị trường thứ cấp giao dịch TPDN riêng lẻ cho các NĐT chuyên nghiệp và thứ năm là những quy định về giám sát đối với hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN.

nghi dinh 153
Hội thảo liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp thu hút hơn 300 nhà đầu tư. Ảnh ĐD

Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng trình bày chi tiết những quy định của Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với TPDN như quy định về nội dung, biểu mẫu, cách thức công bố thông tin, báo cáo của DN phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trình bày những nội dung chính của Nghị định 155 quy định về phát hành TPDN ra công chúng, với 6 nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động chào bán và trình tự 5 bước để chào bán TPDN ra công chúng.

“Khung khổ pháp lý đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ được ban hành đầy đủ, đồng bộ sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN; tăng cường quản lý giám sát đối với hoạt động phát hành TPDN và thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, góp phần phát triển thị trường an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế…” – ông Nguyễn Hoàng Dương nói./.

Đỗ Doãn (ghi)

Đỗ Doãn (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam