Phái sinh: Điểm số giảm mạnh, nhưng thanh khoản tăng cao

08:57 | 20/01/2021 Print
Tương tự như thị trường cơ sở, các hợp đồng tương lai cũng giảm điểm rất mạnh. Đây là mức giảm lớn nhất về điểm số khi thị trường phái sinh hoạt động. Tuy nhiên, thanh khoản phái sinh lại tăng rất tốt, thu hút nhà đầu tư mở vị thế khi thị trường cơ sở biến động mạnh.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai giảm điểm rất mạnh, tương tự chỉ số cơ sở. Đây là mức giảm ngoài mọi dự đoán, lập kỷ lục về điểm số kể từ khi thị trường phái sinh thành lập, khi giảm từ 59 điểm đến 72,2 điểm.

phái sinh

Sau nhịp giằng co trong giai đoạn mở cửa, hợp đồng tháng 1 đảo chiều và giảm mạnh trong khoảng thời gian còn lại trong phiên. VN30F2101 có thời điểm chạm mức giá sàn (1.094,7 điểm), cho thấy bên Short chiếm ưu thế hoàn toàn trong phiên, khi thị trường cơ sở giảm điểm sâu với nền thanh khoản kỷ lục. Hợp đồng tháng 1 giảm -72 điểm, về 1.104,8 điểm, ghi nhận khoảng cách chênh lệch âm lần đầu tiên kể từ khi trở thành hợp đồng hoạt động chính thức.

phái sinh

Các hợp đồng còn lại cùng chung trạng thái nhưng biên độ giảm thấp hơn, qua đó vẫn duy trì mức chênh lệch dương đáng kể, từ +16,4 điểm đến +24,7 điểm.

Thanh khoản thị trường tương lai lại tăng rất mạnh, cho thấy vai trò của thị trường phái sinh trong phiên biến động cực mạnh của cơ sở. Theo đó, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai tăng tới 153% lên 243.317 hợp đồng, do thị trường biến động mạnh, thu hút các nhà giao dịch mở vị thế. Giá trị giao dịch cũng tăng lên mức tương tự, đạt 27.613 tỷ đồng. Khối lượng mở giảm, đạt 43.013 hợp đồng.

Trên thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ chịu một phiên giảm sốc. VN-Index giảm 60,94 điểm (-5,11%) về còn 1.131 điểm khi đóng cửa, trong phiên có lúc chỉ số giảm gần 75 điểm. Trên HOSE có đến 327 mã giảm và không mã nào trong nhóm VN30 giữ được sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu tài chính chịu áp lực mạnh nhất do nhiều mã trong nhóm chứng khoán và nhóm ngân hàng giảm sàn. Nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch đột biến ngoài ROS, HQC, FLC, DLG thì cũng ghi nhận ở nhiều mã cơ bản có triển vọng bao gồm HPG, TCB, MBB, SSI, LPB, POW, CTG, KBC, PVD, ACB, VPB, GMD…

Giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh trên HOSE tăng lên 17.837 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử; trong khi đó giá trị giao dịch qua kênh thỏa thuận tăng lên 2.284 tỷ đồng, gấp đôi so với phiên trước. Khối ngoại quay lại mua ròng, với giá trị mua ròng trên HOSE ghi nhận +117 tỷ đồng, trên HNX +14 tỷ đồng, trên UPCoM + 12 tỷ đồng.

phái sinh

Theo SSI Research, chỉ số VN30 giảm điểm mạnh sau khi thất bại trong việc thử thách vùng đỉnh năm 2018. Khối lượng giao dịch tăng mạnh gần 63% so với phiên trước cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường phái sinh diễn ra mạnh mẽ và diễn biến này sẽ sớm kết thúc khi thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F2101 đang đến gần. Mục tiêu dài hạn trên chỉ số VN30 đang nằm tại vùng 1.290 điểm. Do đó, nếu đà giảm của chỉ số tiếp tục từ đầu phiên ngày mai sẽ tạo ra vùng giá tốt cho nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu trong nhóm này./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam