Mối lo cho vay margin là không quá lớn hiện nay

19:00 | 19/01/2021 Print
Tổng dư nợ margin hiện nay đạt khoảng 81.000 tỷ đồng, trong khi đó, tổng vốn chủ các công ty chứng khoán khoảng 87.000 tỷ đồng - vẫn trong ngưỡng an toàn theo quy định. Đồng thời, mức tăng margin chỉ 58,6% vẫn thấp hơn mức tăng 59,3% của thanh khoản.

>> Nhận định những rủi ro khi đầu tư chứng khoán trong năm 2021

>> Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng và lưu ý quản trị rủi ro danh mục

>> Chuẩn bị triển khai kiểm thử hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán

16 công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ qua 9 tháng

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn được tiếp tục triển khai trong năm 2020. Trong năm, UBCKNN đã rà soát để xử lý, tiến hành tái cấu trúc các CTCK, cụ thể: Đưa ra khỏi diện kiểm soát đối với 02 CTCK; có quyết định về việc chấm dứt hoạt động đối với 01 CTCK; đưa vào diện kiểm soát đối với 01 CTCK.

Nhờ có sự kiểm soát tốt dịch Covid, giao dịch trên thị trường chứng khoán sôi động, tình hình hoạt động kinh doanh của các CTCK đều có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính của CTCK trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, tổng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng tăng 40,64% so với cùng kỳ năm 2019. Mức gia tăng của lợi nhuận sau thuế này chủ yếu đến từ sự gia tăng lợi nhuận sau thuế của quý III/2020 so với cùng kì năm trước (mức tăng 63%).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, 16 CTCK đã tăng vốn điều lệ với tổng giá trị tăng là 4.561 tỷ đồng. Việc gia tăng vốn điều lệ đến từ việc chào bán cổ phiếu, kết chuyển từ nguồn vốn chủ sở hữu, góp thêm vốn của thành viên.

Về loại hình hoạt động của CTCK, các CTCK vẫn tập trung vào các hoạt động cơ bản như môi giới, tự doanh, cho vay ký quỹ. Một số CTCK đã có sự chuyển đổi, đa dạng hóa hoạt động như tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường phái sinh, thu xếp nguồn, tư vấn sell-side, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu. Một số CTCK nhỏ bắt đầu tập trung vào các phân khúc khách hàng có thế mạnh và bắt đầu có kế hoạch ứng dụng Fintech vào hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn và môi giới.

Quản lý đối với cho vay margin đã tốt hơn rất nhiều

Thông tin với báo chí sáng 19/1, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, tính tới thời điểm cuối tháng 12/2020, vốn chủ sở hữu của các CTCK hiện nay là 87.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến ngày 31/12, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các CTCK là gần 81.000 tỷ đồng. Theo quy định, CTCK không được cho vay quá 2 lần vốn chủ, vì thế, tổng margin vẫn đảm bảo quy định.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, việc dư nợ margin năm 2020 tăng là do thanh khoản của thị trường tăng. Theo đó, tính tới cuối năm 2020, dư nợ margin toàn thị trường đã tăng 58,6%, trong khi thanh khoản của thị trường tăng 59,3%. Như vậy, margin vẫn tăng thấp hơn so với mức tăng của thanh khoản.

Lãnh đạo UBCKNN cũng thông tin, hiện nay, các quy định pháp lý trong vấn đề quản lý cho vay ký quỹ khá tốt, đồng thời các CTCK cũng đã quản lý cho vay margin tương đối tốt. Nếu như trước đây CTCK quản lý margin bằng ghi sổ, thì hiện nay đã quản lý bằng hệ thống tự động và chuyên nghiệp hơn, sẽ cảnh báo ngay lập tức với khách hàng khi xuất hiện rủi ro.

"Thời gian vừa qua, dòng tiền mới vào nhiều, do đó khó để nói thị trường “nóng” hay “không nóng”. Người dân quan tâm nhiều hơn tới thị trường chứng khoán và niềm tin về thị trường cũng tốt hơn – đó là điều đáng mừng. Chúng tôi cho rằng mối lo margin hiện nay không phải là vấn đề lớn" – ông Phạm Hồng Sơn nói thêm.

Trần Văn Dũng
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chia sẻ thông tin với báo giới. Ảnh: Quang Phúc.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng cho biết thêm, không có chuyện siết dòng vốn tín dụng vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Bởi hiện nay, các quy định về cho vay đối với chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước là rất chặt chẽ. Vì vậy, UBCKNN tin rằng sẽ không siết chặt hơn cho vay chứng khoán, thậm chí còn hy vọng là sẽ tạo điều kiện tốt hơn.

"Chúng tôi mong muốn được nới rộng hơn vì lượng vốn cho các cá nhân và CTCK để vay ký quỹ. Tỷ trọng này chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng giá trị tín dụng của hệ thống ngân hàng, khoảng 0,3%. Tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay chứng khoán cũng rất nhỏ" – lãnh đạo UBCKNN chia sẻ.

Dù mức tăng cho vay margin thấp hơn so với mức tăng thanh khoản, tuy nhiên, khi margin tăng có thể sẽ kéo theo những rủi ro tiềm ẩn khi thị trường có xu hướng đảo chiều.

Cũng theo ông Trần Văn Dũng, hiện nay có 2 giải pháp cơ bản để quản lý cho vay margin của hệ thống CTCK. Thứ nhất, CTCK có hệ thống quản trị rủi ro trong việc cho vay margin. Vài năm gần đây UBCKNN gia tăng việc kiểm tra margin tại các CTCK rất mạnh, qua đó, nhiều CTCK cũng đã bị phạt vì vi phạm. Cơ chế quản lý margin của các CTCK đã được cải thiện khá mạnh, các công ty lớn cho vay rất chọn lọc. Thứ hai, hơn ai hết các nhà đầu tư phải quản lý rủi ro của mình.

“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy các CTCK cẩn trọng hơn cho vay margin nhiều, một số NĐT mới họ vay từ nguồn cá nhân với nhau thì các đối tượng đó có nhiều rủi ro và chúng ta nên có cảnh báo" – lãnh đạo UBCKNN chia sẻ./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam