Chứng khoán tuần: Vì sao VN-Index chưa vượt nổi 1.200 điểm?

15:38 | 16/01/2021 Print
Tăng thêm 26,5 điểm tương đương 2,3% trong tuần qua và là tuần tăng thứ 11 liên tục nhưng VN-Index vẫn chưa vượt qua được vùng đỉnh cao lịch sử 1.200-1204 điểm.

CK

Đây không hẳn là một kết quả thất vọng, vì một số cổ phiếu quan trọng vẫn đang gặp khó khăn nhất định. Nếu các mã này kết thúc điều chỉnh ngắn hạn, cơ hội cho VN-Index là rất lớn.

Thống kê sức mạnh của các cổ phiếu tuần qua, trong 26,5 điểm mà VN-Index có được, VHM, GVR và HPG là ba cổ phiếu có ảnh hưởng nhiều nhất. VHM tăng trong tuần 5,4%, GVR tăng 11,7% và HPG tăng 4,1%. 3 cổ phiếu này đóng góp 10,5 điểm cho chỉ số.

Tuy nhiên không phải cứ tăng giá nhiều là góp phần đưa VN-Index vượt được 1.200 điểm, mà còn phải tăng đúng lúc. Điển hình như VHM, mức tăng trong tuần khá cao nhưng bản chất chỉ là phiên đột biến ngày thứ Hai với mức tăng 7%. Phiên đó VN-Index cũng tăng 17,2 điểm, nhưng rất tiếc vẫn chưa đủ để lên tới 1.200 điểm. Khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng đỉnh lịch sử thì VHM lại có tới 2 phiên sụt giảm khá mạnh, khiến chỉ số để tuột mất cơ hội. VNM, VIC cũng rất giống VHM, đều sụt giảm ở những phiên quan trọng tuần qua, đúng lúc VN-Index đang ở sát ngưỡng đỉnh.

Lý do thứ hai là đã không có sự cộng hưởng tốt từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Sự phân hóa sức mạnh trong nhóm dẫn dắt chỉ số này khiến đà tăng không mạnh cần thiết. Cụ thể, VCB và VIC, hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tuần qua giảm tương ứng 1,5% và 0,5%, chưa kể GAS – vốn hóa lớn thứ 6 thị trường – cũng giảm 1,2%.

Có thể thấy từ khi hệ thống giao dịch của HSX bị nghẽn và lực mua thường giữ thị trường tăng cho tới khi đóng băng khiến nhà đầu tư có cảm giác thị trường chỉ tăng chứ không giảm, cơ hội cho VN-Index vượt 1.200 điểm không khó. Thực tế rắc rối hơn kỳ vọng như vậy, vì không phải cổ phiếu nào cũng có thể xuất hiện lực cầu đủ lớn để duy trì đà tăng giá liên tục. Mặt khác cơ cấu của VN-Index chịu tác động của một nhóm mã lớn, hơn là phản ánh diễn biến toàn thị trường. Nhà đầu tư có thể nhìn thấy rất nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh tuần qua, nhưng điều đó không có nghĩa là VN-Index sẽ tăng mạnh tương xứng.

Việc VN-Index chưa vượt qua được đỉnh cao lịch sử tuần qua không phải là điều xấu, mà chỉ xác nhận rằng cần phải đợi tới thời điểm sự cộng hưởng tăng giá ở nhóm vốn hóa lớn nhất xuất hiện. Chỉ số có đỉnh cao lịch sử mới có thể tạo nên sự hào hứng nhất định, nhưng đối với các danh mục đầu tư cụ thể, điều đó là không cần thiết. Thực vậy khi số lượng lớn cổ phiếu tăng giá, nhà đầu tư vẫn sẽ hưởng lợi bất kể là VN-Index có vượt đỉnh 1.200 điểm hay không. Chỉ riêng sàn HSX tuần qua đã có hơn 200 cổ phiếu tăng giá mạnh hơn chỉ số, trong đó có 142 cổ phiếu tăng trên 5%, nghĩa là ngày nào nhà đầu tư cũng nhìn thấy mức tăng bình quân hơn 1%.

Điểm tích cực nữa là thanh khoản trên thị trường vẫn đang gia tăng liên tục. Tuần qua giá trị giao dịch HSX và HNX đã đạt đỉnh cao mới mới trung bình 20.218 tỷ đồng mỗi ngày. Tính riêng khớp lệnh giá trung bình đạt 18.116 tỷ đồng mỗi ngày. Kể từ khi thanh khoản bùng nổ với số lượng tài khoản mở mới đột biến 2 quý cuối năm ngoái thì tuần qua là tuần thanh khoản cao nhất.

Với sức mạnh của cả các blue-chips lớn nhất chưa “bung sức” tối đa lẫn dòng tiền ngày càng lớn, việc VN-Index đạt đỉnh cao lịch sử mới chỉ còn là vấn đề thời gian. Câu chuyện đáng quan tâm hơn lúc này không phải là bao giờ VN-Index vượt 1.200 điểm, mà là vượt rồi thì sẽ như thế nào?

Các phân tích kỹ thuật thường quan tâm đến thời khắc chỉ số/giá vượt qua đỉnh cao nào đó. Tuy nhiên như mới nói ở trên, trong khi VN-Index ngập ngừng ở 1.200 điểm nhưng cổ phiếu đa số vẫn tăng. Điều này khiến cơ hội tăng giá sẽ giảm đi bất kể là chỉ số vượt đỉnh 1.200, chứ không phải ngược lại. Lý do đơn giản là giá cổ phiếu đã chạy trước chỉ số, thậm chí đã phản ánh trước các kỳ vọng cơ bản, chẳng hạn kết quả kinh doanh quý 4/2020.

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HSX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 15/1

Giá đóng cửa ngày 8/1

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 15/1

Giá đóng cửa ngày 8/1

Mức tăng (%)

KPF

18.05

25.5

-29.22

RIC

6.7

4.8

39.58

TN1

78.5

90

-12.78

HQC

2.85

2.05

39.02

VPS

14.6

16.1

-9.32

CIG

3.07

2.21

38.91

TDW

28

30.4

-7.89

ROS

3.5

2.52

38.89

NVT

5.6

6.06

-7.59

LCM

1.31

0.95

37.89

LGC

64

69

-7.25

PXT

2.49

1.87

33.16

HNG

15.75

16.95

-7.08

TNT

2.48

1.87

32.62

EMC

18.1

19.45

-6.94

TGG

1.61

1.24

29.84

HRC

62.9

67.3

-6.54

HID

3.96

3.08

28.57

TNC

30

32

-6.25

DLG

2.08

1.63

27.61

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HNX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 15/1

Giá đóng cửa ngày 8/1

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 15/1

Giá đóng cửa ngày 8/1

Mức tăng (%)

CAG

45.8

69.5

-34.1

C92

6

3.9

53.85

LUT

8

9.6

-16.67

VIG

3.9

2.6

50

MHL

3.6

4.2

-14.29

KDM

3.7

2.6

42.31

NTH

26.5

30.9

-14.24

ART

5.3

3.9

35.9

PMB

8.2

9.5

-13.68

HCT

14.5

11

31.82

CMC

5.1

5.9

-13.56

SVN

3

2.3

30.43

NRC

15.4

17.6

-12.5

PGT

3.9

3

30

SCI

40.5

46

-11.96

DC2

13.5

10.5

28.57

FID

1.6

1.8

-11.11

ADC

22.9

18.1

26.52

SDG

47.1

52.8

-10.8

VTV

6.7

5.3

26.42

Có thể thấy sự phản ánh trước này qua hệ số P/E. Ví dụ SSI thời điểm đầu tháng 12 có giá 19.400 đồng tương đương P/E khoảng 10,5 lần. Đến cuối tuần qua P/E đã lên trên 20 lần. HCM cũng đang có P/E khoảng 20 lần. Hay như GVR chỉ từ đầu tháng 12/2020 đến nay P/E đã tăng từ 24,3 lần lên trên 42 lần. Nhà đầu tư có thể nghĩ rằng với kỳ vọng kết quả kinh doanh tới đây tăng trưởng tốt, P/E của cổ phiếu sẽ giảm xuống. Tuy nhiên lối suy nghĩ này cũng đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trước khi giá cổ phiếu điều chỉnh. Lý do đơn giản là sức mạnh đầu cơ mới là động lực chính đẩy giá lên, chứ không mấy người nghĩ đến yếu tố định giá cơ bản. P/E chỉ là một bằng chứng để thấy rằng tâm lý đầu cơ đáng gia tăng ở mức độ rất cao. Đó là lý do tại sao nhiều phân tích từ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cho rằng thị trường đang tăng phản ánh trước kỳ vọng cho cả năm 2021 ở thời điểm hiện tại.

Khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.204 điểm đầu tháng 4/2018, P/E của thị trường đạt hơn 22 lần và hiện tại, P/E cũng đã là 20 lần. Sự khác biệt giữa hai thời điểm được nhấn mạnh là mức thanh khoản cao hơn, dòng tiền mới nhiều hơn. Tuy nhiên cũng phải lưu ý là từ tháng 4/2018 đến nay khối lượng cổ phiếu cũng đã gia tăng thêm hơn 40%, chưa kể hàng trăm cổ phiếu cũng đã có giá cao hơn thời điểm đó.

Quy mô giao dịch toàn thị trường 2 tuần vừa qua

Ngày

Tổng giá trị khớp lệnh (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài mua (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài bán (tỉ đồng)

4.1.2021

16,238.6

625.7

1,057.4

5.1.2021

16,521.1

1,248.2

752.0

6.1.2021

17,672.9

1,156.3

957.4

7.1.2021

17,563.8

988.8

1,357.0

8.1.2021

18,432.3

1,022.6

1,374.9

11.1.2021

18,512.9

1,000.0

1,654.9

12.1.2021

17,137.8

1,077.0

1,493.1

13.1.2021

18,636.0

1,043.0

1,570.4

14.1.2021

17,198.8

1,153.5

1,281.7

15.1.2021

19,093.1

907.5

1,347.1

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam