Thận trọng trong bối cảnh thị trường hiện nay là hoàn toàn hợp lý

07:03 | 15/01/2021 Print
Việc VN-Index duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ và tiến tới tiệm cận thử thách vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1.200 điểm có thể tạo ra áp lực điều chỉnh khiến đà tăng điểm của thị trường bị gián đoạn. Do đó, việc duy trì quan điểm thận trọng trong bối cảnh thị trường hiện tại là hoàn toàn hợp lý.

Đây là chia sẻ của ông Lê Hoàng Phương - Chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau chuỗi tăng điểm dài và mạnh.

* PV: TTCK Việt Nam đang duy trì chuỗi phiên tăng điểm vượt cả mong đợi từ đầu năm 2021 đến nay. Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trong giai đoạn này?

Mặc dù rủi ro thị trường giảm điểm là điều mà các nhà đầu tư không mong muốn, nhưng ở một góc nhìn khác, việc chững lại, cho phép thị trường nghỉ ngơi và tích lũy xung lực cần thiết để có thể tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong tương lai.
Ông Lê Hoàng Phương
Ông Lê Hoàng Phương

- Ông Lê Hoàng Phương: Việc TTCK Việt Nam duy trì được đà tăng điểm mạnh mẽ trong những ngày đầu năm 2021 phần lớn đến từ sự hỗ trợ tích cực của các nhà đầu tư cá nhân trong nước, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư F0.

Thực tế mà nói, đà hồi phục và tăng điểm của VN-Index đã được duy trì trong suốt thời gian từ tháng 04/2020 tới nay. Môi trường tiền rẻ được duy trì trên toàn thế giới và việc lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm mạnh so với thời điểm trước dịch đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư sang kênh chứng khoán.

Do đó, có thể nói sự tăng điểm trong những phiên giao dịch đầu năm 2021 của chỉ số VN-Index là một sự tiếp nối đà tăng điểm vốn đã được thiết lập từ tháng 4 năm ngoái.

* PV: Một số ý kiến bày tỏ quan điểm thận trọng trong bối cảnh thị trường duy trì đà tăng dài và mạnh. Quan điểm của ông thì thế nào? Vì sao?

- Ông Lê Hoàng Phương: Việc VN-Index duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ và tiến tới tiệm cận thử thách vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1.200 điểm có thể tạo ra áp lực điều chỉnh khiến đà tăng điểm của thị trường bị gián đoạn. Do đó, việc duy trì quan điểm thận trong trong bối cảnh thị trường hiện tại là hoàn toàn hợp lý.

Mặc dù rủi ro thị trường giảm điểm là điều mà các nhà đầu tư không mong muốn, nhưng ở một góc nhìn khác, việc chững lại, cho phép thị trường nghỉ ngơi và tích lũy xung lực cần thiết để có thể tiếp tục đà tăng điểm trong tương lai.
chứng khoán
Áp lực điều chỉnh của thị trường lớn hơn khi duy trì chuỗi tăng điểm dài. Ảnh: Duy Dũng.

* PV:
Vậy đâu là những yếu tố hỗ trợ đà tăng thị trường và đâu là yếu tố mà nhà đầu tư cần gia tăng sự thận trọng trong bối cảnh dòng tiền rẻ đang thắng thế hiện nay, thưa ông?

- Ông Lê Hoàng Phương: Môi trường tiền rẻ được duy trì trên thế giới cũng như nền lãi suất thấp tại Việt Nam là những yếu tố đã và đang hỗ trợ tích cực cho đà tăng điểm của TTCK thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.

Thêm vào đó, việc đồng USD được duy trì ở nền thấp cũng sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng thu hút dòng tiền từ các thị trường phát triển sang các TTCK mới nổi và cận biên; qua đó, hỗ trợ đà tăng điểm của TTCK khu vực mới nổi, cận biên nói chung và VN-Index nói riêng.

Ngoài ra, việc Kuwait rời khỏi rổ chứng khoán của chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, khiến tỷ trọng của Việt Nam trong bộ chỉ số này tăng mạnh, qua đó thu hút dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam. Cùng với đó, việc các luật mới và các nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực năm nay; hệ thống công nghệ thông tin mới đang gấp rút hoàn thiện, nhiều khả năng Việt Nam sẽ sớm được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2022.

Theo quan sát của chúng tôi tại các thị trường khác, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi có hiệu ứng kỳ vọng tích cực lên thị trường được nâng hạng trong khoảng thời gian 9 tháng trước thời điểm công bố nâng hạng. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng hiệu ứng này có thể sẽ sớm xuất hiện trong khoảng 6 tháng cuối năm 2021.

Mặc dù có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, nhưng TTCK cũng còn một số yếu tố rủi ro cần phải lưu ý.

Thứ nhất là rủi ro yếu tố lạm phát trên thế giới tăng mạnh trở lại, khiến ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất hoặc kết thúc việc bơm tiền. Chúng tôi cho rằng, xác suất của rủi ro này không cao nhưng nếu xảy ra thì sẽ có tác động rất tiêu cực lên TTCK. Điều này là do yếu tố tiền rẻ đang là một trong những yếu tố chính giúp thị trường hồi phục và tăng điểm mạnh mẽ trong thời gian qua. Do vậy, nếu môi trường tiền rẻ không tiếp tục được duy trì nhiều khả năng thị trường sẽ mất đi yếu tố quan trọng để duy trì đà tăng điểm.

Thứ hai, là rủi ro từ các động thái của Mỹ lên một số mặt hàng của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng xác suất của rủi ro này cũng không cao. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì cũng sẽ có tác động rất tiêu cực lên TTCK Việt Nam, vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của thị trường.

Ngoài 2 yếu tố vừa nêu trên, còn có 1 số yếu tố khác như: các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, nền kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, ...

* PV: Trong bối cảnh hiện nay, nên theo chiến lược đầu tư thế nào sẽ hợp lý hơn, thưa ông? Những nhóm ngành nào sẽ có tính phòng thủ lớn hơn khi mà mặt bằng giá nhiều nhóm ngành đang ở mức cao?

- Ông Lê Hoàng Phương: Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên hạn chế mở mới các vị thế cũng như thực hiện các khoản đầu tư ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các vị thế trung và dài hạn. Việc lựa chọn cổ phiếu nên chú trọng tới những doanh nghiệp có khả năng hồi phục mạnh mẽ như ngành bán lẻ, cảng và dịch vụ hàng không, hoặc những nhóm ngành được kỳ vọng vẫn có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021 như công nghệ thông tin, cảng biển, dược phẩm, ống nhựa, thép, ô tô, cao su săm lốp, ...

Thêm vào đó, dưới góc nhìn chu kỳ, trong giai đoạn hồi phục của nền kinh tế, những nhóm ngành như bất động sản, dịch vụ tiêu dùng và công nghiệp là những nhóm ngành sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ nhất.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam