Chứng khoán tuần: Động lực nào trong tuần tăng kỷ lục?

10:51 | 10/01/2021 Print
Giao dịch tuần qua đánh dấu một thời điểm xác lập nhiều kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sức mạnh đáng kinh ngạc trên thị trường hiện tại thậm chí đến từ cả những yếu tố mà nhà đầu tư ngỡ là bất lợi.

CK Kỷ lục đầu tiên đáng nhớ nhất là phiên cuối tuần qua đánh dấu chuỗi 10 tuần tăng điểm liên tục của thị trường, vượt qua kỷ lục cuối năm 2017. VN-Index tăng 26,2% trong 10 tuần và đóng cửa tại 1.167,69 điểm, chỉ còn cách đỉnh lịch sử 1.200 khoảng 32 điểm nữa.

Kỷ lục thứ hai là thanh khoản tính theo giá trị lên cao chưa từng thấy. Tuần qua trung bình mỗi ngày giá trị giao dịch đạt 19.323 tỷ đồng trên HSX và HNX, trong đó khớp lệnh đạt 17.286 tỷ đồng/phiên. Tính theo đơn vị tuần, đây là mức kỷ lục lịch sử.

Động lực của mức tăng 63,82 điểm của VN-Index tuần qua đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó nổi bật là VCB tăng 7% trong cả tuần. Riêng VCB đã đóng góp 7,5 điểm cho chỉ số. Các mã có ảnh hưởng lớn khác là VHM tăng 7,7%, CTG tăng 12%, TCB tăng 13,3%, VIC tăng 3,3%.

Tuần qua cũng đánh dấu một thời điểm quan trọng khi sàn HSX thực hiện nâng lô tối thiểu lên 100 chứng khoán, sau khi hệ thống bị quá tải trước đó. Tuy vậy việc nâng lô này cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn và thị trường vẫn tiếp tục bị nghẽn hệ thống sau khi giá trị khớp lệnh sàn này vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng/ngày.

Hiện tượng nghẽn lệnh đã tạo nên một trạng thái giao dịch không giống bất cứ điều gì đã diễn ra trong quá khứ: Khi thị trường tăng điểm và thanh khoản tăng cao và tới ngưỡng tối đa, nhà đầu tư không thể giao dịch thêm được nữa dẫn tới điểm số và giá không thay đổi được. Điều đó nghĩa là thị trường sẽ đóng trạng thái trước đó và không phản ánh hết được cung cầu.

Với xu hướng tăng giá liên tục hiện tại, nhà đầu tư nhận thấy thị trường không thể giảm được, vì lực cầu quá lớn trong giới hạn giao dịch hiện có. Với mức giao dịch khoảng 15-16 ngàn tỷ đồng khớp lệnh tại HSX tương đương khoảng 720-750 triệu chứng khoán, lực mua vẫn lớn hơn lực bán nên xu hướng chính là tăng. Thị trường chỉ có thể điều chỉnh giảm nếu lực bán mạnh hơn nữa, nhưng trong bối cảnh hệ thống bị giới hạn, điều đó rất khó xảy ra.

Điều này cho thấy yếu tố hệ thống giao dịch cũng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng tăng giá lúc này. Sau khi nâng lô giao dịch lên 100 mà vẫn nghẽn, thị trường hầu như chưa thấy còn giải pháp nào tốt hơn. Các thay đổi có thể là tiếp tục nâng lô lên 1.000 chứng khoán hoặc thay đổi bước giá, nhưng cách thức nào như vậy cũng sẽ tạo bất lợi thêm cho nhà đầu tư nói chung.

Lẽ đương nhiên khi thị trường đang tăng liên tục thì nhà đầu tư cảm thấy hệ thống nghẽn là có lợi vì đóng băng hệ thống ở trạng thái tăng. Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ là một gánh nặng không hề nhỏ. Động lực của thị trường đến từ dòng tiền lớn mua liên tục. Nếu dòng tiền này giảm đi hoặc thay đổi, việc nghẽn hệ thống trong chiều giảm sẽ tạo nên hiện tượng mắc kẹt.

Dòng tiền hiện đang gây ấn tượng mạnh về quy mô, nhưng điều đó không có nghĩa là khả năng mua tới vô tận. Có ít nhất hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến năng lực dòng tiền theo thời gian.

Thứ nhất là dòng tiền bị giữ lại trong cổ phiếu đang ngày càng nhiều. Dù nhà đầu tư mua rất tốt, nhưng ngày nào thị trường cũng đạt quy mô giao dịch 17-18 ngàn tỷ đồng, tức là nhà đầu tư bán ra cũng rất nhiều. Chỉ cần nhà đầu tư bán ra và giữ tiền mặt thì lực mua cuối cùng cũng sẽ suy yếu và chuyển sang trạng thái nhu cầu bán lớn hơn khả năng mua.

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HSX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 8/1

Giá đóng cửa ngày 31/12

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 8/1

Giá đóng cửa ngày 31/12

Mức tăng (%)

CCI

16.1

18.55

-13.21

DTA

6.51

4.67

39.4

HOT

30.5

35.05

-12.98

FTM

1.96

1.42

38.03

TDH

8.9

10.15

-12.32

VDS

14.7

10.7

37.38

VNG

14.9

16.5

-9.7

BSI

16.8

12.45

34.94

GTA

12.2

13.5

-9.63

AGR

11.55

8.6

34.3

CLW

23.3

25.65

-9.16

HRC

67.3

51

31.96

PGI

20.15

21.65

-6.93

VOS

3.02

2.3

31.3

YBM

6.52

6.98

-6.59

SGT

8.58

6.57

30.59

L10

17.1

18.3

-6.56

TCD

15

11.65

28.76

THI

28.05

30

-6.5

LBM

49.3

39

26.41

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HNX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 8/1

Giá đóng cửa ngày 31/12

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 8/1

Giá đóng cửa ngày 31/12

Mức tăng (%)

HHC

80.6

103

-21.75

LUT

9.6

6.1

57.38

HCT

11

13.5

-18.52

BII

5.5

3.6

52.78

PVL

1.6

1.9

-15.79

VC7

10

6.6

51.52

SMT

9

10.5

-14.29

LCS

3

2

50

CTX

8

9.2

-13.04

VE9

2.3

1.6

43.75

VDL

22.3

25.5

-12.55

KTT

5.3

3.7

43.24

PJC

23.1

26.4

-12.5

NSH

5.7

4

42.5

SCI

46

52.5

-12.38

TDT

21.5

15.5

38.71

AAV

13.3

15

-11.33

PV2

3.6

2.7

33.33

PPY

15.7

17.7

-11.32

NGC

3.6

2.7

33.33

Thứ hai là mức độ tăng giá quá nhanh dẫn đến năng lực mua cũng giảm nhanh hơn. Cùng một lượng tiền nhưng sau mỗi tuần năng lực mua lại giảm xuống một phần trăm nhất định tương xứng với mức tăng giá cổ phiếu. Kể cả khi nhà đầu tư chốt lời và quay lại mua thì cũng không đủ mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán (vì giá đã tăng thêm trong 3 ngày chờ tiền về).

Trong bối cảnh thị trường đang tăng mạnh, cả hai yếu tố này ít được chú ý, nhưng lịch sử cho thấy sự thay đổi trong tương quan cung cầu luôn lặp lại theo cách đó. Điểm khác lúc này là hệ thống nghẽn và dòng tiền mới nhiều nên thay đổi diễn ra chậm hơn.

Một thực tế phải thừa nhận là lượng cổ phiếu sẵn có trong thị trường luôn lớn hơn lượng tiền sẵn có trong tài khoản nhà đầu tư giao dịch hàng ngày. Giá càng lên cao, lợi nhuận càng lớn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn chốt lời. Với xu hướng cổ đông nội bộ bán ra ngày càng nhiều, các công ty cũng chốt lời cổ phiếu quỹ... nguồn cung sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Quy mô giao dịch toàn thị trường 2 tuần vừa qua

Ngày

Tổng giá trị khớp lệnh (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài mua (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài bán (tỉ đồng)

28.12.2020

14,514.3

614.5

1,078.3

29.12.2020

13,935.0

676.3

1,124.6

30.12.2020

13,029.8

590.8

882.1

31.12.2020

11,172.6

440.3

329.7

4.1.2021

16,238.6

625.7

1,057.4

5.1.2021

16,521.1

1,248.2

752.0

6.1.2021

17,672.9

1,156.3

957.4

7.1.2021

17,563.8

988.8

1,357.0

8.1.2021

18,432.3

1,022.6

1,374.9

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam