Chứng khoán tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền trong năm 2021

11:00 | 09/01/2021 Print
Theo nhận định của các chuyên gia, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực và hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán được ban hành sẽ hỗ trợ tiến trình nâng hạng của thị trường, bảo vệ các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng các hàng hóa niêm yết.

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

* PV: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2020 đã có giai đoạn sụt giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Ông có thể chia sẻ cái nhìn tổng quan về thị trường trong năm qua?

Với mặt bằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục thấp trong năm 2021, tôi cho rằng TTCK sẽ tiếp tục là kênh hút tiền

minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh: Năm 2020 là năm rất thành công của TTCK Việt Nam cả về chất và lượng. Mặc dù nền kinh tế chịu tác động từ dịch Covid-19 đã khiến mức tăng trưởng GDP năm 2020 sụt giảm mạnh, nhưng việc kiểm soát dịch tốt đã giúp nền kinh tế tăng trưởng dương, đặc biệt việc duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, đã giúp TTCK hưởng lợi trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục, giúp số tài khoản toàn thị trường đạt mức 2,7 triệu tài khoản. Đồng thời, thanh khoản trung bình của thị trường trong năm 2020 đạt hơn 7.000 tỷ đồng/phiên (tăng hơn 75% so với mức thanh khoản trung bình năm 2019), đặc biệt mức thanh khoản trung bình tháng 12 của Việt Nam đã vượt mức thanh khoản trung bình tháng 12 của thị trường Philippines và vốn hóa của TTCK Việt Nam xấp xỉ bằng TTCK Philippines. Ngoài ra, chỉ số VN-Index của TTCK Việt Nam có hiệu suất tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

* PV: TTCK Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi về chính sách khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực. Mới đây, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động TTCK cũng đã được ban hành. Ông đánh giá như thế nào về tác động của những chính sách này tới TTCK, đặc biệt là việc cho phép nhà đầu tư được giao dịch trong ngày (T+0)?

Ông Nguyễn Thế Minh: Bản chất của Luật Chứng khoán mới là nhằm hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng của thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng các hàng hóa niêm yết. Trong đó, phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và giao dịch T+0 là các điểm đáng chú ý để tăng tính thanh khoản của thị trường, thu hút mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc nâng cao chuẩn niêm yết của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường, gián tiếp bảo vệ các nhà đầu tư tránh các rủi ro trên thị trường.

* PV: Từ những dấu hiệu tích cực, lạc quan của TTCK 2020, ông kỳ vọng thế nào vào sự phát triển của thị trường trong năm 2021?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về TTCK trong năm 2021. Năm 2021, được xem là năm hồi phục của nền kinh tế và đón đầu các xu hướng thu hút đầu tư FDI. Đặc biệt, năm 2021 có thể được xem là cơ hội để thực hiện các thương vụ thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, nhưng cần chú ý vào rủi ro từng ngành, đặc biệt là lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể ảnh hưởng từ nợ xấu.

* PV: Dự báo của ông về dòng tiền trong năm 2021 ra sao? Liệu chứng khoán có tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền?

Ông Nguyễn Thế Minh: Với mặt bằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục thấp trong năm 2021, tôi cho rằng TTCK sẽ tiếp tục là kênh hút tiền. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất có thể sẽ không còn nhiều từ giữa năm 2021 và thanh khoản bất động sản có thể sẽ hồi phục trở lại từ quý III/2021. Do vậy, tôi cho rằng dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển một phần sang kênh bất động sản, tuy nhiên phần lớn vẫn tập trung trên TTCK.

* PV: Theo ông nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2021?

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể chú ý nhóm lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu khí, chứng khoán, bất động sản và hàng tiêu dùng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam