Nhà đầu tư được bán khống cổ phiếu và giao dịch T+0

18:57 | 07/01/2021 Print
Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

chứng khoán

Nhà đầu tư được bán khống chứng khoán có tài sản đảm bảo.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 120/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Ngắt mạch thị trường khi cần thiết

Theo đó, thông tư quy định ngắt mạch thị trường (Circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán.

Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định điều chỉnh biên độ dao động giá. Sở giao dịch chứng khoán quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá.

Về quy định giao dịch chứng khoán, thông tư nêu rõ, trong thời gian chưa triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ giao dịch ký quỹ theo quy định. Công ty chứng khoán chịu trách nhiệm theo dõi số dư chứng khoán, số dư tiền, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp các lệnh giao dịch của nhà đầu tư.

Sau khi hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm được triển khai, nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng khoán phải có đủ tài sản ký quỹ bù trừ tại thành viên bù trừ theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh bán đối với chứng khoán được phép giao dịch đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch, ngoại trừ các trường hợp thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục được bán chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục, bán chứng khoán cơ cấu khi đảm bảo cơ cấu có thể chuyển giao chứng khoán trước thời hạn thanh toán theo quy chế của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; giao dịch trong ngày theo quy định tại Điều 10 của Thông tư và bán chứng khoán chờ về.

Thông tư cũng quy định rõ, nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực. Công ty chứng khoán có trách nhiệm kiểm soát việc đặt lệnh cùng mua, cùng bán trong cùng một đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ của nhà đầu tư trên tài khoản giao dịch mở tại công ty mình.

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trong ngày

Theo quy định hiện hành, thời gian giao dịch và thanh toán của cổ phiếu trên thị trường là T+2, tức là khi mua cổ phiếu thì 2 ngày sau nhà đầu tư mới có thể bán cổ phiếu đó. Tuy nhiên, Thông tư 120/2020/TT-BTC cho phép nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch T+0).

Tại Điều 10, Thông tư quy định, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

Hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc, trước ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cho cổ đông gắn với mã chứng khoán được giao dịch trong ngày.

Thông tư cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày.

Bán khống chứng khoán có tài sản đảm bảo

Theo thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo (giao dịch bán khống có bảo đảm) là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệthống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiêt hại có thể phát sinh và chi phí.

Bên cạnh quy định về giao dịch trong ngày và bán khống, một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư là mở ra không gian cho phép dùng chứng khoán làm tài sản đảm bảo ký quỹ để vay tiền đầu tư chứng khoán.

Theo đó, Điểm 10, Điều 2 Thông tư quy định: “Giao dịch ký quỹ là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó, chứng khoán vừa mua và các chứng khoán khác được phép ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trên”.

Nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ban đầu, tỷ lệ ký quỹ duy trì theo hợp đồng đã ký với công ty chứng khoán. Khi tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản giao dịch ký quỹ giảm xuống thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán phải phát hành lệnh gọi ký quỹ bổ sung. Theo thông tư, chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ không được tính vào tài sản đảm bảo khi xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ duy trì cho giao dịch ký quỹ.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021 và thay thế Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam