Thị trường chứng khoán: Một năm phục hồi ngoạn mục

15:20 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2020 và trở thành một trong những thị trường có mức tăng ấn tượng nhất thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục trong năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục trong năm 2020.

Với đà tăng này, kết hợp với các yếu tố nền tảng tích cực trong năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tạo kỳ vọng rất lớn cho một năm 2021 nhiều thành công hơn nữa.

Hầu hết các mảng thị trường đều tăng ấn tượng

Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu trong những tháng đầu năm 2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy. Không nằm ngoài xu hướng chung của TTCK thế giới, trong những tháng đầu năm, TTCK Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh do tác động của diễn biến dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhờ những biện pháp quyết liệt cũng như Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ đạo kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, sự nỗ lực của các thành viên thị trường, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhà đầu tư; nên nhờ đó, TTCK Việt Nam trong năm 2020 về cơ bản đã thành công vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và ghi nhận sự phục hồi rất tích cực.

Theo số liệu từ UBCKNN, trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 22/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.083,45 điểm, tăng 12,7% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 187,85 điểm, tăng 83,3% so với cuối năm 2019.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.140 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cuối năm 2019, tương đương 85,1% GDP. Tính chung từ đầu năm đến 22/12, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.171 tỷ đồng/phiên, tăng 54% so với năm trước.

Cũng tới thời điểm 22/12, toàn thị trường hiện có 750 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.479 nghìn tỷ đồng, tăng 6% với cuối năm 2019.

Cũng trong năm 2020, thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục là một điểm sáng. Thị trường này hiện có 481 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt gần 1.350 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2019 (tương đương 22,4% GDP). Tính chung 12 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.275 tỷ đồng/phiên, tăng 11,6% so với năm trước.

TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong năm 2020. Biến động mạnh mẽ của TTCK cơ sở dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm nổi bật vai trò phòng vệ của thị trường phái sinh. Tính chung từ đầu năm đến 22/12, khối lượng giao dịch bình quân đạt 157.055 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với năm 2019; khối lượng mở toàn thị trường đạt 37.458 hợp đồng, tăng 125% so với cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, thị trường chứng quyền bảo đảm cũng cho thấy tốc độ ấn tượng. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 11.332.545 chứng quyền/phiên, tăng 295% so với năm trước và giá trị giao dịch bình quân đạt 19,76 tỷ đồng/phiên, tăng 176% so với năm trước.

Ngoài ra, năm 2020 cũng là một năm mà số lượng nhà đầu tư mở mới tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 11, số lượng tài khoản chứng khoán đạt gần 2,7 triệu tài khoản, tăng 14% so với cuối năm 2019.

Các nền tảng hỗ trợ sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN cho rằng: “Việt Nam đã vượt qua một “năm Covid” rất ngoạn mục, khi là một trong những quốc gia hiếm trên thế giới có GDP tăng trưởng dương. Tới nay, chúng ta vẫn duy trì được các nền tảng tốt để tự tin tin tưởng sẽ vượt qua đại dịch này và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, cũng như các năm tiếp theo”.

Cũng theo Chủ tịch UBCKNN, năm 2020 dù có nhiều biến động, nhưng cơ bản TTCK cũng vượt đại dịch thành công. Nhiều chỉ số, nhiều mảng thị trường đều cho thấy sự hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, đặc biệt là sự vào cuộc rất tốt của dòng tiền nội từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. “Đây là nền tảng để TTCK duy trì đà tăng trưởng ổn định và có thể còn tốt hơn khi các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 sẽ giảm dần trong năm 2021” – ông Trần Văn Dũng cho hay.

Theo bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu là 23%. Tại ngày 28/12/2020, hệ số P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) thị trường ở mức 16,03 lần. “Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, theo quan sát của chúng tôi, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận rằng, năm 2020 - 2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng” – bà Hoàng Việt Phương chia sẻ.

Bà Hoàng Việt Phương cũng nhận định rằng, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính cho TTCK. Tuy nhiên, “nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI cận biên - đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho TTCK trong năm 2021.

Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định: “Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố nền tảng làm trợ lực cho đà tăng giá”. Năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân có thể tăng 12 - 14% so với cùng kỳ, nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng: Chính sách tiền tệ nới lỏng; nền tảng pháp lý mới có hiệu lực từ 1/1/2021; dòng vốn ngoại vào khi MSCI nâng tỷ trọng của Việt Nam trong nhóm cận biên;…” – Chuyên gia của VNDIRECT cho biết thêm.

VN-Index và HNX-Index đóng cửa cuối năm với mức tăng ngoạn mục

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 (31/12), chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm; chỉ số HNX-Index đạt 203,12 điểm. Như vậy, so với phiên cuối cùng của năm 2019, chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng tới 14,87% và 98,15% so với cuối năm 2019. So với phiên VN-Index tạo đáy trong năm 2020 (24/3, VN-Index đạt 659,21 điểm) thì chỉ số này đã hồi phục tới 67,5%; còn so với phiên HNX-Index tạo đáy (ngày 30/3, HNX-Index đạt 93,28 điểm), thì chỉ số này hồi phục tới 117,8%.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam