Nếu nợ xấu tăng lên, ‘cổ phiếu bank’ sẽ kém hấp dẫn hơn

01:46 | 28/06/2020 Print
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn khó lường và một phần phụ thuộc sự mở cửa của các quốc gia khác. Vì thế, nợ xấu ngân hàng có thể cao hơn dự báo và kết quả kinh doanh cũng không đạt mục tiêu nếu tình hình dịch bệnh tiêu cực hơn. Trường hợp đó, “cổ phiếu bank” sẽ kém hấp dẫn hơn.

Đây là chia sẻ của bà Lê Minh Thùy - Chuyên viên cao cấp Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) khi trao đổi với phóng viên TBTCO về cổ phiếu ngành ngân hàng.

* PV: Các ngân hàng trên sàn đang chạy đua tổ chức ĐHCĐ trong tháng 6 này. Dù chưa hết, nhưng nhiều ngân hàng đã tổ chức ĐHCĐ từ đầu tháng 6 tới nay; đồng thời nhiều ngân hàng cũng đã công bố tài liệu họp. Bà có thể cho biết nhận xét sơ bộ về các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng đề ra trong năm nay?

Nếu nợ xấu tăng lên, ‘cổ phiếu bank’ sẽ kém hấp dẫn hơn
Mặc dù các ngân hàng kỳ vọng tín dụng có thể tăng trưởng ở mức trung bình, nhưng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thấp. Đây là chỉ báo cho thấy chi phí tín dụng sẽ tăng do nợ xấu và doanh thu lãi bị ảnh hưởng bởi việc tái cơ cấu nợ. Bà Lê Minh Thuỳ

- Bà Lê Minh Thùy: Qua ĐHCĐ của các ngân hàng, có thể nhận thấy xu hướng chung trong năm nay là ngân hàng đặt mục tiêu khá thấp so với năm trước, về cả các tiêu chí tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động cũng như lợi nhuận.

Đối với các ngân hàng có sở hữu nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu cao nhất là 10% tại Vietcombank, còn các ngân hàng khác như BIDV, Vietinbank đều đặt mức tăng trưởng tín dụng dưới 10%. Các ngân hàng thương mại cổ phần không có sở hữu nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, phổ biến trong khoảng 11-13%.

Về lợi nhuận, nhiều ngân hàng dự kiến kết quả sẽ tương đương hoặc giảm nhẹ so với năm trước, trong khi một vài ngân hàng dự kiến lợi nhuận giảm mạnh so với 2019. Mặc dù các ngân hàng kỳ vọng tín dụng có thể tăng trưởng ở mức trung bình, nhưng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thấp. Đây là chỉ báo cho thấy chi phí tín dụng sẽ tăng do nợ xấu và doanh thu lãi bị ảnh hưởng bởi việc tái cơ cấu nợ.

* PV: Bên cạnh các chỉ tiêu trên, một chỉ tiêu rất quan trọng của các ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó sự gia tăng của nợ xấu, hay tăng trích lập dự phòng rủi ro. Bà có thể chia sẻ gì điều này? Liệu có thực sự đáng lo hay không khi mà tác động của dịch Covid-19 lên chất lượng tín dụng là hiện hữu?

- Bà Lê Minh Thùy: Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020 của các ngân hàng, khá nhiều ngân hàng có chỉ tiêu nợ xấu cao hơn năm 2019. Việc lợi nhuận dự kiến đi ngang hoặc giảm tại các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy rõ xu hướng tăng của nợ xấu và chi phí dự phòng.

Nợ xấu tăng là điều không tránh khỏi do dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong nước mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Do hiện nay một số khoản nợ được tái cơ cấu, do đó nợ xấu có thể sẽ tăng cả trong năm 2021. Các ngân hàng thường xuyên trích lập dự phòng cao và quản lý nợ xấu tốt sẽ có ít rủi ro hơn các ngân hàng tăng trưởng nhanh nhưng nguồn dự phòng thấp.

ngân hàng
Các ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn do tình hình kinh doanh năm 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ảnh: DM.

* PV: Một vấn khá nổi cộm khác là nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn bằng nhiều giải pháp trong năm nay. Bà đánh giá thế nào về khả năng thực hiện hoá mục tiêu này của các ngân hàng?

- Bà Lê Minh Thùy: Sau mùa ĐHCĐ, khá nhiều ngân hàng đã đặt ra mục tiêu tăng vốn, nhưng chủ yếu bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nguồn tài chính cho hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận để lại của ngân hàng, vì thế chúng tôi cho rằng việc tăng vốn thông qua hình thức này không gặp khó khăn gì.

Một số ngân hàng với tỷ lệ an toàn vốn thấp có đặt mục tiêu phát hành riêng lẻ cho cổ đông mới. Đối với kế hoạch tăng vốn theo hình thức này, chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn do tình hình kinh doanh năm 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, trong khi đó các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đang giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên.

Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng có hoạt động cốt lõi và chất lượng tài sản tốt sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong việc phát hành riêng lẻ so với các ngân hàng khác.

* PV: Riêng trong quý II này, nhiều dự đoán cho rằng, khó khăn do dịch bệnh tác động sẽ thể hiện nhiều hơn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Dự đoán của bà thế nào? Vì sao?

- Bà Lê Minh Thùy: Chúng tôi cũng có cùng quan điểm là kết quả kinh doanh quý II sẽ cho thấy nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh hơn quý I. Bởi, thứ nhất, kết quả kinh doanh quý I phần nào được hỗ trợ bởi giai đoạn giao dịch trước Tết Nguyên đán. Thứ hai, Việt Nam bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong tháng 4, do đó nhiều công ty, hộ kinh doanh bị gián đoạn hoạt động. Thứ ba, việc hình thành nợ xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh có độ trễ nhất định nên kết quả kinh doanh quý I chưa thể hiện hết mức độ tăng nợ xấu.

Chúng tôi cho rằng, nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tăng nhiều hơn trong quý II, do đó tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng đạt được trong quý I/2020.

* PV: Nợ xấu có thể gia tăng, trong khi phần nhiều các ngân hàng đều khá cẩn trọng khi điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi tăng trưởng lợi nhuận. Liệu điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính hấp dẫn của cổ phiếu các ngân hàng trong nửa còn lại của năm, thưa bà?

- Bà Lê Minh Thùy: Theo tôi, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là khá lớn và việc dịch bệnh gây ra tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng đã được nhà đầu tư dự đoán trước. Do đó, khi các ngân hàng công bố mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và nợ xấu thì cũng không có quá nhiều bất ngờ với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong các tháng đầu năm và kế hoạch cả năm của các ngân hàng nhìn chung tốt hơn dự báo của thị trường.

Chúng tôi cho rằng, giá thị trường hiện tại đã phản ánh tăng trưởng lợi nhuận và mức độ nợ xấu của năm 2020, theo như mục tiêu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh rất khó đoán và một phần phụ thuộc vào tốc độ mở cửa của các quốc gia khác. Vì thế, nợ xấu có thể tăng cao hơn dự báo của các ngân hàng và kết quả kinh doanh có thể không được như mục tiêu nếu tình hình dịch bệnh tiêu cực hơn. Trong trường hợp đó, cổ phiếu ngân hàng có thể trở nên kém hấp dẫn hơn.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam