Mỹ tăng thuế nhập khẩu liệu sẽ có tác động xấu tới cổ phiếu ngành thép?

19:00 | 28/02/2018 Print
Gần đây, giữa những thông tin về việc Chính phủ Mỹ được “bật đèn xanh” trong việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc và Việt Nam (tăng lên tối thiểu lần lượt 24% và 7,7%), thị trường tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng của việc áp thuế lên các doanh nghiệp (DN) thép niêm yết...

Không ảnh hưởng nhiều tới các DN thép niêm yết

Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) cho biết, thị trường thép thế giới vẫn đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều sự kiện lớn xảy ra.

Bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc phá giá thép để xuất khẩu khi giá thép lao dốc, khiến cho Mỹ - quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới áp 14 loại thuế Chống bán phá giá (CBPG) và 10 loại thuế tự vệ lên sắt thép Trung Quốc chỉ trong hai năm 2016 và 2017. Hai vụ kiện tiêu biểu nhất đã khiến Trung Quốc gần như không thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ, khi thép cán nguội CRC chịu mức thuế trên 522% và thép không gỉ chịu thuế trên 238%. Trung Quốc buộc phải tìm cách tiêu thụ lượng thép dư thừa bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam nổi bật bởi vừa có nhu cầu thép tăng trưởng mạnh, đồng thời là một xưởng gia công thép xuất khẩu đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ.

xuất khẩu thép
Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép không chỉ không ảnh hưởng nhiều mà còn có thể là động lực cho DN thép nội địa. Ảnh: DT

Ngay trong năm 2016, khi Mỹ áp thuế CBPG lên thép Trung Quốc, lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gần 3 lần, mức tăng mạnh nhất trong các nước xuất khẩu thép sang thị trường này. Thêm nữa, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu 6,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2017, chiếm tới 47% tổng lượng nhập. Vì vậy, Việt Nam cũng nằm trong “tầm ngắm” của Chính phủ Mỹ, khi nước này cho rằng, Trung Quốc có thể đang dùng Việt Nam để “né” thuế phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, RongViet Research cho rằng, việc thép Việt Nam chịu mức thuế ít nhất 7,7% sẽ không ảnh hưởng nhiều lên các DN thép niêm yết trên thị trường chứng khoán.

RongViet Research lý giải, thị trường Mỹ không chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của nhiều DN thép. Theo ước tính, cả HSG và NKG, hai DN tiên phong trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016 đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường này. Các DN này cho biết, do quy mô đơn đặt hàng, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng không có lợi nên xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ. Quan trọng hơn, là thị trường Mỹ không phải mục tiêu của hầu hết các DN mạnh về xuất khẩu tôn mạ, bởi hoạt động xuất khẩu trong khu vực ASEAN vẫn đang sôi động.

Theo đó, trong 11 tháng của năm 2017, ngành Thép Việt Nam xuất khẩu 2,4 triệu tấn thép vào các nước khối ASEAN, chiếm 59% tổng lượng xuất khẩu thép. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ dừng ở mức 470.000 tấn, chiếm chưa tới 11% tổng lượng xuất khẩu. Như vậy, trong ngắn hạn, các DN xuất khẩu tôn thép của Việt Nam nếu không còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì trong hoạt động, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.

Động lực cho sản xuất thép nội địa

Trái với tâm lý lo ngại của thị trường, RongViet Research cho rằng, các DN thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của Chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để “né” thuế.

Như vậy, bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, các DN vẫn có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, khối EU và Úc. Trước đây, Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội và tôn mạ vào thị trường Mỹ trong khi ngành sản xuất nội địa không hề có khả năng cung ứng thép cán nóng, đều phải nhập khẩu (phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc), đây chính là lý do các nhà máy tôn mạ Việt Nam nằm trong danh sách xem xét áp thuế của Mỹ. Sang năm 2017, ngành Thép nội địa Việt Nam đã sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng HRC, đều là những sản phẩm phù hợp quy định về xuất xứ của Mỹ.

Dự kiến trong năm 2019, các lò cao mới của Formosa Hà Tĩnh và HPG đi vào hoạt động nâng tổng công suất HRC của thị trường nội địa lên khoảng gần 10 triệu tấn/năm.

RongViet Research cho rằng, đây là nguồn cung bán thành phẩm dồi dào cho các DN tôn mạ như HSG và NKG, đồng thời là nhân tố quan trọng để “hoá giải” các quy định khắt khe về xuất xứ được áp dụng không chỉ tại một số thị trường mà còn đóng vai trò then chốt trong nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Như vậy, “việc áp thuế đánh vào nguồn gốc xuất xứ đang đóng vai trò động lực thúc đẩy các DN thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập”, RongViet Research nhấn mạnh.

“Ngay trong lúc các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về khả năng Chính phủ của Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu lên tôn thép Việt Nam, HPG cho biết đã nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết. Hiện đang sở hữu chuỗi sản xuất hơn 2 triệu tấn thép xây dựng từ thượng nguồn và đang xây dựng nhà máy sản xuất thép cán nóng, HPG đang góp phần chứng minh tiềm năng xuất khẩu của thép Việt vẫn còn rất dồi dào”, RongViet Research cho biết thêm./.

D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam