Thị trường chứng khoán 2017: Một năm “tràn ngập” kỷ lục

11:40 | 02/01/2018 Print
(TBTCVN) - Chỉ số VN-Index tăng hơn 45%; vốn hóa thị trường tăng hơn 70%; tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài vượt 31 tỷ USD; giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả cổ phiếu và trái phiếu đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng; những phiên thoái vốn “tỷ đô”;…

Thị trường chứng khoán năm 2018 tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lên “đỉnh” mới.

Thị trường chứng khoán năm 2018 tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lên “đỉnh” mới.

đây đều là những con số “kỷ lục” được xác lập trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2017. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK là một “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, thậm chí vượt qua cả những dự báo tích cực nhất về thị trường đưa ra vào thời điểm đầu năm.

Nhiều con số vượt kỳ vọng

Năm 2017 thực sự là một năm đáng nhớ và rất nhiều cảm xúc của TTCK khi hàng loạt con số liên tục “lập đỉnh”.

Vào thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, nhiều chuyên gia đều nhận định rằng, chỉ số VN-Index sẽ dao động xung quanh mốc 800 điểm, thậm chí những nhận định khả quan nhất cũng chỉ dự báo đạt tới 850 điểm. Nhưng diễn biến thực tế của chỉ số VN-Index trong năm 2017 quả thực là tích cực vượt ngoài dự báo. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 19/12/2017, chỉ số VN-Index đạt 951,42 điểm, tăng 43% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 111,61 điểm, tăng 41,5% so với cuối năm 2016. Trước đó, có những thời điểm VN-Index đã vượt mốc 970 điểm - một con số kỷ lục trong gần 10 năm qua và có lẽ người lạc quan nhất cũng chưa từng nghĩ tới vào thời điểm đầu năm.

Năm 2017, làn sóng lên sàn của các “đại gia” và các ngân hàng đã giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô. Tính tới thời điểm 19/12, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Về quy mô giao dịch, ước tính chung 12 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường đạt 13.870 tỷ đồng, tăng 46,3% so với bình quân cả năm trước, trong đó giao dịch trái phiếu đạt gần 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38%; giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63%.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng (tính đến ngày 30/11/2017) đạt 1,9 triệu tài khoản (trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 22.114 tài khoản) tăng 11,1% so với cuối năm 2016. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tạo ấn tượng khi duy trì con số kỷ lục mới. Chỉ tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.

Năm 2017, thị trường chứng khoán ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại. Trong khi hai quỹ ETFs ngoại lớn nhất thị trường ở trạng thái “rút ròng”, nhưng tính chung cả thị trường, khối ngoại vẫn duy trì lực mua ròng kỷ lục. Tính tới đầu tháng 12, khối ngoại đã mua ròng hơn 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và hơn 18,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Khối ngoại không chỉ tham gia mua vào các cổ phiếu niêm yết mà dịch chuyển tích cực sang các cổ phiếu mới niêm yết, cổ phiếu thoái vốn, IPO hay M&A.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tới thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có con số cụ thể về sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng các dự báo đều cho thấy, “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua con số lợi nhuận sẽ tăng trưởng ở mức khá so với năm 2016. Cùng với đó, tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng trong đó, dấu ấn lớn nhất là cổ phiếu đầu ngành. Trong đó, mức tăng nổi bật và đáng chú ý nhất thuộc về nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và thực phẩm tiêu dùng. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận 1-2 cổ phiếu đầu ngành vượt trội so với mức tăng chung của thị trường, thậm chí rất nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng về giá tính bằng “lần”.

Năm 2018 sẽ có thêm những “đỉnh” mới

Một số ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán 2017 đã tăng trưởng ở mức “khá nóng”, do đó, rủi ro xảy ra các phiên điều chỉnh mạnh có thể xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Chỉ số VN-Index lớn nhanh đi kèm với mức tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đưa chỉ số P/E thị trường lên mức cao kỷ lục, đạt 19,x vào thời điểm đầu tháng 12. Do vậy, việc định giá thị trường tăng nhanh có thể làm giảm đi sức hấp dẫn của thị trường trong năm tới. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, năm 2018, kinh tế thế giới có thể tiềm ẩn nhiều biến động, trong đó, động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần được dõi theo cẩn trọng.

Tuy nhiên, phần nhiều chuyên gia đều cho rằng, năm 2018 nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có thêm những “kỷ lục” mới. Đặc biệt, chỉ số VN-Index rất có thể sẽ có thêm nhiều “đỉnh mới” và cũng không loại trừ sẽ tiệm cận “đỉnh” lịch sử được xác lập vào tháng 3/2007 (hơn 1.170 điểm). Có ý kiến cho rằng, sang năm 2018, có thể sau 10 năm chỉ số sẽ trở lại “đỉnh cao”, song bản chất thị trường đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, bền vững hơn.

Theo đó, năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ tạo kỳ vọng cho dòng tiền đầu tư vào Việt Nam ở mức cao, tính trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu.

Nhiều nhận định cho rằng, tương tự năm 2017, điểm nhấn của thị trường chứng khoán 2018 vẫn nằm ở hoạt động IPO, thoái vốn. Theo đó, có thể 2018 sẽ là năm cao điểm của quá trình IPO, thoái vốn nhà nước và điều này là “sức hấp hút riêng có” của thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, làn sóng niêm yết mới trong năm tới cũng sẽ tạo sức hút đối với dòng tiền tham gia thị trường, trong đó, đáng quan tâm là sự gia nhập của các “ông lớn” (tập đoàn, tổng công ty) và các ngân hàng. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền khối ngoại.

Riêng với thị trường chứng khoán, cùng các sản phẩm mới trên thị trường phái sinh, thị trường trái phiếu, thì sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm dự kiến sẽ được vận hành chính thức trong năm 2018 cũng là một điểm tích cực. Song song với đó là nỗ lực hoàn thiện chính sách hỗ trợ thị trường, tăng cường thanh tra, giám sát, nâng hạng thị trường chứng khoán,… đến từ cơ quan quản lý sẽ góp phần giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn trong năm tới./.

Bài và ảnh: Duy Thái

Bài và ảnh: Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam