Thị trường chứng khoán: Sẽ có ‘luồng gió mới’ vào tháng 6 tới?

18:19 | 04/05/2017 Print
Pakistan rời khỏi rổ chỉ số của các thị trường cận biên sẽ để lại 1 khoảng trống cho các thị trường còn lại, trong đó có Việt Nam. Tỷ trọng của Pakistan trong MSCI FM 100 Index là 10,4%, còn của Việt Nam là 8,1%. Khi Pakistan rời đi, tỷ trọng của Việt Nam sẽ được tăng lên 9,8%.

Bao nhiêu tiền sẽ đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng?

Theo thống kê của Tổ chức EPFR Global, hiện tại có 491 quỹ đầu tư trên toàn cầu đang sử dụng MSCI EM Index làm chỉ số tham chiếu với tổng tài sản là 435 tỷ USD, trong đó ETF là 22 quỹ với 44 tỷ USD và quỹ tương hỗ là 469 quỹ với 391 tỷ USD.

Giống như các quỹ ETF ngoại đầu tư vào Việt Nam, khi chỉ số tham chiếu của các quỹ thay đổi, các quỹ sẽ phải cơ cấu lại danh mục để sao cho giống với chỉ số đó nhất.

Thị trường chứng khoán: Sẽ có ‘luồng gió mới’ vào tháng 6 tới?
Một vấn đề rất được quan tâm đó là bao nhiêu tiền sẽ đổ vào Việt Nam khi TTCK được nâng hạng. Nếu đó là con số nhỏ, có lẽ không thực sự cấp bách; nhưng nếu đó là con số lớn, thậm chí rất lớn, việc nâng hạng cần phải đặc biệt ưu tiên. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Nếu TTCK Việt Nam được MSCI nâng hạng lên mới nổi, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam đương nhiên sẽ được bổ sung vào trong chỉ số MSCI EM Index và vì vậy, các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt Nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.

MSCI EM Index hiện bao gồm hơn 800 cổ phiếu thuộc 24 nước; chiếm tỷ trọng lớn nhất là Trung Quốc (26,92%), tiếp đến là Hàn Quốc (14,75%), Đài Loan (12,1%) và Pakistan có tỷ trọng thấp đứng thứ 2 từ dưới lên là 0,17%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tỷ trọng của từng nước trong chỉ số không hoàn toàn phụ thuộc vào tổng vốn hóa của TTCK nước đó mà phụ thuộc nhiều hơn vào những cổ phiếu lớn, đủ điều kiện để vào chỉ số. Đây cũng chính là các cổ phiếu để MSCI xem xét đánh giá nâng hạng thị trường với 3 tiêu chí: Vốn hóa ≥ 1,269 tỷ USD; vốn hóa tự do chuyển nhượng ≥ 635 triệu USD và giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR) ≥ 15%.

Tỷ trọng vốn ngoại vào Việt Nam có thể "nhỉnh" hơn Pakistan

TTCK Pakistan được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xét duyệt tháng 6/2016. Một năm sau khi được nâng hạng, các chỉ số của MSCI mới bổ sung các cổ phiếu của Pakistan. Điều này có nghĩa trong kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 5/2017, hoạt động đảo danh mục mới chính thức diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6/2016 khi Pakistan được công bố nâng hạng, dòng vốn vào nước này đã có sự cải thiện rõ rệt.

Theo thống kê của EPFR Global, kể từ cuối tháng 6/2016, dòng vốn vào Pakistan đã tăng mạnh và gần như liên tục. Trong khi các quỹ đầu tư tại nhóm thị trường mới nổi ở châu Á nói chung đối mặt với áp lực rút vốn, dòng vốn vào Pakistan vẫn duy trì ổn định và có tăng trưởng. Rõ nhất là vào đầu năm 2017, dòng vốn vào Pakistan tăng gần gấp đôi so với quãng thời gian tháng 6 - 7/2016. Khi chính thức được vào chỉ số, dòng vốn vào Pakistan sẽ còn tiếp tục gia tăng. Với tỷ trọng 0,17% trong MSCI EM Index, Pakistan sẽ nhận được ít nhất 740 triệu USD phân bổ tài sản từ các quỹ sử dụng MSCI EM Index làm tham chiếu. Số tiền này nhiều khả năng sẽ được giải ngân trong vòng 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8/2017.

nâng hạng TTCK
Sẽ có nhiều quỹ, nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi TTCK được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch đã lên một tầm cao mới.

Ông Linh cho biết, nếu so sánh với Pakistan, tổng vốn hóa thị trường và các cổ phiếu lớn của Việt Nam có phần “nhỉnh” hơn. Cụ thể, tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam là 101 tỷ USD, cao hơn của Pakistan là 94 tỷ USD. Cổ phiếu lớn nhất của Pakistan là Oil & Gas Development Company có vốn hóa 6,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk (VNM) với 9,2 tỷ USD. Nếu so sánh với Peru, tổng vốn hóa thị trường của Việt Nam và Pakistan đều lớn hơn, tuy nhiên tỷ trọng của Peru lại lên tới 0,35%, cao gấp đôi Pakistan do Peru có một số công ty lớn với tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao.

“Điều này cũng có nghĩa Việt Nam có thể nâng được tỷ trọng, tăng dòng tiền vào Việt Nam nếu có chiến lược sớm về thoái vốn, tăng tỷ lệ tự do chuyển nhượng bên cạnh việc thúc đẩy các công ty lớn lên sàn”, chuyên gia từ SSI cho hay.

“Chúng tôi giả định Việt Nam có tỷ trọng 0,2% trong chỉ số MSCI EM Index. Với tỷ trọng này, tổng lượng tiền mà các quỹ đang sử dụng MSCI EM Index làm tham chiếu phải mua các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam là 871 triệu USD”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh ước tính một cách thận trọng.

Tuy nhiên, còn một thời gian dài để Việt Nam chuẩn bị cho việc nâng hạng, trong thời gian này số lượng công ty lớn lên niêm yết sẽ còn tăng. So với Pakistan, hiện tại Việt Nam đã vượt về quy mô cũng như số lượng công ty niêm yết. Ở thời điểm nâng hạng trong tương lai, số lượng cổ phiếu Việt Nam thỏa mãn điều kiện của MSCI có thể còn cao hơn Pakistan.

“Điều này rất quan trọng để tăng tỷ trọng của Việt Nam, trực tiếp tác động đến dòng vốn. Philippin là thị trường có tỷ trọng thấp nhất trong các nước ASEAN nằm trong nhóm mới nổi cũng đạt được tỷ trọng 1,2%, tương đương 5,2 tỷ USD. Rõ ràng, đây là một con số tham khảo cũng là một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam có chiến lược nâng hạng đúng”, ông Linh khẳng định.

Cổ phiếu nào sẽ được mua khi Pakistan chính thức nâng hạng?

Vào tháng 6/2017 tới, Pakistan sẽ chính thức được nâng hạng, điều này có tác động tích cực đến TTCK Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc Pakistan rời khỏi rổ chỉ số của các thị trường cận biên sẽ để lại một khoảng trống cho các thị trường còn lại, trong đó có Việt Nam. Tỷ trọng của Pakistan trong MSCI Frontier Market 100 Index là 10,4%, còn của Việt Nam là 8,1%. Khi Pakistan rời đi, tỷ trọng của Việt Nam sẽ được tăng lên 9,8%. Hiện tại có ít nhất 1 quỹ đang đầu tư theo chỉ số là iShares MSCI Frontier 100 ETF với tổng tài sản 590 triệu USD. Quỹ này sẽ bán toàn bộ cổ phiếu Pakistan và tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam thêm 1,7%, tương ứng 9,8 triệu USD (225 tỷ VND).

Cụ thể hơn, 6 cổ phiếu của Việt Nam trong chỉ số này sẽ được mua, nhiều nhất là Vinamilk, 5,4 triệu USD và thấp nhất là Sacombank, 20 nghìn USD. Tuy nhiên, so với thanh khoản trung bình hàng ngày thì giá trị mua này không lớn để có tác động mạnh đến giá cổ phiếu./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam