Tổng tài sản của CTG tăng lên mức 947 nghìn tỷ đồng

12:23 | 11/01/2017 Print
Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã ck: CTG) đã kết thúc năm 2016 với kết quả hoạt động được coi là thành công, khi các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đặt ra.

vietinbank

Tại Hội nghị sơ kết “Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”, do NHNN và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/1/2017, VietinBank đã đăng ký tài trợ 120.000 tỷ đồng Kết nối NH - DN năm 2017. Ảnh VTB

Theo thông tin của VietinBank, năm 2016, lợi nhuận của VietinBank ước đạt 8.250 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHĐCĐ, tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 10,9% và 1%. VietinBank tiếp tục nằm trong top doanh nghiệp dẫn đầu về thực hiện nghĩa vụ ngân sách.

Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt 947 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015 và đạt 107% kế hoạch ĐHĐCĐ. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 862 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch ĐHĐCĐ, trong đó nguồn vốn VietinBank huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế từ thị trường 1 với mức tăng hơn 30% so với đầu năm.

Cũng trong năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Dư nợ bán lẻ của VietinBank duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các khu vực với mức tăng 35% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ. Dư nợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và FDI tăng lần lượt là 29% và 34% so với năm 2015.

Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong kiểm soát chất lượng nợ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2016, VietinBank tiếp tục quản lý tốt chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. VietinBank quyết liệt, tích cực, sát sao, dứt điểm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, khoản nợ bán cho VAMC, từ đó đẩy nhanh tốc độ tái tạo vốn kinh doanh.

Bên cạnh hoạt động tín dụng và nguồn vốn truyền thống, VietinBank chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, phát triển sản phẩm hiện đại và trở thành NHTM đi đầu trong phát triển hoạt động thanh toán. Hoạt động này tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và NHNN về phát triển dịch vụ và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, VietinBank đẩy mạnh các hoạt động cung ứng dịch vụ, tạo ra giá trị mới cho khách hàng. Theo đó, VietinBank đẩy mạnh hoạt động kết nối kinh doanh, đầu tư, cung ứng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp như: Tư vấn mua bán sáp nhập, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn quốc tế một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhất.

Trong năm 2016, thương hiệu VietinBank được khẳng định và ghi nhận: Top 10 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; Thương hiệu Ngân hàng đứng đầu Việt Nam và nằm trong Top 400 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới, đạt 249 triệu USD (theo công bố toàn cầu của Brand Finance); năm thứ 5 liên tiếp nằm trong Top 2000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới (xếp hạng của Forbes). Các hãng xếp hạng tín nhiệm S&P, Fitch… công bố VietinBank có xếp hạng tín nhiệm ngang bằng Xếp hạng Tín nhiệm Quốc gia.

Năm 2017, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15 - 17%, dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 18%, nguồn vốn tăng phù hợp với nhu cầu tăng trưởng tín dụng. VietinBank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tốt chất lượng nợ, kiểm soát tốt tỉ lệ nợ xấu, lợi nhuận tăng trưởng, đảm bảo đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ./.

M.A

M.A

© Thời báo Tài chính Việt Nam