Chứng khoán 14/3: Vn-Index tiếp tục thất bại trước ngưỡng 580

15:35 | 14/03/2016 Print
Phiên đầu tuần thị trường không còn sự trợ lực từ siêu cổ phiếu VNM, VN-Index kể cả khi có sức kéo của vài mã ngân hàng vẫn không thể nào vượt được 580 điểm.

chứng khoán tăngCác quỹ ETF bắt đầu mua

Tuần này thị trường bắt đầu bước vào đợt giao dịch cân bảng cho quý 1/2016 của hai quỹ ETF là VNM và FTSE. Danh mục cổ phiếu mua bán đã được công bố và thị trường nhận được sức mua khá mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài nói chung và hai quỹ này nói riêng.

Nhà đầu tư trong nước cũng lặp lại chiến lược mua theo ETF và hôm nay, khá nhiều cổ phiếu nằm trong danh mục mua của các quỹ đã tăng giá. Sức đẩy của cầu ngoại là khá rõ ràng, nhưng cũng phải kể đến cầu trong nước manh mẽ.

SBT dĩ nhiên là cổ phiếu được chú ý nhất trong hôm nay, khi quỹ VNM đã thêm mới vào danh mục. Điều đó nghĩa là SBT sẽ được phân bổ với tỷ trọng 3,78% tài sản quỹ, tương đương mua vào trên 13 triệu cổ phiếu.

Không có gì bất ngờ khi SBT trở thành mã đạt thanh khoản lớn nhất thị trường và cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua lớn nhất tính theo khối lượng. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1,05 triệu SBT, rất lớn, nhưng cũng mới là 26,6% lượng khớp hôm nay. Như thế nhà đầu tư trong nước trở thành lực lượng đầu cơ giá lên chính với mã này.

SBT tăng 6,03%, chỉ cách mức trần 2 bước giá. SBT đã chính thức vượt đỉnh cũ gần nhất trong tháng 2/2016 và lập đỉnh cao mới trong lịch sử niêm yết ở 29.900 đồng.

Ngoài SBT, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng giá nhờ các giao dịch đầu cơ ăn theo của nhà đầu tư trong nước. HNG, cổ phiếu cũng được thêm mới lần này và quỹ FTSE được khối ngoại mua 535.350 cổ phiếu, cũng chỉ chiếm 12,3% lượng giao dịch và giá tăng 1,14%. HPG được mua 357.330 cổ phiếu, khoảng 9,2% lượng giao dịch, giá tăng 4,17%. PVD tăng 1,13%, HHS tăng 2,94%...

Nhìn chung các giao dịch mua thường được thực hiện trước nhưng trong các lần tái cân bằng trong quá khứ. Giao dịch trọng điểm được thực hiện vào ngày cuối cùng của tuần. Tỷ trọng mua của khối ngoại hôm nay so với tổng lượng giao dịch thành công ở các cổ phiếu đều nhỏ. Như vậy vẫn chỉ có nhà đầu tư trong nước thực hiện đánh lên ngắn hạn, vì vẫn còn kịp thời gian cho ngày T+3 vào phiên cuối tuần này.

Ngưỡng 580 điểm quá “cứng”?

Không thể phủ nhận được sức mạnh nâng đỡ của khối ngoại nói chung trên thị trường hôm nay. Thực tế đây là một cơ hội bứt phá qua ngưỡng 580 điểm vì hai quỹ ETF sẽ mua vào ở nhiều cổ phiếu blue-chips với khối lượng lớn. Nếu thị trường có được sức cầu tốt hơn để đẩy giá lên theo, chuyện VN-Index vượt 580 điểm không phải là quá khó.

Trong phiên đã có lúc điều này xảy ra. Đầu tiên lúc mở cửa VN-Index đã đạt tới 579,84 điểm và lần thứ hai đầu phiên chiều ở 579,66 điểm. Khoảng cách là rất nhỏ để chỉ số này nhảy qua 580 điểm. Tuy nhiên một lần nữa thị trường lại thất bại, khi VN-Index lùi dần sau đó và đánh mất cơ hội quá tốt.

Chỉ số chính của thị trường đóng cửa chỉ tăng 0,12%, tương đương 577,98 điểm. Mức mất điểm so với đỉnh cũng không nhiều, nhưng rõ ràng là cơ hội mười mươi lại không thành công. Nói rõ hơn, đây là lần thứ 4 VN-Index lặp lại diễn biến thất bại đó.

Cơ hội bị bỏ lỡ hôm nay dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó quan trọng nhất là VNM đã không tăng mà giảm. Sau phiên cuối tuần trước rất khỏe, VNM hôm nay đã chững lại, giảm nhẹ 0,74%. Đó là điều rất bình thường có thể thấy ở bất kỳ cổ phiếu nào sau một ngày tăng đột biến.

Đáng tiếc là VNM đã không có đủ cầu để tạo giá tăng, hay ít nhất là tham chiếu. Hàng trăm ngàn cổ phiếu chặn bán ở tham chiếu là quá lớn để dòng vốn đầu cơ thông thường có thể đẩy giá lên. Chẳng hạn muốn VNM tăng 1 bước giá thôi, ít nhất bên mua phải sử dụng hơn 17,2 tỷ đồng để mua. Chỉ riêng mức dịch nói trên cũng đã đứng vào Top 30 cổ phiếu thanh khoản nhất ở HSX. Đó là điều không hề dễ dàng.

VNM giảm đã khiến VN-Index bị đuối đi rất nhiều, nhất là khi các cổ phiếu ngân hàng vẫn không nhúc nhích. VCB tăng 0,24%, EIB tăng 0,97% hóa ra lại là những cổ phiếu ấn tượng nhất, còn CTG, BID, STB chỉ tham chiếu, MBB giảm 1,34%.

Sức mạnh của GAS hôm nay cũng không ấn tượng, chưa kể cổ phiếu này không đủ thay thế nhóm ngân hàng. GAS tăng 0,21% là cực kỳ cố gắng trong bối cảnh giá dầu giảm trở lại. Nói chính xác thì GAS đã yếu đi rất nhiều trong phiên, vì có lúc giá lên tới 48.700 đồng, nhưng đóng cửa chỉ là 48.200 đồng.

Tới 4 lần VN-Index không thể vượt qua được 580 điểm do các cổ phiếu lớn triệt tiêu lẫn nhau là điều bất lợi. Điều này hoặc thể hiện rằng ngưỡng kháng cự nói trên quá “cứng”, hoặc thể hiện rằng các blue-chips quá đuối. Dòng tiền giao dịch hôm nay vẫn rất tốt, đạt 2.470,5 tỷ đồng khớp lệnh và 5.823,9 tỷ đồng nếu tính cả thỏa thuận. Điều hơi tiếc là một số giao dịch mua lớn lại được thực hiện qua thỏa thuận như MSN, vốn dĩ không tác động lên giá trên sàn.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

1.926,1 tỷ đồng (-16%)

122,2 triệu (-9%)

544,4 tỷ đồng (+1%)

50,5 triệu (+2%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX

HNX

Khối lượng

Giá trị

Khối lượng

Giá trị

SBT

3.949.560

115.980

DST

1.344.377

40.084

HPG

3.870.560

114.505

SCR

4.122.515

39.937

CII

3.799.320

90.529

PVS

1.525.260

25.816

VNM

440.820

59.697

PGS

1.282.573

25.139

SSI

2.321.160

52.701

TNG

958.994

20.854

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam