Các công ty chứng khoán đạt tổng lợi nhuận sau thuế trên 2.200 tỷ đồng

19:04 | 21/01/2016 Print
Cùng với công tác tái cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), “sức khỏe” hệ thống công ty chứng khoán (CTCK) đã có nhiều bước cải thiện tích cực. Đến nay, về cơ bản, tình hình tái cấu trúc các CTCK đã đạt được những mục tiêu, nguyên tắc đề ra...

công ty chứng khoán

Quá trình tái cấu trúc đã đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu CTCK. Ảnh: DT

Nhiều con số “vui”

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, số lượng CTCK giảm được 25 công ty, chiếm 25% tổng số CTCK đã được cấp phép hoạt động.

Đặc biệt hơn, chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK đã được nâng cao.

Tính đến hết năm 2015 số lượng CTCK hoạt động kinh doanh có lãi tăng 30% so với năm 2011, với tổng lợi nhuận sau thuế là trên 2.200 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm 31/12/2011 tổng lợi nhuận sau thuế của các CTCK là âm.

Theo đó, tình hình tài chính của các CTCK đang được dần cải thiện, trở nên lành mạnh, trong sạch hơn qua các năm.

Tính thanh khoản của tài sản tốt hơn so với thời điểm năm 2011, tài sản ngắn hạn tại 30/9/2015 chiếm 84,93% tổng tài sản của công ty, trong khi năm 2011 là 76%. Tổng số vốn chủ sở hữu tại 31/12/2015 tăng 20% so với thời điểm 31/12/201. Danh mục đầu tư của các CTCK được cơ cấu lại theo hướng giảm dần các khoản đầu tư có rủi ro cao, đảm bảo các tỷ lệ đầu tư theo quy định. Tỷ lệ CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% trở lên (ngưỡng bình thường) của năm 2015 tăng 15% so với năm 2011.

Cũng theo UBCKNN, kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay diễn biến theo chiều hướng tăng lên, số lượng các CTCK hoạt động có hiệu quả ngày càng nhiều hơn và lợi nhuận cũng được tăng lên. Cụ thể, tính đến hết năm 2015 số lượng CTCK hoạt động kinh doanh có lãi tăng 30% so với năm 2011, với tổng lợi nhuận sau thuế là trên 2.200 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm 31/12/2011 tổng lợi nhuận sau thuế của các CTCK là âm.

Cùng với đó, công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro của các CTCK ngày càng được chú trọng và nâng cao. Các CTCK đã lập bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận quản trị rủi ro và xây dựng chính sách quản trị rủi ro theo quy định. Nhiều CTCK lớn đã chú trọng, có sự đầu tư đáng kể khi thuê các tổ chức chuyên nghiệp độc lập để tư vấn, thiết lập xây dựng khuôn khổ quy trình, quy chế quản trị rủi ro cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, không ít CTCK chủ động thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn góp chủ sở hữu nhằm tăng cường năng lực tài chính, cắt giảm chi phí, nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh theo nhiều giải pháp khác như thu hẹp mạng lưới hoạt động, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, cắt giảm nhân sự, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Hiệu quả quản lý, giám sát ngày càng sắc nét

UBCKNN cho biết, trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp lý ngày càng được hoàn thiện - đây là công cụ chủ yếu góp phần nâng cao năng lực quản lý, giám sát hoạt động của các CTCK.

Cùng với đó, nhờ việc hình thành mô hình giám sát mới (chuyển từ giám sát tuân thủ sang giảm sát dựa vào rủi ro), cơ quan quản lý cũng đã tăng cường được năng lực quản lý, giám sát đối với các CTCK. Theo đó, cơ quan quản lý đã phân loại các CTCK thành 3 nhóm: Hoạt động bình thường; bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, rút nghiệp vụ môi giới; không còn hoạt động (đã có quyết định chấp thuận giải thể, thu hồi giấy phép). Sau đó, thực hiện chấm điểm, xếp loại định kỳ các CTCK theo quy chế CAMEL. Căn cứ vào kết quả xếp loại, UBCKNN sẽ có những giải pháp quản lý giám sát cụ thể đối với từng nhóm.

Mặt khác, định kỳ hàng năm lên danh sách kiểm tra từ 15 đến 20 CTCK theo các tiêu chí khác nhau, xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm. Điều này góp phần chấn chỉnh hoạt động của các CTCK, tăng tính tuân thủ pháp luật của các công ty.

Ngoài ra, nhằm mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết, Nghị định 58 và Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 58 đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của CTCK. Đồng thời, việc tái cấu trúc CTCK và TTCK đã mang lại những kết quả theo chiều hướng tích cực, làm lành mạnh môi trường đầu tư. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào TTCK Việt Nam. Đến nay, riêng mảng CTCK đã có 5 công ty do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 49% vốn điều lệ, trong đó có nhiều nhà đầu tư là các tổ chức kinh doanh chứng khoán lớn trên thế giới và khu vực./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam