Thoái vốn ngoài ngành thu về 1,5 lần giá trị sổ sách

11:42 | 12/01/2016 Print
Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN cho biết, đến hết năm 2015, đã có 9.924 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành được thoái, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 60% tổng ngoài ngành chưa thoái xong.

thoái vốn ngoài ngành

Hiện vẫn còn 60% tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái trong năm 2016.

Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 25/12/2015, đã có 244 doanh nghiệp (DN) được sắp xếp lại. Trong đó, 222 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 22 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác.

Tính chung giai đoạn 2011 - 2015, cả nước cổ phần hóa đạt 93% kế hoạch. Trong giai đoạn này đã sắp xếp được 558 DN, gồm cổ phần hóa được 478 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN, cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Các đơn vị chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt kết quả tốt năm 2015, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực của công tác cổ phần hóa là Bộ Giao thông vận tải với 30 DN đã cổ phần hóa, tiếp đến là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (8 DN), Bộ Y tế (6 DN), thành phố Hà Nội (32 DN), Hải Phòng (8 DN), Lào Cai (7 DN), Nghệ An (6 DN), Hải Dương (6 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (9 DN).

Ngược lại, một số đơn vị tuy triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả là Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các địa phương: Nam Định, Đăklăk, Gia Lai, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Cũng theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, tính đến ngày 25/12/2015, cả nước thoái được 9.924 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỷ đồng thu về 4.956 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 5.506 tỷ đồng thu về 10.048 tỷ đồng.

Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt năm 2015 có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (đã thoái được 3.026 tỷ đồng, thu về 3.540 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (thoái 1.448 tỷ đồng thu về 4.100 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thoái 362 tỷ đồng, thu về 1.122 tỷ đồng).

Về kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 22/12/2015 có 128 DN IPO ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán là hơn 1,089 tỷ cổ phiếu, trị giá 10.896 tỷ đồng, số cổ phiếu bán được hơn 491,4 triệu cổ phiếu, trị giá 6.903 tỷ đồng, đạt 36,25% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Trong tổng số 128 doanh nghiệp IPO có 71 doanh nghiệp bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt vốn nhà nước tại các công ty cổ phần trong năm 2015 đã được đẩy nhanh, nhưng số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.

Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính; chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước (bình quân năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 36,25% tổng số cổ phần chào bán).

Cùng với đó, nhiều DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược... cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Trong năm 2016, tái cơ cấu DNNN (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp) sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, tạo chuyển biến về chất; DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn quan trọng.

Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tái cơ cấu DNNN cho phù hợp với các luật mới ban hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp; triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập./.

N.P

N.P

© Thời báo Tài chính Việt Nam