FED nâng lãi suất sẽ tốt hơn là trì hoãn?

16:30 | 16/09/2015 Print
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,25% đi kèm với thông điệp hỗ trợ thậm chí còn tốt hơn là trì hoãn, bởi trì hoãn có nghĩa triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự ổn định theo quan điểm của họ.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, Khối Dịch vụ chứng khoán, CtyCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của PV TBTCVN.

PV: Cả thị trường đang "ngóng tin" chính thức của FED về việc có tăng lãi suất USD hay không. Cá nhân ông bình luận thế nào về kết quả FED sắp công bố?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Đang có rất nhiều tín hiệu cho thấy FED có thể sẽ nâng lãi suất trong tuần này. Nếu nhìn vào sự hồi phục của kinh tế Mỹ mà tỷ lệ thất nghiệp là một minh chứng thì việc FED nâng lãi suất là điều trong tầm tay.

Việc FED nâng lãi suất có thể gây khó khăn cho một số nước, nhưng sẽ không xảy ra làn sóng đổ vỡ hay sụt giảm mạnh của thị trường tài chính. Ở một khía cạnh nào đó, việc FED nâng lãi suất có thể mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Nguyễn Đức Hùng Linh SSI

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Tuy vậy vẫn còn một số rào cản nhất định. Trước hết là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự ổn định mà mối bận tâm lớn nhất hiện đang nằm ở khối BRICS. GDP toàn cầu quý I.2015 mới chỉ tăng 1,72%, thấp hơn mức trung bình 6 năm là 1,9% và thấp hơn nhiều tăng trưởng GDP thời điểm FED nâng lãi suất năm 2004 là 3%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn còn rất xa 2%, mục tiêu FED đề ra cùng với tỷ lệ thất nghiệp để cân nhắc nâng lãi suất. Dù FED đã tuyên bố cách đây ít lâu rằng sẽ linh hoạt và đánh giá tổng thể, nhưng chúng tôi cho rằng, vẫn có khả năng FED sẽ không nâng lãi suất trong kỳ họp kết thúc vào ngày mai (17.9.2015).

PV: Một số ý kiến cho rằng, việc FED nâng lãi suất trong đợt này là tín hiệu tích cực cho kinh tế vĩ mô thế giới. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Không giống như cú “sốc” hồi tháng 5.2013 khi FED bất ngờ đưa ra tín hiệu sẽ cắt giảm gói QE3, thị trường đã dự đoán việc nâng lãi suất từ hơn 1 năm trước. Dòng vốn đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi trong một thời gian dài và tăng mạnh kể từ giữa tháng 7.

Chỉ trong 2 tháng tính đến thời điểm này, đã có hơn 40 tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở các thị trường mới nổi, trong đó gần 20 tỷ USD là từ châu Á. Con số này vượt xa lượng vốn bị rút trong tháng 5 - 6.2013. Chỉ số MSCI EM Asia cũng đã giảm mạnh từ tháng 4.2015, 2 tháng trước khi bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ.

Như vậy, có nghĩa thị trường đã có phản ánh từ trước và khi FED nâng lãi suất, đây lại có thể là thời điểm thị trường gần chạm đáy giống như điều này đã xảy ra trong năm 2013-2014.

Nếu FED nâng lãi suất đi kèm với phát biểu mang tính hỗ trợ, ví dụ như FED sẽ cân nhắc nâng lãi suất một cách “chậm rãi” hoặc FED nhận thấy kinh tế Mỹ đang trong “trạng thái tốt”, thì tổng hợp các tác động lại có thể là tích cực với thị trường.

Chúng tôi cho rằng, nếu FED nâng lãi suất 0,25% đi kèm với thông điệp hỗ trợ thậm chí còn tốt hơn là trì hoãn, bởi trì hoãn có nghĩa triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự ổn định theo quan điểm của họ.

PV: Kịch bản cho thị trường chứng khoán trong nước sẽ như thế nào nếu FED tăng lãi suất ngay hoặc hoãn tới tháng 12 tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Trong vòng 30 năm trở lại đây, những lần FED nâng lãi suất đều không gây ra tác động tiêu cực đến các thị trường mới nổi. Một nguyên nhân cơ bản là FED chỉ nâng lãi suất khi tăng trưởng kinh tế đã ổn định. Nếu FED không nâng lãi suất, thông điệp của FED sẽ là kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, vẫn chưa đạt đến trạng thái ổn định cần thiết.

FED sẽ tránh sai lầm mà nhiều Ngân hàng Trung ương đã gặp phải đó là sau khi nâng không lâu họ đã lại phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế. Với những biến động diễn ra trong tháng 8, nhiều người sẽ có lý do để trì hoãn FED nâng lãi suất.

Chúng tôi đã phân tích và thấy rằng, việc FED nâng lãi suất có thể gây khó khăn cho một số nước, nhưng sẽ không xảy ra làn sóng đổ vỡ hay sụt giảm mạnh của thị trường tài chính.

Nói như vậy không có nghĩa không có rủi ro đáng kể nào khi FED nâng lãi suất. Tình hình có thể sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào khả năng hấp thụ cú “sốc” từ bên ngoài.

Việt Nam có tỷ lệ cán cân tài khoản vãng lai/GDP ở mức tương đối an toàn. Năm 2014 là 5,4% và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo 4,8% trong năm 2015. Tuy vậy, tại Việt Nam vừa trải qua cú “sốc” tỷ giá khiến dự trữ ngoại hối bị hao hụt. Ngay cả trước khi có sự kiện đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ xấp xỉ gần ngưỡng an toàn là 3 tháng nhập khẩu...

Chúng tôi cho rằng, tiếp tục nới rộng biên độ tỷ giá, cho phép đồng VND được giao dịch linh hoạt sẽ là một lựa chọn hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước để đối phó với các biến động từ bên ngoài. Ở một khía cạnh nào đó, việc FED nâng lãi suất có thể mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán...

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái (thực hiện)

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam