Tỷ giá trong mối tương quan với thị trường chứng khoán mới nổi

09:55 | 14/09/2015 Print
Ngoài các yếu tố vi mô, các yếu tố vĩ mô như GDP, lãi suất, cung tiền, tỷ giá cũng có mối tương quan mật thiết đến diễn biến TTCK, nhất là khi hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn là một thành phần trọng yếu trong GDP của các quốc gia.

tỷ giá và thị trường chứng khoán

Ảnh minh họa. Ảnh: TL

Theo dõi tỷ giá Nhật Bản và 5 nền kinh tế mới nổi trong vùng Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy một sự tương quan đáng chú ý giữa tỷ giá và các chỉ số chứng khoán.

VDSC cho rằng, mối quan hệ giữa tỷ giá và thị trường chứng khoán (TTCK) ở các thị trường đang phát triển khác biệt nhiều với các thị trường phát triển. Theo chiến lược Abenomics (Nhật Bản), với chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tăng trưởng xuất khẩu, nước này có thể hưởng lợi khi JPY mất giá. Do đó, tỷ giá JPY so với USD và chỉ số chứng khoán nước này có mối tương quan thuận khá rõ ràng.

Ngược lại, “việc giảm giá đồng nội tệ lại gây tác động tiêu cực đến các thị trường chứng khoán mới nổi”, Công ty này cho hay.

VDSC dẫn chiếu, giai đoạn 2005-2011, bao gồm cả những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến đồng tiền của hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia,…) giảm giá trị so với USD. TTCK các nước này phản ứng tiêu cực với việc giảm giá đồng tiền và chỉ tăng ổn định trở lại khi đồng nội tệ tăng giá.

Năm 2008, giai đoạn đen tối nhất của TTCK toàn cầu, cũng là khoảng thời gian các đồng tiền giảm giá kỷ lục so với USD. Phải mất 1 - 2 năm sau đó, các chỉ số như SET (Thái Lan), FBMKLCI (Malaysia) và JCI (indonesia) mới hồi phục về mức trước khủng hoảng. Sau năm 2011, mối tương quan nghịch giữa TTCK và tỷ giá thể hiện rõ nhất ở Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Cũng theo VDSC, riêng với Việt Nam, nơi mà đồng tiền luôn đứng ở thế “chỉ giảm không tăng” so với USD, TTCK thường giảm điểm mạnh khi Ngân hàng Nhà nước phá giá đồng Việt Nam.

VDSC lấy minh chứng, hai lần phá giá mạnh nhất gần đây là năm 2009 (6%) và năm 2011 (9%), VN-Index đều rơi vào tình trạng bất ổn. Đặc biệt, sau lần mất giá 9% tháng 2/2011, chỉ số này giảm điểm suốt một năm liền và tới tháng 2/2013 mới bắt đầu ổn định trở lại. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước phá giá tổng cộng khoảng 5% và thị trường đã quay đầu giảm điểm mạnh và gần như ngay lập tức sau lần phá giá gần 2% (hôm 19/8).

Dù cũng như những lần trước thị trường phản ứng không mấy tích cực với việc tỷ giá tăng, chuyên viên vĩ mô của VDSC kỳ vọng, “động thái lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp tiền đồng lấy lại thế cân bằng so với các đồng tiền khác qua đó duy trì sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và hỗ trợ ổn định vĩ mô”./.


D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam