Triển khai TTCK phái sinh: Phòng ngừa rủi ro là ưu tiên hàng đầu

13:24 | 03/08/2015 Print
Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) đang được cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường nỗ lực triển khai để kịp lộ trình ra đời. Trong đó, mục tiêu cao nhất trong giai đoạn đầu của thị trường này là đảm bảo chức năng phòng ngừa rủi ro cho cả thị trường và nhà đầu tư.

Bên lề Hội thảo về TTCKPS, do Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa tổ chức, PV TBTCVN đã ghi lại một số ý kiến “người trong cuộc” về công tác tác chuẩn bị cũng như một số lưu ý về phòng ngừa rủi ro về thị trường này.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Không được phép bỏ qua những nguồn gốc phát sinh rủi ro liên quan tới CKPS

Nguyen Thanh Long
Ông Nguyễn Thành Long

Tôi nghĩ rằng là đây thị trường mới và khái niệm mới, nên khó khăn nằm ở chỗ, chúng ta phải thống nhất được nhận thức, để hiểu thật rõ ràng về sản phẩm cũng như hiểu thấu đáo triết lý quản lý thị trường này từ các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Để làm được điều này, công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho cả các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính và công chúng đầu tư hiểu được khái niệm, mô hình hoạt động, vai trò, các ưu việt nổi trội cũng như các rủi ro tiềm tàng của CKPS là quan trọng nhất. Bởi CKPS không chỉ phục vụ riêng TTCK mà cho cả nền kinh tế, đặc biệt khi mà sau này, chúng ta triển khai các sản phẩm phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở khác, thì các lĩnh vực khai khoáng, xuất - nhập khẩu, lãi suất, tỷ giá… đều có thể được phòng ngừa rủi ro sử dụng CKPS.

Chúng ta cũng không được phép bỏ qua các bài học thất bại, những nguồn gốc phát sinh rủi ro có liên quan tới TTCKPS, để thường xuyên hơn cập nhật hệ thống quy định pháp lý và khung quản lý, bảo đảm sự an toàn và sự phát triển bền vững của TTCKPS.

Ông Jay Keun Lee, Giám đốc Văn phòng dịch vụ phái sinh, Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc: Luật Hàn Quốc có 3 lớp bảo vệ nhà đầu tư (NĐT), Việt Nam nên tham khảo

Để triển khai TTCK phái sinh đạt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro, điều quan trọng cơ quan quản lý cần quan tâm là cần định ra các cơ chế đủ mạnh để bảo vệ an toàn tài sản cho NĐT. Tại Hàn Quốc, điều này được cụ thể hóa tại Luật Thị trường vốn có hiệu lực từ tháng 2/2009. Theo Luật này, có 3 lớp bảo vệ tiền của NĐT khi giao dịch CKPS, mà Việt Nam nên tham khảo để áp dụng.

Chung khoan phai sinh
 Ông Jay Keun Lee

Cụ thể, lớp 1, tiền của NĐT và tài sản thế chấp không phải tiền mặt lần lượt được ký quỹ tại Công ty Tài chính chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán. Bằng cách quản lý riêng biệt các quỹ đầu tư của các NĐT theo Luật thị trường vốn, quyền lợi của các họ trên TTCK phái sinh được bảo vệ khi các CTCK phá sản.

Theo đó, các CTCK phải xác định rõ tiền mà họ đang ký quỹ là tài sản của khách hàng. Các CTCK phải tính toán khoản tiền ký quỹ của NĐT. Khoản tiền này phải được ký quỹ lại với Công ty tài chính chứng khoán Hàn Quốc (KSFC) hàng ngày và ký quỹ lại số tiền tương ứng vào ngày tiếp theo. Các khoản tiền ký quỹ của NĐT được bảo vệ an toàn vì được ký quỹ lại đầy đủ và quản lý tách biệt bởi KSFC, một tổ chức tài chính uy tín xếp hạng tín dụng AAA.

Lớp 2 là yêu cầu về vốn và nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý. CTCK phải có vốn chủ sở hữu không nhỏ hơn 10 tỷ won, vốn hoạt động ròng không nhỏ hơn 150% tổng rủi ro, hệ số tổng tài sản trên tổng nợ không nhỏ hơn 100%. CTCK phải báo cáo lợi nhuận hàng ngày cho Ủy ban giám sát tài chính (FSS) và Hiệp hội đầu tư Tài chính Hàn Quốc (KOFIA).

Và lớp cuối cùng là kiểm toán và thanh tra: FSS, Sở GDCK Hàn Quốc (KRX) và một đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thanh tra chính thức, hoặc rà soát liên tục các giao dịch để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Lê Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC): BSC tích cực chuẩn bị để tham gia TTCKPS ngay từ đầu

Le Quang Huy
 Ông Lê Quang Huy

Ngay từ đầu năm nay, BSC đã thành lập nhóm nghiên cứu về TTCKPS, để lên phương án phát triển sản phẩm, dịch vụ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thăm dò nhu cầu của NĐT, trong đó chủ yếu là NĐT tổ chức, để nắm bắt các nhu cầu của họ trên cơ sở đó lên phương án thiết kế sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Tuy nhiên, do hiện mức độ quan tâm của NĐT đến TTCKPS còn hạn chế, nên BSC gặp không ít thách thức trong thiết kế dịch vụ sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NĐT khi thị trường mở cửa. Riêng đối với hệ thống giao dịch, BSC đang xây dựng phương án bổ sung các tính năng mới để sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khi TTCKPS được triển khai.

Nói tóm lại, BSC đang nỗ lực triển khai nhiều việc để đảm bảo tham gia ngay từ đầu khi TTCK phái sinh mở cửa vào năm tới.

Ông Choi In Jun, Giám đốc kinh doanh đa chiến lược, Tập đoàn Đầu tư Shinhan: Nên nhớ: Không có chuyện phòng vệ rủi ro “hoàn hảo”

Choi In Jun
 Ông Choi In Jun

Mặc dù TTCKPS cung cấp các công cụ phòng vệ rủi ro, nhưng chính bản thân các công cụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao; bởi vậy, NĐT nên nhớ không bao giờ có chuyện phòng vệ rủi ro hoàn hảo.

Do đó, trong quá trình thiết lập các khung khổ pháp lý cho thị trường này, Việt Nam cần đặt ra các quy định chặt chẽ và khả thi để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản phẩm CKPS có thể đem lại.

Cụ thể hơn, cần có các quy định chặt chẽ và linh hoạt về tỷ lệ ký quỹ ban đầu theo hướng cho phép điều chỉnh tỷ lệ này theo giá thị trường. Vào cuối mỗi ngày giao dịch, tài khoản ký quỹ được điều chỉnh để phán ánh mức lỗ/lãi của NĐT. Nếu số tiền trong tài khoản ký quỹ thấp hơn mức ký quỹ duy trì, NĐT nhận được một lệnh nộp bổ sung ký quỹ để đạt mức ký quỹ ban đầu vào ngày hôm sau./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam