Sẽ trình dự thảo Thông tư về chứng khoán phái sinh trong quý tới

17:00 | 13/05/2015 Print
Hiện UBCKNN đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về chứng khoán phái sinh. Việc xây dựng dự thảo này được thực hiện song song với quá trình xây dựng Nghị định để đảm bảo tính thực thi của văn bản. Dự kiến, UBCKNN sẽ trình Bộ dự thảo Thông tư hướng dẫn trong quý III/2015.

Thông tin này được TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết khi trao đổi với PV TBTCVN về một số vấn đề xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS).

PV: Nghị định 42/2015/NĐ-CP được đánh giá là rất quan trọng cho sự ra đời của TTCKPS trong thời gian tới. Vậy quan điểm, định hướng xây dựng TTCKPS được thể hiện vào Nghị định cụ thể thế nào, thưa ông?

TTCKPS được coi là một thị trường phức tạp, nhạy cảm, hiệu ứng đòn bẩy cao và tác động mạnh lên TTCK cơ sở. Do đó quá trình xây dựng khung pháp lý luôn phải cân nhắc tới yếu tố rủi ro, các quy định pháp lý liên quan đến tổ chức thị trường, chuẩn hóa các sản phẩm giao dịch, niêm yết, ký quỹ, cơ chế thanh toán bù trừ đối tác trung tâm để xử lý trường hợp nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh CKPS mất khả năng thanh toán.

Nguyễn Sơn

TS. Nguyễn Sơn

TS. Nguyễn Sơn: TTCKPS được coi là một thị trường bậc cao, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự phức tạp và rủi ro của thị trường này là một trong những căn nguyên gây ra những bất ổn trên thị trường tài chính.

Đó chính là lý do mà trong Quyết định 366/TTg của TTCP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam thể hiện rõ quan điểm thận trọng, phát triển TTCKPS từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm được khả năng quản lý, giám sát đối với những rủi ro trên thị trường.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là khung pháp lý cho TTCKPS vừa phải bảo đảm điều chỉnh đồng bộ, cần cụ thể đến từng đối tượng bị điều chỉnh trên thị trường tương ứng với quy mô, mục tiêu phát triển TTCKPS giai đoạn đầu trong ngắn hạn, nhưng vừa mang tính mở để phù hợp với quy mô, mục tiêu phát triển TTCKPS trong dài hạn.

Trước mắt, khung pháp lý về TTCKPS chưa cần thiết phải xây dựng dưới hình thức văn bản luật, mà chỉ cần là Nghị định của Chính phủ về CKPS và TTCKPS, sau quá trình triển khai thực hiện và có sự đánh giá, tổng kết để luật hóa khi xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán giai đoạn hai vào năm 2017.

Hệ thống khung pháp lý cho TTCKPS bao gồm từ Nghị định, Thông tư đến các Quy chế hướng dẫn phải xây dựng trên cơ sở các thông lệ quốc tế, kinh nghiệm phát triển TTCKPS ở các quốc gia trong khu vực và thế giới, có tính đến điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Đây là vấn đề khá phức tạp, do CKPS và TTCKPS là một lĩnh vực còn quá mới mẻ tại Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhưng lại đặt ra quy định phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, hạn chế rủi ro và khi triển khai vào thực tiễn sẽ hỗ trợ thị trường vận hành an toàn, hiệu quả trên cả TTCK cơ sở lẫn TTCKPS.

PV: Cụ thể, xin ông cho biết những nội dung cơ bản được điều chỉnh tại Nghị định?

TS. Nguyễn Sơn: Nội dung của Nghị định bám sát định hướng phát triển thị trường tại Đề án xây dựng và phát triển thị trường CKPS. Theo đó, các CKPS chuẩn hóa sẽ được niêm yết và giao dịch tập trung trên SGDCK, được thanh toán bù trừ thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) đóng vai trò là đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

CKPS bao gồm các CKPS được chuẩn hóa, niêm yết và các CKPS thỏa thuận như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn và các CKPS khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Phạm vi điều chỉnh và loại CKPS được thiết kế phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với các tổ chức kinh doanh CKPS phải đáp ứng các điều kiện: Có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán; đáp ứng các điều kiện tài chính (các mức vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh CKPS, 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh CKPS đối với hoạt động môi giới CKPS; vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định...). Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thêm về các tiêu chí lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng…

Việc giao dịch CKPS của nhà đầu tư thực hiện thông qua môi giới của các thành viên giao dịch của SGDCK. Hoạt động bù trừ, thanh toán thực hiện thông qua các thành viên bù trừ và TTLKCK. Nghị định cũng quy định những nguyên tắc căn bản về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, điều kiện cung cấp dịch vụ của thành viên giao dịch và thành viên bù trừ đối với nhà đầu tư.

PV: Nghị định đã được ban hành, vậy lộ trình triển khai các văn bản tiếp theo như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Sơn: Hiện nay, UBCKNN cũng đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về CKPS và TTCKCKPS. Dự kiến, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn trong quý III/2015.

Ngoài ra, UBCKNN cũng đã chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội và TTLKCK triển khai xây dựng các Quy chế thành viên, quy chế nghiệp vụ để hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giao dịch, thanh toán bù trừ CKPS nhằm đảm bảo có thể tập huấn cho các thành viên thị trường trước khi đưa thị trường vào hoạt động theo kế hoạch.

PV: Một vấn đề quan trọng khác chuẩn bị cho TTCKPS hoạt động chính là hạ tầng công nghệ. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

TS. Nguyễn Sơn: Theo kế hoạch, TTCKPS sẽ được đưa vào hoạt động vào nửa cuối năm 2016. Theo đó, vấn đề công nghệ thông tin (CNTT) cho hoạt động của thị trường phải được hoàn tất, chạy thử nghiệm trước khi đưa vào vận hành.

Do đó, yêu cầu về xây dựng hệ thống CNTT đặt ra hết sức cấp thiết. UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài chính để có công nghệ kịp thời cho vận hành thị trường, nhưng bảo đảm tính nguyên tắc phù hợp với các sản phẩm thiết kế dự kiến ban đầu là Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và trái phiếu chính phủ, về dài hạn có thể sử dụng trên tất cả các sản phẩm phái sinh.

Ngoài ra, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cũng đã, đang và được UBCKNN chú trọng triển khai để công chúng đầu tư nắm bắt về thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái (thực hiện)

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam