Kịch bản nào cho thị trường trái phiếu chính phủ quý 2 này?

13:29 | 03/04/2015 Print
Lượng trái phiếu đáo hạn quý 2/2015 cao nhất năm sẽ là một động lực quan trọng cho thị trường TPCP. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà “sức nóng” từ FED gia tăng, tín dụng hứa hẹn cải thiện hơn… do đó, một kịch bản tương tự như thời gian qua có thể sẽ lặp lại vào nửa cuối quý 2 này.

Vì sao nhà đầu tư "kén" trái phiếu gọi thầu?

Kết thúc tháng 3/2015, thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh về khối lượng trái phiếu trúng thầu. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng; nguồn cầu giảm nhẹ, trong khi lực cầu yếu.

Ông Nguyễn Quang Tú, Trưởng Bộ phận Phân tích trái phiếu, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản có thể nhìn thấy trên thị trường sơ cấp năm nay đó là sự đa dạng trong kỳ hạn phát hành có phần giảm sút. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, KBNN phát hành giấy tờ có giá với 6 kỳ hạn khác nhau, bao gồm: 1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm. Tuy nhiên trong năm nay, chỉ còn lại kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm.

Diễn biến lợi suất TPCP năm nay chịu nhiều áp lực hơn. Bên cạnh việc tỷ giá ấm lên dưới các động thái từ FED, kinh tế vĩ mô cho dấu hiệu tích cực, tăng trưởng tín dụng năm nay nhiều khả năng tốt hơn. Những điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trái phiếu. Vì vậy, việc tìm kiếm lợi nhuận dựa trên biến động lợi suất cũng diễn ra trong các khoảng thời gian ngắn hơn.

Nguyen Quang Tu

Ông Nguyễn Quang Tú

Chính vì vậy, "khẩu vị" của nhà đầu tư chưa được đáp ứng một cách toàn diện. “Cần nói thêm rằng, phần lớn thành viên thị trường là các ngân hàng, nên họ thường ưa chuộng kỳ hạn ngắn với tính thanh khoản cao”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Tú, các tổ chức phát hành đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn (10 năm và 15 năm) thời gian vừa rồi, nên với nền tảng nhu cầu cơ bản cho loại kỳ hạn này vẫn chủ yếu từ các quỹ bảo hiểm, khả năng hấp thụ của thị trường đã đạt tới ngưỡng tiệm cận cho giai đoạn này. Hay nói cách khác, thị trường tương đối bão hòa và sức cầu tương đối yếu được thể hiện rõ nét thời gian gần đây.

Cùng với đó, nguồn cung trái phiếu trên thị trường thứ cấp gia tăng mạnh mẽ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường sơ cấp kém hấp dẫn hơn. Hoạt động chốt lời danh mục diễn ra khá phổ biến và bên bán cũng đưa ra các mức lợi suất “mềm” hơn so với nhà phát hành.

Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn duy trì chuỗi bán ròng trong vài tuần qua, tuy vị thế không quá lớn nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến tình hình thị trường chung.

Đặc biệt, việc tỷ giá dao động mạnh thời gian qua là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên. Thị trường liên ngân hàng cũng khá nóng, phần nào ảnh hưởng đến nguồn của một số tổ chức tài chính. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cũng được một số thành viên thị trường nhìn nhận là có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý 2 chưa khác biệt?

Theo ông Nguyễn Quang Tú, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi tín hiệu kiên quyết giữ tỷ giá gần đây là một thông tin tốt. Điều này mang lại sự ổn định và tính định hướng cho thị trường ngoại hối nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung. Việc điều hành có lộ trình và dứt khoát cũng giúp hạn chế hoạt động đầu cơ và tình trạng đô la hóa. Đối với thị trường trái phiếu, niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách tiền tệ của NHNN cũng được củng cố.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất vẫn sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng tổ chức tài chính. Ví dụ, gần đây nhất, Vietcombank đã hạ 20-40 điểm cơ bản đối với lãi suất huy động dưới 6 tháng. Cũng cần nói thêm rằng tính dẫn dắt thị trường của ngân hàng này là khá cao, có thể sẽ mở đường cho việc hạ lãi suất của một số ngân hàng khác.

“Nhìn chung, các tổ chức tín dụng vẫn đang tự điều chỉnh theo yếu tố thị trường mà chưa cần đến tác động từ cơ quan điều hành. Dự báo lạm phát năm nay sẽ trong tầm kiểm soát và vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, NHNN cũng phải cân nhắc thêm các yếu tố vĩ mô khác, đặc biệt là tỷ giá VND/USD”, chuyên gia đến từ VCBS khuyến nghị.

Chia sẻ về nhận định cho thị trường trái phiếu quý này, ông Tú cho hay, lượng trái phiếu đáo hạn trong quý 2 cao nhất năm, với hơn 80.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư duy trì sự sôi động của cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, khi các ngân hàng thương mại (nhà đầu tư rất lớn trên thị trường) có thể bù đắp mua thay thế lượng trái phiếu đáo hạn.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà theo dự đoán có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất, vì vậy sẽ tạo ra “sức nóng” cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Hơn nữa, bức tranh tín dụng hứa hẹn sẽ cải thiện hơn năm ngoái khi tăng trưởng nền kinh tế phát đi tín hiệu tích cực, nên có thể nguồn vốn dành cho trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại giảm khi tập trung vốn cho tín dụng.

Do vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ có thể giảm tiếp trong nửa đầu quý 2, nhưng áp lực tăng lãi suất sẽ tăng lên vào nửa cuối của quý khi thị trường bán mạnh. Lãi suất tăng sẽ giúp thị trường thứ cấp sôi động hơn, nhưng thị trường sơ cấp có thể bị "chùng" lại. Hay nói cách khác, một kịch bản tương tự như tháng 3 vừa qua có thể sẽ lặp lại vào nửa cuối quý 2 tới đây./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam