SCIC gặp khó trong việc mua lại vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại

12:19 | 03/04/2015 Print
Chính phủ đã giao cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua cổ phần lần đầu tại các DN cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện tại công tác này đang gặp phải những khó khăn khi triển khai trong thực tiễn.

>> Thông tư 36 có giúp ngân hàng đảo nợ xấu thành nợ dài hạn?

>> Thoái vốn, bán cổ phần: Vướng mắc cơ bản đã được tháo gỡ

>> Còn 90% DNNN phải cổ phần hóa trong kế hoạch năm 2015

Kết quả khả quan nhờ cơ chế mới thông thoáng hơn

Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, với cơ chế mới thông thoáng hơn, SCIC đã chủ động và tích cực đẩy mạnh triển khai thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) theo Đề án tái cơ cấu và đã cho nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, trong quý 1/2015, SCIC đã bán thành công 22 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 20 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 2 DN, thu về 844 tỷ đồng trên giá vốn 253,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,3 lần.

SCIC kiến nghị NHNN có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các TĐ, TCT tại các NHTM.

ông Hoàng Nguyên Học

Ông Hoàng Nguyên Học

Từ khi ban hành Quyết định 2344 ngày 2/12/2013 đến nay, SCIC đã bán vốn tại 159/376 DN, đạt 42,3% kế hoạch theo Đề án tái cơ cấu. Trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 149 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 10 DN, với giá vốn là 1.475 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,5 lần.

Lũy kế từ khi thành lập đến nay, số DN bán vốn thành công là 746 DN. Trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 678 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 68 DN, với doanh thu bán vốn đạt 7.202 tỷ đồng trên giá vốn 3.151 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,3 lần.

SCIC sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế và chủ động đẩy mạnh triển khai công tác bán vốn nhà nước tại DN để hoàn thành mục tiêu Đề án tái cơ cấu và dự thảo Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (đã trình Thủ tướng Chính phủ).

Chủ động, tích cực triển khai thực hiện Quyết định 51

Ông Hoàng Nguyên Học đánh giá, Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 51 của Thủ tướng đã tạo cơ chế mới, quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Trong đó, Chính phủ đã giao cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua cổ phần lần đầu tại các DN cổ phần hóa.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, SCIC đã chủ động liên hệ và đề nghị các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) cung cấp thông tin và phối hợp với SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15.

Hiện đã có 12 TĐ, TCT cung cấp thông tin, đề nghị SCIC phối hợp và SCIC đã làm việc trực tiếp với một số TĐ, TCT, như: TĐ Bưu chính viễn thông, TCT Hàng hải, TCT thương mại Sài Gòn, TĐ Than khoáng sản… để xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

Cùng với đó, SCIC đã triển khai xây dựng Quy chế trình Hội đồng thành viên phê duyệt về việc tham gia mua lại vốn đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua lại cổ phần lần đầu tại các DN cổ phần hóa theo Quyết định 51.

Ngoài ra, triển khai Quyết định 51 về tham gia mua cổ phần lần đầu tiên của DNNN cổ phần hóa, SCIC hiện đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị để nghiên cứu tham gia mua cổ phần lần đầu trở thành cổ đông khi tiến hành cổ phần hóa Cảng Cửa Việt.

Vướng mắc khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng cần được tháo gỡ

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Quyết định 51 quy định: DNNN sở hữu hoặc cùng DNNN khác sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu, hoặc chỉ định một hoặc một số NHTM nhà nước (bao gồm NHTM nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ) mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng trường hợp.

Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 lại quy định thêm, các trường hợp khác ngoài trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này, DNNN thực hiện thoái vốn đầu tư tại các công ty tài chính, NHTM theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 4, Điều 5 Quyết định này, đồng thời phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản đối với bên nhận chuyển nhượng về vấn đề sở hữu vốn, năng lực tài chính theo quy định của pháp luật trước khi chuyển nhượng. Trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc bán không hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá thì DNNN đề nghị NHNN tiếp nhận đại diện chủ sở hữu, hoặc chỉ định NHTM nhà nước mua lại, trước khi đề nghị SCIC mua theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.

Do vậy, ông Hoàng Nguyên Học cho rằng, việc SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các DNNN vào lĩnh vực ngân hàng là rất hạn chế. Cụ thể hơn, SCIC chỉ có thể tham gia trong trường hợp như: NHTMCP có tổng vốn đầu tư của các TĐ, TCT và DNNN dưới 5%; sau khi thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành, thoái vốn dưới giá trị sổ sách và dưới mệnh giá nhưng không thành công; đồng thời lại còn phải được NHNN chấp thuận.

Bên cạnh đó, theo chiếu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Quyết định 51, cũng gặp phải khó khăn khi triển khai thực tế. Cụ thể, việc NHNN tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN tại các NHTM sẽ gây khó khó khăn cho chính các DN này. Bởi khi NHNN đã tiếp nhận đại diện chủ sở hữu thì DNNN không thu hồi được vốn đầu tư ngoài ngành mà họ đầu tư trước đây. Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính như mục tiêu đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thêm một bất cập khác, nếu đối chiếu giữa Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Quyết định 51 và Điểm a và b, Khoản 3, Điều 20, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD lại có sự "vênh" nhau.

Theo đó, Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Quyết định 51 cho phép NHNN được chỉ định NHTM nhà nước mua lại phần vốn của DNNN sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các NHTM. Nhưng tại Điểm a và b, Khoản 3, Điều 20, Thông tư 36 lại quy định rằng: "NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó; NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó".

Cũng cần lưu ý một số điểm rằng, Quyết định 51 do Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 15/9/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/11/2014. Còn Thông tư 36 là do NHNN ban hành ngày 20/11/2014 và có hiệu lực từ 1/2/2015. Qui định có hiệu lực ở hai văn bản này chỉ cách nhau 3 tháng, do vậy cũng cần có sự hướng dẫn để tạo ra tính nhất quán nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Có thể xem và đối chiếu 2 văn bản trên tại đây: Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Thông tư 36/2014/TT-NHNN./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam