Chứng khoán 11/2: Tranh thủ đánh lên, VN–Index vọt qua 580 điểm

17:42 | 11/02/2015 Print
Những nhà đầu tư không ngại kỳ nghỉ dài đã “ra quân” vào đúng vài phiên giao dịch cuối cùng. Tranh thủ tâm lý nghỉ ngơi, người bán không muốn bán nữa, dòng tiền đã đẩy giá mạnh mẽ.

sau gio khop lenhDầu khí hết “ám”

Trên 300 cổ phiếu tăng giá ở hai sàn hôm nay bao trùm đủ mọi nhóm cổ phiếu, trừ các mã dầu khí. Đáng ngạc nhiên là sức mạnh tâm lý tốt đến nỗi các mã dầu khí không thể ảnh hưởng đến thị trường được, kể cả về điểm số.

GAS đóng cửa giảm 0,64%, PVD giảm 1,68%, PVS giảm 1,09%, PVC giảm 1,26%. Đó là những cổ phiếu ngành dầu khí có tính dẫn dắt cao. Không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng vốn hóa lên hai chỉ số ở hai sàn của các mã này, nhưng hôm nay, dầu khí đã không còn “ám” nổi thị trường nữa.

Nếu GAS, PVD không giảm, có lẽ VN-Index sẽ còn bật mạnh hơn nhiều mức 1,26%. Một vài phiên trước khi cổ phiếu ngân hàng rơi vào đợt giảm ngắn hạn và giá dầu thế giới phục hồi từ 50 USD lên 60 USD, nhóm dầu khí có tiềm năng quay trở lại dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên có lẽ dòng tiền đã không còn quan tâm nhiều đến dầu khí nữa.

PVS, PVC cũng là hai cổ phiếu có ảnh hưởng lớn lên HNX-Index, nhưng chỉ số này vẫn kết thúc phiên với mức tăng 1,27%.

Nhà đầu tư

Nhà đầu tư trong nước bắt đầu quan tâm trở lại.

Cổ phiếu dầu khí không ảnh hưởng bao nhiêu đến thị trường về mặt kỹ thuật vì có quá nhiều cổ phiếu khác tăng giá. Kể cả các mã vốn hóa lớn không kém gì những mã dầu khí, như VNM, VIC, MSN, VCB, SHB cũng tăng giá rất mạnh. Đây không chỉ là sự bù trừ kỹ thuật đối với điểm số, mà còn thể hiện sức mạnh tâm lý tốt.

Chỉ hai phiên đầu tuần này, nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng, lo ngại áp lực chốt lời trước Tết để rút tiền khỏi thị trường. Quanh quẩn vẫn những lo ngại chung chung về Thông tư 36, giá dầu, đều là những thông tin đã cũ. Tuy nhiên do tâm lý không được cởi bỏ, thị trường không thể bứt lên được.

Hàng đầu cơ “bốc hỏa”

Biểu hiện rõ nhất có thể nhìn thấy từ sự thay đổi trong tâm lý, là số cổ phiếu tăng giá áp đảo hôm nay. Trong hơn 300 cổ phiếu tăng, 31 mã kịch trần, đều là những cổ phiếu đầu cơ.

FLC gây ấn tượng với màn giao dịch trị giá 196,1 tỷ đồng. Khoảng 18,3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng là mức giao dịch lớn nhất kể từ đầu năm. FLC được đánh lên kịch trần, tăng 6,86% hôm nay nhờ thông tin dự kiến chia cổ tức 20%.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

1.150,1 tỷ đồng (+16%)

70,6 triệu (+15%)

383,6 tỷ đồng (-9%)

28,3 triệu (-11%)

5 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất

HSX

HNX

Khối lượng

Giá trị

Khối lượng

Giá trị

FLC

18.268.600

196.114

KLF

6.290.710

66.033

SSI

1.938.290

50.836

FIT

3.135.570

61.700

CTG

2.654.890

48.844

PVS

1.118.227

30.370

HAG

2.132.640

46.566

SHB

2.621.802

23.160

VIC

894.030

42.952

PVC

838.349

19.759

Những cổ phiếu tăng trần đáng chú ý khác còn có AVF, cổ phiếu vừa trải qua 16 phiên sàn liên tục và giá trị cổ phiếu bốc hơi 60% còn thấp nhất 900 đồng. AVF đứng trước rủi ro bị hủy niêm yết bắt buộc. Hôm nay cổ phiếu này bật ngược kịch trần với lượng giao dịch khá cao.

Sàn HNX cũng đóng góp nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá mạnh như VE1, IVS, PVL. Tuy nhiên thực lực tăng của các mã đầu cơ trên sàn này kém xa HSX do dòng tiền vào rất kém.

Thanh khoản cải thiện, vốn ngoại mua lớn

Giá tăng tốt hôm nay đi kèm với thanh khoản tăng là sự kết hợp hoàn chỉnh. Khối lượng khớp lệnh đã tăng hơn 6% so với hôm qua và giá trị tăng 1.533,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng giá trên diện rộng hôm nay chủ yếu là nhờ nhà đầu tư mua vào tốt hơn. Hai phiên trước thanh khoản yếu do lực cầu suy giảm, chỉ chọn các mức giá rất thấp. Hôm nay người mua tỏ ra tự tin hơn và nâng giá mua, đẩy xanh hàng loạt. Đồng thời lượng vốn mua vào cũng tăng mới có thể tạo thanh khoản cải thiện.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một phiên giải ngân mạnh, tập trung vào những cổ phiếu hàng đầu. Nhóm ngân hàng vẫn tỏ ra được ưu ái khi CTG, VCB, BID nằm trong số Top10 cổ phiếu được mua vào lớn nhất tính theo giá trị.

Tuy nhiên giao dịch đột biến hôm nay phải kể đến MWG, cổ phiếu nhận được tới gần 32,2 tỷ đồng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài. Tới 97% khối lượng giao dịch của MWG là nhờ lực cầu ngoại và giá được đẩy tăng 1,56%.

Vốn ngoại hỗ trợ mạnh thanh khoản thị trường đúng vào thời điểm nhà đầu tư trong nước muốn nghỉ ngơi là điều rất tích cực. Dù sao thanh khoản thị trường phải được duy trì vì xét cho cùng, kỳ nghỉ 10 ngày không có nghĩa là cổ phiếu thay đổi về yếu tố cơ bản./.


Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam