Rủi ro đang tăng lên với cổ phiếu ngân hàng

22:34 | 01/02/2015 Print
Phiên cuối tuần ngày 30/1, lần đầu tiên trong sóng tăng mạnh mẽ đang diễn ra, các cổ phiếu ngân hàng chứng kiến một ngày sụt giảm cực mạnh. Liệu các cổ phiếu ngành này đang được kỳ vọng quá cao?

chứng khoán tuầnSức mạnh của dòng vốn đầu cơ

Tháng 1/2015 khép lại với mức tăng 5,58% ở VN-Index và 3,11% ở HNX-Index. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng trung bình tới 14,86%. Nếu tính ở thời điểm đỉnh cao ngày 28/1, mức tăng lên tới 19,48%.

So sánh với toàn bộ các nhóm ngành khác trên thị trường, kể cả với các cổ phiếu riêng lẻ, ngân hàng vẫn là những cổ phiếu có lợi suất tốt nhất trong tháng 1. Các cổ phiếu vốn nổi tiếng là trì trệ này bất ngờ trở thành tâm điểm của toàn bộ thị trường, thu hút phần lớn sự quan tâm cũng như nguồn vốn tại thời điểm này.

Đã có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho biến động bất thường từ các cổ phiếu này, chủ yếu là dưới góc độ cơ bản: Các cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, nợ xấu được giải quyết, hoạt động tái cơ cấu trong ngành…

Điều đó không sai, nhưng sẽ là không đủ để lý giải hiện tượng tăng giá quá nhanh, như thể toàn bộ thị trường tỏ ra đồng thuận và không có gì phải nghi ngờ về những triển vọng tươi sáng đó.

Thực tế yếu tố thị trường trong tháng 1 mới là điều đáng chú ý nhất. Xuất phát từ những yếu tố cơ bản cải thiện, các cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng ngày càng lớn. Trong bối cảnh thị trường còn đang yếu và sự trống vắng của nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn dắt tạo nên nhu cầu cần phải có nhóm cổ phiếu khác thay thế. Nhóm ngân hàng rơi vào tình thế có lợi nhất và nổi bật, quy tụ được những kỳ vọng cao nhất, từ đó lôi kéo toàn bộ sự chú ý của nhà đầu tư lẫn dòng tiền trên thị trường.

Mức độ tăng giá cực nhanh và cực mạnh của đa số cổ phiếu ngân hàng trong tháng 1 là kết quả cuối cùng của tình trạng đầu tư thái quá chuyển thành đầu cơ. Hãy nhìn vào VCB, xu thế tăng trung hạn kéo dài từ đầu tháng 5/2014 và mức tăng trưởng trung bình tháng cho tới tháng 11/2014 chỉ dưới 10%/tháng. Chỉ trong tháng 12 và tháng 1, mức tăng trưởng vọt lên 15,2% và 11,9%.

VCB là tiêu biểu của một cổ phiếu có quá trình tăng trưởng bình thường từ những yếu tố đầu tư cơ bản hợp lý. Đó là một quá trình đi lên dài hạn. Nhưng ngay khi VCB bị cuốn vào làn sóng đầu cơ theo nhóm ngành, tốc độ tăng giá cũng vượt trội mặc dù kết quả kinh doanh đã không có gì quá đặc sắc. Do đã có một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều tháng, VCB không thể đạt được sức mạnh đầu cơ lớn như các cổ phiếu ngân hàng khác và thực tế, tháng 1 là tháng phân phối của VCB. Cổ phiếu này sau khi đạt đỉnh 37.400 đồng ngày 14/1, đã có nửa tháng còn lại đi ngang và không thể tăng cao hơn được.

Những cổ phiếu ngân hàng còn lại đều chỉ thực sự bùng nổ trong tháng 1, khi làn sóng đầu cơ các mã này lên đến cao trào. Trong tháng 1/2015, BID đạt mức tăng trưởng tối đa 44,19%, CTG tăng 35,25%, ACB tăng 17,65%, MBB tăng 14,6%, SHB tăng 14,81%, STB tăng 10,86%, VCB tăng 17,24%, EIB tăng 11,72%.

Rủi ro đang tăng lên với cổ phiếu ngân hàng
Trào lưu đầu cơ cổ phiếu ngân hàng đang ở đỉnh điểm.

Để đạt được mức tăng trưởng cao như vậy, các cổ phiếu cơ bản phải mất nhiều tháng trời vì để thị trường nhận ra những thay đổi trong nền tảng kinh doanh, cũng như triển vọng dài hạn là điều không dễ dàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt được mức độ tăng trưởng như vậy là nhờ yếu tố thời điểm. Sự bức bách của dòng vốn đầu cơ đã tập trung giải tỏa ở nhóm ngân hàng, tạo nên sức mạnh đột biến.

Nhìn vào tỷ trọng vốn giao dịch ở nhóm cổ phiếu này trên toàn thị trường tăng dần kể từ cuối tháng 12 và trở nên đỉnh điểm cuối tháng 1, dòng vốn đầu cơ đã chảy vào cực mạnh. Tuần cuối tháng 12/2014, giá trị khớp lệnh ở các cổ phiếu ngân hàng chỉ chiếm khoảng 4,3% giá trị khớp toàn thị trường. Đến tuần đầu tháng 1/2015, tỷ trọng này tăng lên 9,2%. Tuần cuối tháng 1, tỷ trọng vọt tới 19,5%.

Với mức độ tập trung dòng vốn lớn như vậy, chắc chắn hiện tượng đầu cơ đã lên đến cao trào. Trên thị trường có gần 700 trăm cổ phiếu nhưng nhóm ngân hàng chỉ có 8 mã mà hút được hàng ngàn tỷ đồng thì đó không còn là các giao dịch bình thường nữa.

Khả năng điều chỉnh

Ngay cả khi nhóm cổ phiếu ngân hàng bước vào một xu thế tăng trưởng dài hạn thì cũng không có nghĩa là giá sẽ liên tục tăng. Đặc biệt khi trào lưu đầu cơ đem lại lợi nhuận hàng chục phần trăm trong vài tuần thì khả năng chốt lời là đương nhiên. Đó là những gì mà nhóm cổ phiếu này thể hiện trong các phiên cuối tuần này, khi giá sụt giảm lớn: ACB giảm 4,5% trong 2 phiên, BID giảm 6%, CTG giảm 4,3%, MBB giảm 4,8%, SHB giảm 3,2%, STB giảm 2%, VCB giảm 4,6%, EIB giảm 2,8%.

Dòng vốn đầu cơ đẩy giá tăng sốc thì cũng có thể rút ra tạo nên những phiên giảm sốc. Thị trường luôn đi từ sự định giá hợp lý trong một chu kỳ tăng trưởng sang sự định giá thái quá trong giai đoạn đầu cơ.

Theo một phân tích của Công ty chứng khoán SSI, 7/8 cổ phiếu ngân hàng niêm yết hàng đầu đã có tỷ lệ P/B trên 1. VCB cao nhất với khoảng 2,3 lần. Những nhận định về mặt cơ bản cũng cho rằng các cổ phiếu ngân hàng đã bị định giá cao.

Nhìn vào sự phân lớp tăng giảm của các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, VCB là cổ phiếu tăng giá sớm nhất và bền nhất đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh từ giữa tháng 1. BID, CTG là hai cổ phiếu tăng muộn nhất nhưng lại nóng nhất và mới bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh hai phiên cuối tuần.

Khả năng các cổ phiếu ngân hàng rơi vào điều chỉnh ngắn hạn là rất cao, do giá đã tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn. Mặc dù các cổ phiếu này vẫn được hỗ trợ từ yếu tố cơ bản, nhưng chính hiệu ứng của dòng vốn nóng sẽ tạo ra các biến động mạnh hơn bình thường.

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam