Chứng khoán tuần tới: Cổ phiếu dầu khí có bùng nổ khi giá dầu còn khó đoán?

15:08 | 18/01/2015 Print
Rốt cục VN-Index cũng đã phục hồi đủ tốt đến đối diện với mức kháng cự 580 điểm. Trong 5 phiên của tuần này, chỉ duy nhất một phiên ngày 13/1 chỉ số đóng cửa thành công trên mức 580 điểm.

ck tuanMức 580 điểm của VN-Index được nhà đầu tư coi trọng vì nó chính là vùng đáy ngắn hạn đầu tiên mà thị trường đạt tới cuối tháng 10/2014 và khi đó hình thành niềm tin “sắt đá” rằng đó chính là đáy của nhịp điều chỉnh. Sau khi xuyên thủng mức 580 điểm, VN-Index đã có một lần cố gắng quay lại nhưng bất thành, trước khi lao thẳng xuống 513 điểm.

Trong chiều phục hồi, các mức hỗ trợ cũ đã bị xuyên thủng thường đóng vai trò như mức kháng cự. Do đó 580 điểm là đích đến đầu tiên và cũng là mức khó khăn nhất mà thị trường phải vượt qua, nếu muốn tạo được sự đồng thuận.

Ngoài ra, nếu nhìn suốt từ đỉnh cao 644 điểm tới đáy 513 điểm, mức 580 điểm trùng với mức phục hồi 50%. Đây thường là tỉ lệ phục hồi quan trọng và suốt mức phục hồi đó, thị trường chưa hề có một đợt điều chỉnh giảm trở lại nào.

Ngân hàng còn sức?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi lên trong 2 tuần gần đây như một hiện tượng lạ “trái mùa”. Thường các cổ phiếu ngân hàng không mấy hấp dẫn trong suốt thời gian dài do lượng cổ phiếu lưu hành quá lớn, kết quả kinh doanh làng nhàng nếu nhìn từ mức vốn cực khủng, cổ tức thì nhỏ giọt. Tuy vậy khi nhóm cổ phiếu này bùng nổ, thị trường lại nhận được sức mạnh lớn.

Không có gì là quá khi nói rằng các cổ phiếu ngân hàng là xương sống của đợt phục hồi hai tuần qua của VN-Index. Trong 10 phiên này, những cái tên đình đám nhất có thể kể đến: BID tăng gần 30% tính theo giá cao nhất đạt được. VCB tăng khoảng 18%, CTG tăng 15%, MBB tăng 13%, SHB tăng 12%, STB tăng 9%.

Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng cao trên cơ sở hoạt động mua bán, sáp nhập có thể đẩy mạnh trong thời gian tới, nhưng điểm tựa ngắn hạn hơn chính là kết quả kinh doanh khả quan, khi nợ xấu được xử lý tốt hơn và nền kinh tế phục hồi.

Quả thực những cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất đều xuất hiện thông tin hỗ trợ sau đó. VCB là ví dụ tiêu biểu. Ngân hàng này đến phiên cuối tuần rồi đã công bố mức lãi trước thuế 2014 khoảng 5.680 tỷ đồng, tăng 2% so với năm ngoái và đạt 107% kế hoạch năm. Dư nợ tín dụng tăng 17,7% so với năm trước và cao hơn mặt bằng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Nợ xấu thời điểm cuối 2014 còn 2,29%, giảm 0,4% so với 2013.

Từ giữa tháng 11/2013 đến khi VCB tạo đỉnh ngày 14/1/2015, cổ phiếu này đã tăng trưởng 40,6%. Trong cùng thời điểm, chỉ số giá của tất cả các cổ phiếu ngân hàng ở hai sàn chỉ tăng trưởng 15,42%. Rõ ràng là VCB đã có sức mạnh vượt trội trong một thời gian dài. Một chu kỳ tăng trưởng mạnh và dài như vậy chỉ có thể được hỗ trợ bằng các yếu tố cơ bản.

Hay như MBB, mức tăng trưởng tốt kể từ đầu năm 2015 được lý giải bằng mức lãi trước thuế 2014 hơn 3.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm, dư nợ tăng trưởng 15,7%, nợ xấu 2,73%.

Tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều xác lập đỉnh ngắn hạn trong tuần này, dù khác biệt 1-2 phiên giao dịch. Trong 3 phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu này đã bắt đầu điều chỉnh nhẹ. Rất khó để xác định đây chỉ là hệ quả của một đợt chốt lời hay kỳ vọng của các cổ phiếu này đã hết.

Nếu nhìn lại hai tuần gần đây, tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều tăng dựa trên cơ sở kỳ vọng là chính, còn các thông tin đều được công bố muộn, sau khi giá đã tăng khá mạnh. Do đó không thể phủ nhận việc một phần thông tin hỗ trợ đã được phản ánh vào giá. Như VCB, MBB, thông tin rất tốt và giá vẫn điều chỉnh. VCB sau khi đạt đỉnh cao nhất 38.100 đồng hôm 14/1 đã chốt tuần ở mức 36.300 đồng, tương đương mất 4,72%. MBB lập đỉnh ở 14.700 đồng và giờ còn 14.000 đồng, giảm 4,76%.

Một giả thiết đặt ra là sau khi kết quả kinh doanh 2014 được công bố hết, thị trường sẽ kỳ vọng gì nữa vào cổ phiếu ngân hàng? Nhìn từ trường hợp của VCB, MBB, động lực tăng trưởng giá đang chững lại. Dòng tiền đổ lớn vào các cổ phiếu ngân hàng hai tuần qua liệu sẽ tiếp tục nằm lại, hay sẽ luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác?

ck
Thị trường vẫn cần có nhiều tiền hơn nữa để tiếp tục xu thế tăng.

Cổ phiếu dầu khí có bùng nố?

Hai trong số các mã dầu khí đóng vai trò quan trọng nhất trên hai sàn là GAS ở HSX và PVS ở HNX. Đây là hai đầu tàu tăng trưởng của Index mỗi sàn do vốn hóa cực lớn. Chỉ cần hai cổ phiếu này tăng giá tốt, chỉ số giá sẽ được nâng đỡ đáng kể.

Mốc 580 điểm của VN-Index có thể sẽ chỉ là một ngưỡng điểm số mong manh nếu GAS tăng kịch trần. Bằng chứng là hai phiên giao dịch ngày 9/1-12/1, GAS kịch trần liên tục đã kéo VN-Index tăng vọt, áp sát mức 580 điểm. GAS và các cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, BID là sự kết hợp hoàn hảo đối với chỉ số này.

Đáng tiếc là cả GAS lẫn các cổ phiếu ngân hàng đều điều chỉnh giảm trong 3 phiên cuối tuần. So với đỉnh cao nhất đạt được trong tuần, mức giá đóng cửa ngày cuối tuần của tất cả các mã dầu khí chủ chốt đều giảm: GAS giảm 55%, PVS giảm 5,3%, PVD giảm 3,12%, PVC giảm 3,4%, PGS giảm 2,4%, PVT giảm 2,1%...

Khác với các cổ phiếu ngân hàng, nhóm dầu khí tăng trưởng trong hai tuần trở lại đây không đồng đều và cũng không theo nhóm ngành một cách rõ nét. Đột biến nhất chỉ có ở GAS, khi được hỗ trợ từ kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu quỹ.

Mặc dù kết quả kinh doanh 2014 của những cổ phiếu dầu khí là không tệ, thậm chí rất tốt, nhưng thị trường không còn bất ngờ nữa. Điều được quan tâm hơn chính là triển vọng trong năm 2015, khi các kịch bản giá dầu còn quá lộn xộn và khó đoán.

Tại hội nghị tổng kết ngành dầu khí ngày 16/1 vừa qua, những dự báo bi quan đã được đưa ra. Vietsopetro dự kiến doanh thu năm 2015 của liên doanh này sẽ đạt dưới 2 tỷ USD, thấp hơn năm 2014. Để giảm bớt khó khăn, Vietsopetro sẽ cân đối, cắt giảm hàng loạt chi phí.

Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) báo cáo tình trạng mất cân đối do giá dầu giảm mạnh khiến phải tăng phần vay lên nên việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay rất khó khăn, vì thế phải cắt giảm đầu tư, giãn tiến độ một số công trình, cắt giảm đầu tư khoảng 500 triệu USD. Một số công trình dự kiến đầu tư cho các năm tiếp theo cũng phải chậm lại.

Đó chính là những lo ngại của thị trường về triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu dầu khí, mặc dù con số lợi nhuận vẫn có thể báo cáo hàng trăm tới cả ngàn tỷ đồng 2014. Mặt khác, khi các cổ phiếu dầu khí đã có một xu thế tăng giá dài hạn suốt từ năm 2012 đến tháng 9/2014 với mức giá trung bình tăng 4 lần thì sẽ không hề đơn giản để các cổ phiếu này quay trở lại thời kỳ hoàng kim.

Hai nhóm cổ phiếu đầu tàu của thị trường đã chững đà tăng trong ngắn hạn có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực. Mặc dù thị trường vẫn sẽ tốt khi các nhóm cổ phiếu còn lại như bất động sản, vật liệu xây dựng hay chứng khoán tăng giá, nhưng chắc chắn sẽ vẫn gặp khó khăn. Điều tích cực có thể nghĩ tới, là việc điều chỉnh sẽ giúp lôi kéo tốt hơn dòng vốn bên ngoài vào. Xét cho cùng, mức giao dịch chưa tới 2.400 tỷ đồng/ngày trong 2 tuần qua vẫn còn là quá nhỏ./.

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam