Những rủi ro chính khi đầu tư hợp đồng tương lai chỉ số

12:45 | 29/10/2014 Print
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phối hợp với Hiệp Hội các chuyên gia phân tích chứng khoán Nhật Bản (SAAJ) tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề "Quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh - Kinh nghiệm của Nhật Bản".

chung khoan phai sinh 2

Toàn cảnh Hội thảo với chủ đề "Quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh - Kinh nghiệm của Nhật Bản".

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, mục tiêu của buổi hội thảo nhằm cung cấp cho các thành viên tham gia thị trường những kiến thức căn bản về các sản phẩm chứng khoán phái sinh phổ biến, cơ chế vận hành và phòng ngừa rủi ro, những ưu điểm và hạn chế của các sản phẩm này, đặc biệt là về khía cạnh quản lý rủi ro đầu tư, xét từ góc độ của các định chế tài chính quan trọng như ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.

Hội thảo đã nghe ông Yuta Seki, Giám đốc điều hành, Viện nghiên cứu các thị trường vốn Nomura trình bày những vấn đề cơ bản về các sản phẩm chứng khoán phái sinh và các hoạt động trên thị trường CKPS, cũng như một số điểm đáng chú ý trong quá trình phát triển thị trường CKPS ở Nhật Bản.

Theo ông Yuta Seki, các dạng rủi ro chính (đối với các nhà đầu tư) khi lựa chọn đầu tư vào hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu thay vì đầu tư trực tiếp trên thị trường tài sản cơ sở, bao gồm:

Rủi ro thị trường: Các khoản thua lỗ khi giá cả của rổ chỉ số cổ phiếu (tài sản cơ sở của HĐTL chỉ số cổ phiếu) biến động bất lợi ngoài dự kiến.

Rủi ro đòn bẩy vốn: Thua lỗ có thể bị khuyếch đại lên bởi thực tế là giá trị hợp đồng tính theo giá trị danh nghĩa thường lớn hơn nhiều so với giá trị ký quỹ. Khoản lỗ có thể lớn hơn mức giá trị ký quỹ (nguyên tắc đầu tư).

Rủi ro sức ép yêu cầu ký quỹ: Các nhà đầu tư thường được yêu cầu nộp ký quỹ bổ sung trong những trường hợp giá trị tài khoản ký quỹ bị thiếu do thay đổi về quy định, hoặc do xu hướng giảm giá chứng khoán. Nếu một nhà đầu tư bất kỳ không đáp ứng được việc nộp ký quỹ bổ sung, hợp đồng có thể được đóng lại.

Rủi ro pháp lý: Các hành động pháp lý như yêu cầu ký quỹ bổ sung, chuyển giao tiền mặt được tiến hành trong giao dịch có quy mô quá lớn.

Rủi ro tính thanh khoản: Các khoản thua lỗ do việc tạm thời mất tính thanh khoản ngoài dự kiến của thị trường (khủng khoảng tài chính, thảm họa,…).

Rủi ro tín dụng: Thua lỗ do sự phá sản của các công ty, các nhà môi giới, kinh doanh chứng khoán.

Rủi ro hệ thống: Thua lỗ do sai sót của hệ thống máy tính hoặc hệ thống thông tin liên lạc.

Các rủi ro đi kèm với các giao dịch hoán đổi lãi suất gồm: Rủi ro thị trường; Rủi ro tín dụng; Rủi ro thanh khoản; Rủi ro hoạt động; Rủi ro pháp lý.

Để xác định các rủi ro trên thì Quản trị rủi ro (Value at Risk -VaR) là thước đo được sử dụng rộng rãi để ước lượng nguy cơ xảy ra thua lỗ đối với một danh mục đầu tư tài chính cụ thể nào đó.

Đối với một danh mục cụ thể, với một giá trị xác suất và thời hạn đầu tư đã biết, VaR được định nghĩa là ngưỡng giới hạn mà xác suất để khoản lỗ xác định trên nguyên tắc điều chỉnh theo biến động thị trường của danh mục trong kỳ thời gian đã cho vượt quá ngưỡng giới hạn (với giả định thị trường ở điều kiện bình thường và không có giao dịch điều chỉnh danh mục) chính là mức xác suất đã cho.

Các tham số được sử dụng phổ biến để xác định VaR là các mức xác suất 1% và 5%; kỳ thời gian 1 ngày và 2 tuần. VaR có 4 ứng dụng chính trong tài chính: quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính, báo cáo tài chính và tính toán mức an toàn vốn. VaR đôi khi cũng được ứng dụng trong các lĩnh vực phi tài chính.

Buổi Hội thảo đã đem đến cho cơ quan quản lý, tổ chức thành viên thị trường có được cái nhìn tổng quan về chứng khoán phái sinh, cũng như học hỏi những kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm này ở một thị trường có nền tài chính phát triển là Nhật Bản. Đây cũng có thể coi là một trong những nội dung đóng góp vào quá trình chuẩn bị cho sự ra đời và hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam thời gian tới./.

D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam