Chứng khoán tuần: Động thái lạ của dòng vốn ngoại

18:28 | 19/10/2014 Print
Tuần sụt giảm thê thảm nhất của thị trường suốt từ đầu tháng 5 vừa qua đã gây ra một bất ngờ lớn. Rất khó để xác định những nguyên nhân cụ thể dẫn đến các phiên rơi cực mạnh, mặc dù chỉ mới tuần trước, rất nhiều các lý do tích cực xuất hiện để biện hộ cho một khả năng bùng nổ tăng.

chứng khoán tuầnÂm ỉ nỗi sợ margin

Cho đến cuối tuần này, thông tin về áp lực đòn bẩy tài chính quá lớn được lan truyền khắp nơi, tạo nên một làn sóng sợ hãi. Thực tế thông tin này xuất phát từ một số ý kiến phản ánh của nhà đầu tư trên các diễn đàn từ đầu tuần, khi đột ngột bị cắt margin tại các công ty chứng khoán. Trước đó, ngày 9/10, tức là cuối tuần trước nữa, xuất hiện thông tin công ty chứng khoán Tp.HCM (HSC) vay 1.400 tỷ đồng để “bổ sung vốn lưu động”.

Thông tin này dường như đã bị thị trường bỏ qua, khi các biến động giá không thực sự lớn. Tuy nhiên vẫn có một làn sóng âm ỉ lo lắng. HSC là một công ty lớn, đang nắm giữ thị phần thứ hai thị trường. Việc HSC cần 1.400 tỷ rõ ràng có liên quan đến nhu cầu dịch vụ đòn bẩy tài chính, mặc dù không có một thông tin chính thức nào về việc này. Nếu HSC đã cạn nguồn margin thì rất có thể nhiều công ty khác cũng như vậy. Suy rộng ra là thị trường đang có áp lực đòn bẩy rất cao.

Cách suy luận này không bao giờ có thể được kiểm chứng tính chính xác, nhưng đó là một logic thông thường của các nhà đầu tư ngắn hạn: Từ một thực tế (kể cả là tin đồn), việc quan trọng nhất không phải là đi kiểm chứng nó, mà là tìm cách trục lợi từ nó, hoặc ít nhất là hạn chế các rủi ro liên quan. Áp lực bán cực mạnh diễn ra trong tuần này có thể không phải là hoạt động giải chấp, nhưng chắc chắn đã có việc hạ tỷ lệ đòn bẩy xuống hoặc cắt lỗ quyết liệt.

Thị trường phải chứng kiến khối lượng bán lớn bằng các lệnh giao dịch thị trường, vốn chỉ hay xuất hiện trong các trạng thái cực đoan như tranh mua, tranh bán. Liên tiếp 4 phiên giao dịch trong tuần, chỉ số đã sụt giảm cực nhanh trong vài thời điểm trong phiên, đặc biệt là phiên ngày 16/10 đạt mức giảm 17,12 điểm, tương đương 2,8%.

Biến động nói trên tạo nên nỗi hoảng sợ lớn vì nó đi ngược lại một thực tế được chấp nhận suốt từ cuối tháng 9 khi VN-Index chạm đáy 594 điểm lần đầu tiên: Nền kinh tế đang phục hồi; kết quả kinh doanh quý 3 dự kiến là tốt; xu hướng giảm lãi suất đang rất hiện thực; nhiều tin tích cực ngắn hạn như giảm giá xăng dầu… Đáng lẽ những thông tin ngắn hạn, dài hạn như trên phải tạo lực nâng đỡ cho thị trường.

Quả thực trong 2 tuần đầu tháng 10, rõ ràng là thị trường đã phục hồi. Vậy điều gì khiến thị trường đổi chiều chỉ trong vài ngày, thời gian mà chắc chắn không có chuyển biến gì sốc, thay đổi về căn bản đối với những thông tin hỗ trợ nói trên? Trong một thị trường biến động quá nhanh như tuần này, sẽ là không đủ thời gian để tìm kiếm những lý do xác đáng. Phản ứng của nhà đầu tư phải nhanh hơn, bằng cách bán ra thì mới có thể hạn chế được thua lỗ.

Động thái lạ của dòng vốn ngoại

Áp lực giải phóng đòn bẩy dồn dập đã từng tạo nên những phiên trắng bên mua trong quá khứ.

VN-Index sau khi rơi xuống tận 578 điểm vào phiên thứ Sáu mới chịu dừng lại và xuất hiện lực mua bắt đáy đẩy giá phục hồi trở lại, nhưng vẫn phải chấp nhận thêm một phiên giảm điểm nữa. Như vậy VN-Index đã có trọn 5 phiên của tuần này giảm giá, với mức -32,44 điểm. Mức giảm này chỉ thua tuần đầu tháng 5 vừa qua, khi khủng hoảng biển Đông dìm VN-Index xuống tận 508 điểm. Tuần đó chỉ số mất 35,54 điểm.

Mức độ mất giá nhanh như vậy cũng thường được chứng kiến trong điều kiện giải chấp. Quả thực nếu không có nguyên nhân bán kỹ thuật cưỡng bức thì không có lý do cụ thể nào thúc đẩy áp lực bán mạnh như vậy. Phần còn lại là sự cộng hưởng sợ hãi và cắt lỗ chủ động của nhà đầu tư.

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HSX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 17/10

Giá đóng cửa ngày 10/10

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 17/10

Giá đóng cửa ngày 10/10

Mức tăng (%)

VLF

6,8

7,9

-13,92

THG

16

12,7

25,98

PVD

87

101

-13,86

DRH

5,1

4,4

15,91

VHC

52

60

-13,33

BT6

10,2

8,8

15,91

TMS

40

46

-13,04

DTT

8,8

7,8

12,82

CDC

10,3

11,7

-11,97

KHA

24,2

21,9

10,5

AGR

6,8

7,7

-11,69

KSH

19,1

17,5

9,14

PXI

9,2

10,4

-11,54

TDW

21,9

20,2

8,42

GAS

100

113

-11,5

HTL

17,9

16,6

7,83

BSI

9,5

10,7

-11,21

GTA

14

13,1

6,87

VNH

4,8

5,4

-11,11

STT

5,1

4,8

6,25

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HNX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 17/10

Giá đóng cửa ngày 10/10

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 17/10

Giá đóng cửa ngày 10/10

Mức tăng (%)

HDA

9,1

11,1

-18,02

HTP

10,1

6,4

57,81

BKC

10,5

12,6

-16,67

CTA

5,1

4

27,5

DNP

22,5

27

-16,67

CSC

14,4

11,3

27,43

LCD

11,5

13,7

-16,06

C92

13,2

10,5

25,71

SED

18

21

-14,29

CCM

30,3

25,5

18,82

LUT

4,6

5,3

-13,21

L62

4,9

4,2

16,67

SDC

11,5

13

-11,54

IVS

10

8,6

16,28

VDS

10,8

12,2

-11,48

VIX

33,7

30

12,33

PVC

31,7

35,5

-10,7

PID

5,3

4,8

10,42

L43

5,9

6,6

-10,61

HNM

17

15,4

10,39

Động thái lạ của vốn ngoại

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này cũng được ghi nhận với sự đột biến rất đáng chú ý. Điểm thứ nhất là quy mô giao dịch quá cao, thậm chí là bất thường. Điểm thứ hai là hoạt động bán nhắm vào đồng loạt các cổ phiếu blue-chips tăng trưởng được ưa chuộng.

Có hai loại giao dịch của khối ngoại: qua thỏa thuận và khớp lệnh trực tiếp. Khớp lệnh là vào thẳng lệnh đối ứng trên sàn và qua đó, ảnh hưởng đến cung cầu tại từng thời điểm và tác động đến giá giao dịch. Cách giao dịch thỏa thuận thường đã có sự sắp xếp và không ảnh hưởng đến giá niêm yết.

Giao dịch khớp lệnh xuất hiện với mức độ đáng chú ý trong tuần này, khi hai sàn phải chịu một mức độ rút vốn ròng tới 1.115,6 tỷ đồng. Đây là quy mô bán ra lớn nhất trong nhiều năm và ngay cả tại những tuần tái cân bằng danh mục của quỹ ETF, mức bán ròng cũng chưa tới 1.000 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận tuần này đạt được mức mua ròng khoảng 18,2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 192,7 tỷ đồng trong tuần trước. Mức mua ròng thỏa thuận nhỏ không giúp làm giảm quy mô rút vốn tổng thể trên thị trường, vẫn đạt -1.097,4 tỷ đồng trong tuàn này. Đây vẫn là con số rất lớn và rất đáng chú ý.

Động thái rút vốn rất lạ trên thị trường tuần này gắn liền với những biến động tiêu cực trên thị trường quốc tế và rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng. Báo cáo tháng 10 vừa công bố của Capital Economics chỉ ra 4 yếu tố khiến thị trường thế giới sụt giảm bao gồm: 1) Nguy cơ suy thoái mới tại châu Âu; 2) Giá dầu sụt giảm cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu; 3) Thị trường hàng hóa, đặc biệt là kim loại giảm giá mạnh; 4) Bất ổn địa chính trị và bệnh dịch Ebola. Ngoài ra các phân tích khác cũng lo ngại việc rút vốn từ các thị trường mới nổi khi dòng vốn rẻ từ Mỹ thu hẹp lại gói nới lỏng định lượng chấm dứt.

Từ đầu tháng 9 tới nay quỹ ETF VNM, kênh đầu tư nhanh nhất vào thị trường chứng khoán Việt Nam của các dòng vốn bên ngoài đã có sự chuyển hướng. Mức rút vốn tổng thể tuy chỉ 3,55 triệu USD nhưng riêng từ đầu tháng 10 đến nay quỹ này đã không thể huy động thêm vốn mới, trong khi lại bị rút ròng 11,78 triệu USD. Khi quỹ ETF bị rút vốn, áp lực bán sẽ xuất hiện tại các blue-chips.

Trên thị trường Việt Nam, từ đầu tháng 9 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trực tiếp khớp lệnh 2.975,4 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng thỏa thuận có bù đắp lại một chút, nhưng không đáng kể. Tổng thể mức vốn bị rút ra sau khi tính cả thỏa thuận vẫn là 2.674,1 tỷ đồng.

Trong tuần, hàng loạt cổ phiếu vốn được khối ngoại rất ưa chuộng như PVD, GAS, HPG, VIC, HVG, PVC, VCG, SHB liên tục bị bán ròng lớn. Áp lực bán này góp phần khiến giá các mã dẫn dắt giảm sâu và ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường thông qua sự sụt giảm của chỉ số.

Nhìn lại các ẩn số của thị trường trong thời gian gần đây, câu chuyện margin có thể giải quyết tương đối nhanh vì khi lượng hàng bán được xả xong, áp lực sẽ chấm dứt. Ngược lại, ẩn số của khối ngoại là điều rất khó đoán, vì nếu đây là hệ quả của sự thay đổi dòng vốn thì khó chấm dứt trong một thời gian ngắn.

Công ty CP Chứng khoán MB (MBS):

Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường vẫn giao dịch với biên độ rộng, tiếp đà giảm điểm mạnh của phiên trước cả hai chỉ số chứng khoán tiếp tục sụt giảm trong phiên sáng, nhưng đã tăng trở lại trong phiên chiều và đóng của giảm nhẹ với VNINDEX, trong khi HNXINDEX đã tăng nhẹ trở lại.

Cả 2 chỉ số đều giảm về gần các vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, với VNINDEX là vùng 575 điểm và HNXINDEX là vùng 86 điểm, lực cầu bắt đáy tăng mạnh tại các vùng điểm này giúp cho các chỉ số hồi phục mạnh mẽ trở lại, chúng tôi nhận thấy nhiều cố phiếu có hiện tượng tranh mua khi tăng trần trở lại, đây là tín hiệu tích cực trong phiên thị trường kiểm tra hỗ trợ sau nghững phiên giảm mạnh liên tiếp. Diễn biến này giúp thị trường có chuyển biến lớn về tâm lý khi nhà đầu tư chuyển từ lo lắng hoang mang sàng ổn định, tranh mua.

VNINDEX tiếp tục chịu áp lực giảm điểm từ sự sụt giảm của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như PVD, GAS, BVH, VCB... việc nước ngoài tăng mạnh bán ra các cổ phiếu này trong những phiên gần đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh.

Ngắn hạn tạm thời các vùng 575 điểm với VNINDEX và 86 điểm với HNXINDEX vẫn là các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, và việc các chỉ số hồi phục trở lại sau khi chạm các ngưỡng này đi kèm với thanh khoản duy trì ở mức khá mở ra khả năng tiếp tục hồi phục kỹ thuật của các chỉ số trong các phiên đầu tuần sau.

Với thực tế đó, chúng tôi khuyến nghị tiếp tục duy trì trạng thái đối với nhà đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao, và khuyến nghị cân nhắc giải ngân đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, các cổ phiếu đáng chú ý là nhóm ngành bất động sản, xây dựng - vất liệu xây dựng đã điều chỉnh khá nhiều trong 1 tuần qua. Tránh mua đuổi giá cao trong bối cảnh trạng thái hồi phục của thị trường chưa thực sự bền vững./.

Quy mô giao dịch toàn thị trường 2 tuần vừa qua

Ngày

Tổng giá trị khớp lệnh (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài mua (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài bán (tỉ đồng)

6.10.2014

3.738,3

145,0

173,6

7.10.2014

3.895,5

68,5

172,7

8.10.2014

4.083,4

105,6

297,3

9.10.2014

3.685,0

149,2

268,7

10.10.2014

3.547,6

170,9

167,8

13.10.2014

2.815,3

122,7

345,8

14.10.2014

2.926,4

140,1

193,9

15.10.2014

3.135,8

127,2

289,6

16.10.2014

4.153,4

180,6

433,6

17.10.2014

3.425,4

146,8

570,0

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam