Chứng khoán 30/6: Tác dụng ngược từ GAS, MSN

16:35 | 30/06/2014 Print
Sau những đóng góp lớn lao cho VN-Index tuần trước, hai “đại cổ phiếu” GAS, MSN hôm nay bắt đầu tạo hiệu ứng ngược khi hết đà tăng và quay sang giảm giá.

sau gio khop lenh giam

VN-Index thiếu chút nữa đã trụ vững trên mức 580 điểm, nhưng đúng phút chót phải lùi xuống dưới tham chiếu, chỉ vì hai cổ phiếu này.

HSX: Trụ suy yếu

Thực ra đóng cửa phiên hôm nay GAS không giảm giá mà vẫn đứng tham chiếu. Điều này có phải là thành công của GAS hay không còn tùy vào các góc nhìn khác nhau. GAS tuần trước đã tạo đỉnh cao mới và không dễ gì giá sẽ ào ào tăng tiếp tục được. Vì thế việc chững giá lại như một chặng nghỉ dọc đường là điều có thể hiểu được.

Quan điểm khắt khe hơn có thể nhìn nhận từ biến động thất bại cả GAS trong phiên. Đã có lúc GAS vọt lên 114.000 đồng, tăng 1,79% so với tham chiếu. Thời điểm tạo đỉnh cao mới huy hoàng của GAS chính là lúc mà VN-Index tiếp tục tăng mạnh lên trên mức 580 điểm, ngay cả khi khá nhiều blue-chips khác đã giảm giá.

VN-Index lúc hoành tráng nhất tăng khoảng 0,59% so với tham chiếu, lên mức 582,26 điểm. Công đầu thuộc về GAS và điều này là bình thường. Tuần trước GAS cũng đã đóng vai trò tương tự. Khi GAS thất bại, việc chỉ số bị ảnh hưởng là điều đương nhiên.

Tác dụng ngược từ GAS, MSN
Các cổ phiếu lớn đã suy yếu đi trong phiên đầu tuần khiến VN-Index chưa đủ lực vượt 580 điểm.

GAS đánh mất toàn bộ mức tăng điểm đúng vào thời điểm đóng cửa. Chỉ trong vài phút khớp lệnh, VN-Index đang tăng điểm lập tức chuyển sang giảm. Đóng cửa chỉ số chỉ còn 578,13 điểm, mất 0,12% so với tham chiếu. Để vuột mất ngưỡng 580 điểm là điều đáng tiếc của VN-Index, vì đa số nhà phân tích kỹ thuật đang nhìn xem liệu ngưỡng kháng cự quan trọng này có được vượt qua hay không.

MSN tạo ảnh hưởng lên VN-Index theo cách khác GAS. Không tăng trong phần lớn thời gian của phiên, đến lúc cần thiết nhất là đợt khớp lệnh đóng cửa, GAS bị triệt tiêu động lực thì MSN lại sụt giảm tới 1,09%, mạnh nhất chỉ sau phiên bị quỹ VNM bán tháo ngày 20/6 để tái cân bằng danh mục.

Hai cổ phiếu rất được chờ đợi sẽ nổi lên là FPT và VCB hôm nay cũng gây thất vọng. FPT sau phiên tăng giá với thanh khoản đột biến cuối tuần trước, hôm nay bỗng giao dịch như “mất hồn”. Giá giảm 0,43%, thanh khoản chưa bằng một phần ba phiên trước. VCB cũng vậy, giá giảm 0,38% với khối lượng giao dịch đột nhiên thấp chưa từng có trong 2 năm trở lại đây.

Thực tế nhiều cổ phiếu blue-chips ở HSX cũng suy yếu giống như các mã trụ. VIC, PET, DRC, CSM tăng lẻ loi trong cả chục mã khác giảm giá. BVH, FPT, HAG, HSG, DPM, KDC, MSN, PVD, VCB, VSH… đồng loạt giảm đã tạo gánh nặng quá lớn. Các trụ cột suy yếu thì không trông mong gì VN-Index hay HSX30-Index có thể tăng được.

HNX: Dòng vốn đầu cơ hoạt động mạnh

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng
(tỉ đồng)

HPG

309,100

16,7

DRC

185,550

9,3

HT1

422,900

5,7

PET

300,000

5,3

GMD

140,570

4,8

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng
(tỉ đồng)

VSH

667,930

10,5

HAG

221,750

5,4

PVD

46,510

3,9

VIC

44,770

2,9

STB

109,820

2,3

Bức tranh hoàn toàn trái ngược ở sàn HNX, khi tất cả các chỉ số ở sàn này đều tăng: HNX-Index tăng 0,45%, HNX30 tăng 0,8%, chỉ số vốn hóa nhỏ tăng 0,67%...

Động lực tăng giá của đa số cổ phiếu đầu cơ lớn trên sàn này là dòng tiền đầu cơ trong nước. Nguồn vốn mua của nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng chút ít ở VND, PVS, nhưng không phải toàn bộ. Trong khi SHB, KLS, SHS, FIT, PGS, BVS… tăng giá mà không có dấu vết nào của khối ngoại.

Thực ra ngay cả ở VND và PVS, khối ngoại cũng chưa đạt đến mức giao dịch chi phối. Tại VND, khối này mua 690.000 đơn vị, chiếm mới hơn 29% khối lượng giao dịch. VND tăng giá tới 6,37%, mức mạnh nhất trong 16 phiên. Thông tin hỗ trợ VND là công ty sẽ bán ra trên 3 triệu cổ phiếu quỹ và chênh lệch giá ước tính tới trên 50%. Khoản lãi đáng kể này (nếu hiệu thực hóa thành công) sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho VND.

Tại PVS, khối ngoại cũng chỉ mua chừng 27% khối lượng giao dịch, chưa đủ để tác động lớn lên giá nếu như không có lực mua hỗ trợ từ nhà đầu tư trong nước. PVS tăng 0,34%, một mức tăng khá mong manh nhưng đủ để ảnh hưởng tốt lên các chỉ số. Mặt khác, từ đầu tháng 6, cổ phiếu này đã tăng gần 14%.

Dòng vốn đầu cơ hoạt động mạnh ở sàn này giúp đẩy thanh khoản khớp lệnh tăng trên 14%, lên 453,7 tỷ đồng. Vốn tập trung lớn vào SHB, PVS, KLS, VND, KLF, SCR…

Hậu đỡ NAV, nước ngoài sẽ xả?

Tháng 6 kết thúc đi liền với mối lo ngại “thường niên” rằng lực mua đỡ giá để làm đẹp hoạt động đầu tư của quỹ thông qua chỉ số giá trị tài sản ròng (NAV) sẽ kết thúc. Năm nào mối lo này cũng xuất hiện, nhưng thực tế đã cho thấy không phải luôn luôn phải xuất hiện đợt bán ra của khối ngoại.

Hôm nay nhiều mã bị bán ròng nhưng đều có quy mô rất nhỏ. HAG, EIB, PVD, STB, VIC, VSH… mỗi mã bị bán ròng vài tỷ đồng, trong đó riêng VSH bị bán ròng trên 10,5 tỷ đồng. VSH giảm giá khá mạnh 3,11% và nếu muốn, có thể đổ lỗi cho các mã còn lại giảm giá do bị khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên đây là hành động gượng ép vì khối lượng bán ra của khối này còn xa mới đủ khống chế các giao dịch của cổ phiếu.

Mặt khác tổng giá trị vốn vào ròng trên hai sàn vẫn ở mức dương, và là phiên ròng dương ở tuần thứ 11 liên tục. Hôm nay giá trị mua vào khớp lệnh đạt 125,5 tỷ đồng, bán ra đạt 68,3 tỷ đồng.

Thị trường điều chỉnh hôm nay như đã nói ở trên, là do các cổ phiếu thay đổi vai trò trên chỉ số. Cụ thể, các blue-chips suy yếu một chút, đặc biệt là các cổ phiếu siêu lớn. Thị trường vẫn có sự tăng giảm giá, nhất là HNX đang giao dịch mạnh mẽ. Nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu nào sẽ bán ra khối lượng lớn. Khối này đã mua vào ngay cả khi giá ở ngưỡng rất cao thì hẳn phải có lý do gì dài hơi hơn là mục đích nâng đỡ NAV.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

924,2 tỷ đồng (+1%)

63,8 triệu (+7%)

453,7 tỷ đồng (+14%)

40 triệu (+20%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

FLC (72,1) - (7,8%)

SHB (57,9)-(12,8%)

SSI (70,3) - (7,6%)

PVS (54)- (11,9%)

HQC (43,5) - (4,7%)

KLS (39,6) - (8,7%)

PET (38,6) - (4,2%)

VND (38,6) - (8,5%)

HPG (35,4) - (3,8%)

KLF (33,2) - (7,3%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam