Hồi là bán - áp lực giải chấp hiện hữu?

16:13 | 21/04/2014 Print
Những hi vọng về một khả năng phục hồi nhẹ trong phiên đầu tuần đã kéo dài tới gần 13h30. Điểm số vẫn đang tăng, một vài cổ phiếu lớn được nâng đỡ giá. Rốt cục áp lực cắt lỗ một lần nữa đã thắng thế, dìm thị trường vào một đợt sụt giảm mạnh về cuối phiên.

Sau giờ khớp lệnhKéo xả - người cầm cổ hết kiên nhẫn

Hiện tượng kéo giá cổ phiếu lớn để đẩy điểm số đi lên, tạo ảo giác thị trường phục hồi có thể thấy rất rõ trong phiên hôm nay. Đối với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, điều quan trọng hơn việc điểm số tăng, là có bao nhiêu cổ phiếu lớn cùng tăng giá và thanh khoản ở mức độ nào.

Bản chất của các chỉ số giá trên thị trường có thể bị chi phối từ biến động giá của các mã vốn hóa lớn. Hiện tượng điểm số tăng mà đa số cổ phiếu giảm giá như trong phiên hôm nay được gọi là “xanh vỏ đỏ lòng”. Đó là điều cực kỳ bất lợi và dễ gây phản cảm, khi nhà đầu tư phải chịu đựng một mức lỗ ngày càng tăng, trong khi VN-Index lại đi lên.

Cổ phiếu được sử dụng đẩy điểm số hôm nay là MSN và trong một số thời điểm có cả GAS, VCB. MSN cuối phiên trước lao dốc tới 6,3%, phiên sụt giảm lớn nhất trong 10 tháng. Hôm nay, cũng không có thêm bất kỳ thông tin hỗ trợ nào, MSN lại một mình một chợ, tăng giá ngược với xu hướng thị trường.

MSN trong phiên có lúc tăng giá tới 2,79% so với tham chiếu và mức tăng mạnh được duy trì tới suốt 14h. Đến lúc đóng cửa, MSN tuy có điều chỉnh một chút, nhưng vẫn tăng 0,56%. Đây là cổ phiếu lớn hiếm hoi tăng giá, trong khi gần như tất cả các mã khác của rổ HSX30 đều giảm giá.

Thanh khoản của MSN cũng là vấn đề. Cả phiên cổ phiếu này giao dịch có hơn 90.000 đơn vị, trong khi bình quân 20 ngày liên tục, khối lượng khoảng 220.000 cổ phiếu. Điều này nghĩa là thanh khoản hôm nay đột biến thấp. MSN không phải có được một sức cầu “khủng khiếp” nào đẩy giá tăng, mà hoàn toàn là lợi dụng tình trạng bán ra rất ít để đẩy giá lên. Điều này góp phần lý giải hiện tượng bất thường giữa giá tăng mạnh và thanh khoản chỉ hơn 8 tỷ đồng, đứng thứ 43 trên sàn HSX.

Hồi là bán - áp lực giải chấp hiện hữu?
Áp lực đòn bẩy tài chính đang khá nặng do giá liên tục giảm.

Lúc các chỉ số ở HSX tăng điểm mạnh nhất, MSN cũng đạt đỉnh, kết hợp với GAS tăng nhẹ, VCB tăng, VNM đứng tham chiếu và một số mã lớn khác không tạo sức ép giảm. Hành động đẩy giá MSN nhưng lại bán ra mạnh mẽ ở các cổ phiếu khác là một biểu hiện rất đáng lo ngại, nhất là khi sự nghi ngờ đang rất cao trên thị trường. Số đông nhà đầu tư đánh giá hiện tượng đẩy trụ là nhằm mục đích thu hút dòng tiền tham lam vào mua, kích động sức cầu để xả thành công các mã khác. Chính vì vậy thị trường đã nhanh chóng có những phản ứng rất xấu.

Từ khoảng gần 14h trở đi, hoạt động cắt lỗ bắt đầu gia tăng ngày càng mạnh. Bất chấp MSN vẫn tăng giá, hàng trăm cổ phiếu khác đã giảm mạnh, đẩy VN-Index lùi sâu xuống dưới tham chiếu. Đóng cửa, chỉ số này giảm 1,27%, trong khi cuối phiên sáng còn tăng trên 0,5%.

Lúc đóng cửa, cả hai sàn xuất hiện một áp lực bán tháo rất lớn. Khoảng 9,2 triệu cổ phiếu đã được tống ra ở HSX và là trên 8 triệu cổ. Đồng loạt các cổ phiếu giảm giá sâu hơn, đẩy các chỉ số rơi xuống mức điểm số thấp nhất trong ngày. 370 cổ phiếu đã giảm giá, trong đó 92 mã giảm sàn.

Nước ngoài tiếp tục hỗ trợ thị trường

Vẫn là niềm an ủi cũ trong những phiên thị trường rơi mạnh như hôm nay: Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào. Một điểm khá dễ nhận là cứ các phiên sụt giảm mạnh, khối ngoại lại có quy mô mua vào tăng lên, chẳng hạn ngày 16/4, 18/4 và hôm nay 21/4. Trong khi các phiên phục hồi như ngày 17/4, khối ngoại lại tăng bán.

Ngoài hoạt động giao dịch ngắn hạn, có thể việc thị trường giảm sâu khiến các khoản đầu tư trung hạn có giá hấp dẫn và dễ giao dịch hơn nên khối này mua vào nhiều. Chiều ngược lại cũng diễn ra: Các phiên sụt quá mạnh, nếu khối ngoại cũng tranh bán thì rất có thể đẩy thị trường vào trạng thái hoảng loạn.

Hôm nay khối lượng mua vào qua khớp lệnh tại HSX tăng 91% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Tại HNX, khối lượng mua cũng tăng 126% và giá trị tăng 223%. Tính chung hai sàn, mức mua ròng khoảng 141,7 tỷ đồng chưa kể các giao dịch thỏa thuận.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào ở HSX lớn nhất là GAS, gần 21,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Tiếp đến là VCB, trên 12,8 tỷ đồng. Các mã này cũng bị bán ra nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với mua vào. Dòng tiền của khối ngoại đã nâng đỡ giá hai mã này trong phiên, mặc dù đến lúc đóng cửa, GAS vẫn giảm 1,1% và VCB giảm 1,38%.

Trên HNX, VCG được mua tới 1,41 triệu cổ phiếu, là nguyên nhân quan trọng đẩy giá tăng 1,45%. PVS cũng được mua hơn 537.000 cổ phiếu nhưng giá giảm 7,87%. Sàn HNX có một phiên thất bại khi mất hết các cổ phiếu lớn. HNX-Index giảm tới 2,13% so với tham chiếu.

Theo số liệu của quỹ VNM ETF đến ngày 16/4, quỹ này từ đầu tháng 4 đã huy động được 17,96 triệu USD và từ ngày 10-16/4, ngày nào cũng hút thêm được trên 2 triệu USD. Như vậy khả năng là hoạt động mua vào của nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tiếp diễn. Thị trường đang trong xu thế giảm, điều kiện mua càng dễ dàng. Tuy nhiên không thể căn cứ vào lực mua này để ước đoán về sức mạnh thị trường. Hiện tại áp lực giảm giá quá lớn đang gây sức ép nghiêm trọng lên các khoản đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư trong nươc. Giá càng giảm mạnh, áp lực này càng tích lũy lớn hơn.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam