Tuần sụt giảm sâu nhất của chứng khoán trong 17 tháng qua

14:46 | 19/04/2014 Print
Rốt cục thì VN-Index cũng đã có một tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2012 khi đánh mất 5,9% và HNX-Index mất 7,9%. Hành động cắt lỗ ào ạt ở một góc độ nào đó, có thể lý giải được khi mà dòng vốn trên thị trường bất ngờ co hẹp lại đáng kể.

Chứng khoán tuầnLên không được thì xuống?

Mệnh đề cực kỳ đơn giản: “Thị trường không tăng được thì giảm” tưởng như võ đoán nhưng thực ra là đúc kết kinh nghiệm và thực tiễn.

Còn nhớ cuối tuần trước, VN-Index dừng ở 600,57 điểm. Mặc dù có một phiên áp chót tuần trước chỉ số không vượt qua được đỉnh 610 điểm, nhưng niềm tin vẫn còn rất lớn.

Chỉ có hai yếu tố cho thấy những điểm yếu của đợt tăng đang chững lại: Thứ nhất là sự thiếu đồng thuận trong các cổ phiếu dẫn dắt, mà điển hình là các nhóm cổ phiếu lớn ở hai sàn, HSX30 và HNX30. Thứ hai là sự suy giảm của dòng vốn trên thị trường so với quá khứ gần, chỉ cách đó có 2-3 tuần.

Bất kỳ yếu tố nào nói trên cũng có thể được lý giải từ các góc độ khác nhau, tùy thuộc vào ý muốn chủ quan. Chẳng hạn người lạc quan đánh giá thanh khoản thấp là do người bán đang ít bán ra chứ không phải dòng tiền yếu. Ngược lại, người bi quan có thể xem xét như một dấu hiệu của dòng vốn đã thoát khỏi thị trường ở một mức độ nào đó ngày càng rõ rệt.

Chỉ có thị trường mới kiểm chứng được, liệu ý muốn chủ quan có thể điều khiển được giá hay không. Rốt cục thì thanh khoản sụt giảm quả thực là dấu hiệu của dòng vốn đã rút khỏi thị trường. Việc giá sụt giảm quá nhanh trong một vài phiên kế tiếp là hệ quả trực tiếp của dòng tiền đã suy yếu: Nếu người mua không đủ tiền để mua khối lượng cổ phiếu bán ra thì tất yếu giá phải giảm. Lượng tiền mua hôm nay cạn thì giá phải giảm tiếp trong phiên tới với mức giá thấp hơn nữa mới có thể thu hút thêm tiền vào mua.

Trên phương diện kỹ thuật, nhà đầu tư rất lo ngại việc giá không chinh phục được đỉnh cao cũ. Trong trường hợp cụ thể này là chỉ số VN-Index đã thất bại khi cố gắng vượt 610 điểm. Phiên sụt giảm khá nhẹ đầu tuần ngày 14/4, VN-Index mất có 0,7%, nhưng lại là một dấu hiệu rất xấu. Thị trường đã không nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi thất bại trong nỗ lực vượt đỉnh cách đó chỉ 2 ngày giao dịch. Cộng với việc thanh khoản tiếp tục suy giảm, dấu hiệu suy yếu của dòng tiền càng rõ nét hơn.

Thị trường đã không thể xác lập được đà tăng mới thì khả năng phải giảm rất cao. Trong một số trường hợp, thị trường có thể tích lũy đi ngang nếu vẫn còn những kỳ vọng, ví dụ như thông tin hỗ trợ mạnh nào đó liên quan đến vĩ mô. Trong trường hợp tuần này, thị trường đã không thể trụ lại được vì tất cả các thông tin đã được thị trường hấp thụ hết: Kết quả kinh doanh, yếu tố lãi suất, thông tin cổ tức, quyết định mở room…

Chứng khoán tuần: Dấu hiệu báo trước được kiểm chứng
Cơ hội lúc này thuộc về nhà đầu tư cầm tiền.

Có thể thấy rõ điều này khi trong tuần, vẫn có khá nhiều thông tin kết quả kinh doanh, chia cổ tức của các doanh nghiệp được công bố. Tuy nhiên tất cả các thông tin này đều bị nhấn chìm trong tâm lý hoảng hốt bán ra. Thông tin tốt trong bối cảnh thị trường xấu cũng vô tác dụng, đó là điều đã được kiểm chứng suốt những năm qua. Đặc biệt khi những thông tin đó đã được thị trường đoán trước hoặc đã phản ánh vào giá, tác động hầu như không có, thậm chí rơi vào chiến thuật “tin ra là bán”.

Rủi ro cao hơn lợi nhuận

Các giao dịch ngắn hạn trong tuần, thậm chí là các giao dịch có thể bán vào đầu tuần này cũng không đem lại nhiều lợi nhuận, nếu không muốn nói là thua lỗ.

Thống kê tuần qua, thị trường đã trải qua những phiên lao dốc hoảng loạn cao độ và rất ít cổ phiếu trụ lại được trong bối cảnh như vậy. Trên sàn HNX, chỉ có 38/377 cổ phiếu còn tăng giá so với phiên cuối tuần trước. HSX có 42/304 cổ phiếu còn tăng giá. Thống kê này chỉ ra rằng cơ hội chọn được cổ phiếu đi ngược dòng trong tuần là rất thấp, chỉ có khoảng 10% ở HNX và gần 14% ở HSX.

Đó là chưa kể các cơ hội đầu tư không chỉ liên quan đến giá mà còn cả yếu tố thanh khoản. Nhiều mã tăng giá tuần này nhưng giao dịch bình quân tuần chỉ có vài trăm cổ phiếu, thậm chí nhiều mã dưới 100 cổ phiếu. Chẳng hạn VSI, một trong những cổ phiếu có mức tăng giá tốt nhất ở HSX tuần này cũng chỉ là 7,23% và trung bình mỗi ngày giao dịch 750 cổ phiếu ở giá khoảng 8.500 đồng. Với các cổ phiếu dạng này, cơ hội đầu cơ là gần như bằng 0.

Cơ hội nào?

Trong các phiên lao dốc mạnh, một thực tế phải chấp nhận là thanh khoản đã không tăng trở lại. Bình quân tuần này giao dịch mỗi ngày chỉ có 2.743,6 tỷ đồng với trung bình 182,8 triệu cổ phiếu. Mức thanh khoản này vẫn là rất thấp, bất chấp giá hiện đã giảm khá nhiều so với thời điểm cách đây chỉ 3 tuần.

Dòng tiền duy trì thấp là biểu hiện của sự lo ngại còn rất cao. Mặc dù giá sụt giảm mạnh, cổ phiếu rơi sàn đầy rẫy, nhưng nhà đầu tư vẫn không dám mua vào mạnh. Trong khi đó, hoạt động cắt lỗ của nhà đầu tư thường được tiến hành theo từng đợt, thay đổi hàng ngày trên cơ sở hi vọng phục hồi được nhen nhóm trở lại, cũng như việc kết thúc các vòng quay T+3.

Đây là một cuộc chiến khó đoán giữa người cần bán và lượng tiền đã rút ra khỏi thị trường. Người cầm cổ có mức chịu đựng lỗ giới hạn, vượt quá giới hạn này họ sẽ không chịu nổi và bán ra. Ngược lại, người cầm tiền không chỉ căn cứ vào giá, mà còn là rủi ro chung của thị trường. Chẳng hạn trong ngắn hạn không có thông tin hỗ trợ đủ mạnh nào để có thể khởi động một xu thế tăng mới, hoặc mức sụt giảm hiện tại chưa đạt đến giá kỳ vọng…

Về mặt kỹ thuật, luôn có thể xác định được các mức điểm số mà VN-Index có thể tạo đáy. Hiện tại các mức 560-550 điểm được nói đến khá nhiều. Tuy nhiên đáy của VN-Index không có nghĩa là đáy của giá các cổ phiếu cụ thể. Ngoài ra, chạm đáy không có nghĩa là bắt đầu một sóng tăng. Thị trường có thể tạo đáy trong một thời gian dài. Người cầm tiền không bao giờ lo mất cơ hội.

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam