Tranh nhau tháo chạy, thị trường rớt thảm

16:27 | 15/04/2014 Print
Chẵn 14 phiên giao dịch, thị trường hôm nay như thể lặp lại phiên ngày 26/3 vừa qua khi mức sụt giảm trong một ngày giao dịch lớn nhất suốt nhiều tháng qua, thanh khoản tăng vọt do nhà đầu tư tranh nhau bán ra.

Mô hình hai đỉnh? Đóng cửa phiên giao dịch thê thảm nhất kể từ sau phiên vượt đỉnh 610 điểm bất thành cuối tháng 3, VN-Index chỉ còn 586,09 điểm, giảm 1,68%. Đã có sự tương đồng rất đáng chú ý của phiên hôm nay với phiên ngày 26/3: Sau một phiên vượt đỉnh 610 điểm không thành công, thị trường đều có hai phiên giằng co và chốt lại bằng một phiên sụt giảm sâu. Thậm chí nếu so sánh với phiên ngày 26/3, thị trường hôm nay xấu hơn. Cả hai sàn có tới 427 mã giảm giá, trong khi ngày 26/3 chỉ có 411 mã. Số cổ phiếu giảm sàn cũng tương đương 79/89 mã. Thanh khoản hôm nay chỉ bằng một nửa phiên ngày 26/3. Giới phân tích kỹ thuật cho đến trước phiên hôm nay đã tỏ ra hết sức lo ngại VN-Index sẽ tạo lập mô hình hai đỉnh. Mô hình này được xác lập bằng một đỉnh cao đầu tiên, sau đó thị trường điều chỉnh một nhịp ngắn và tiếp tục lần thứ hai nỗ lực vượt đỉnh trước đó. VN-Index đã xác lập đỉnh quanh 610 điểm ngày 24/3 và hôm 10/4 vừa qua đã có lúc lên tới gần 609 điểm nhưng không thành công. Phiên sụt giảm hôm nay càng khiến khả năng mô hình hai đỉnh được xác lập và đây là hình mẫu của sự giảm giá. Áp lực giảm rất mạnh hôm nay đã thể hiện mối lo ngại là có thực, khi nhà đầu tư chấp nhận khuyến mại rất lớn để có thể thoát ra. Tâm lý thị trường đã trở nên yếu đến mức, nỗ lực đẩy điểm số trong phiên sáng đã không lôi kéo được nhà đầu tư tham gia mua trở lại và liên tiếp các đợt cắt lỗ mạnh tay xuất hiện trong buổi chiều, bất chấp các thông tin hỗ trợ liên quan đến những cổ phiếu cụ thể vẫn xuất hiện bình thường. Nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh bán ra cắt lỗ khi khả năng vượt đỉnh không còn. Sáng nay các cổ phiếu như GAS, VNM, MSN, VIC đã có một đợt tăng giá tốt kéo VN-Index phục hồi trở lại trên tham chiếu và giúp tạo cho HNX-Index một sóng hồi tương tự. Tuy nhiên hầu như chỉ có các cổ phiếu trụ tăng giá, còn phần lớn các cổ phiếu khác vẫn giảm giá. Đây là tín hiệu không tốt vì nhà đầu tư đã dè dặt trước các biến động bất thường của chỉ số, vốn không được khẳng định bằng thanh khoản hay số đông cổ phiếu tăng giá. Trừ vài mã như HSG, MSN ở HSX thuộc nhóm blue-chips vẫn còn tăng nhẹ cho tới lúc đóng cửa, hàng trăm cổ phiếu khác giảm giá, bất chấp thông tin liên quan tốt hay xấu. DPM chẳng hạn, chiều nay có tin lợi nhuận trước thuế quý I/2014 vượt kế hoạch 9%, đạt 400 tỷ đồng, cổ tức tăng lên 50% tiền mặt. Thông tin này không giúp được DPM khỏi cơn bán tháo điên cuồng, giá giảm 5,43% xuống mức 36.600 đồng, thấp nhất kể từ tháng 6/2013. Hay như SHB, có tin tập đoàn T&T mua vào 36,3 triệu cổ phiếu từ ngày 17/4 tới mà hôm nay giá vẫn giảm 1,82%.

Trong bối cảnh thị trường không bị chi phối bởi những thông tin tiêu cực mà giá cổ phiếu vẫn phản ứng theo tâm lý đám đông, tức là sự lo ngại đã lên rất cao. Liên tiếp các phiên giao dịch 4.000 tỷ đồng mà VN-Index vẫn suy giảm thì với năng lực dưới 3.000 tỷ mấy phiên vừa qua, khả năng tạo lập đỉnh cao mới là rất khó khăn. Thị trường không xác lập được sóng tăng cao hơn thì tiềm năng điều chỉnh sẽ lớn vì mọi thông tin hỗ trợ sẽ hết trong 1-2 tuần nữa.

Khối ngoại mạnh tay gom, thanh khoản tăng

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng
(tỉ đồng)

GAS

177,130

16,5

VCB

356,980

10,8

KDC

179,970

10,5

DIG

489,950

8,8

DXG

508,980

8,2

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng
(tỉ đồng)

DPM

1,062,200

40

HAG

754,610

20,9

VIC

297,570

20,3

PET

77,180

1,6

HVG

38,870

1

Điểm an ủi duy nhất trong phiên bán tháo hôm nay là đã có cầu bắt đáy chấp nhận mua vào ở vùng giá thấp đẩy thanh khoản tăng lên. Đồng thời nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm bán đáng kể, tăng mua vào và quay lại mua ròng ở hai sàn.

Với mức độ hạ giá rất lớn: HSX có 154 mã giảm trên 2% và HNX có 166 mã, khối lượng giao dịch tăng cao là điều đương nhiên. Khi mức giá sụt giảm bất ngờ rất lớn, cầu bắt đáy sẽ bị kích thích mua vào với hi vọng phiên tháo chạy sẽ chỉ mang tính nhất thời và giá sẽ phục hồi lại vào phiên kế tiếp.

Ví dụ rõ nhất là DPM, suốt 3 phiên lao dốc cực mạnh vừa qua, hôm nào cũng có hàng trăm tỷ đồng nhảy vào mua bắt đáy. SSI hôm nay sụt giảm tới 4,59% và cũng có gần 169,3 tỷ đồng vào mua. Với các cổ phiếu blue-chips thanh khoản cao, mức giảm trên 2% trong một phiên là rất lớn và để tạo được một mức giảm như vậy, giá bán phải hạ rất nhiều và đương nhiên càng ở mức giá thấp, cầu càng lớn.

Tổng khối lượng khớp lệnh hai sàn trong phiên bán tháo hôm nay tăng vọt 36% so với hôm qua. Giá trị khớp lệnh cũng tăng 30%, đạt 3.261,9 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cao nhất trong 9 phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài khá bất ngờ, cũng tránh xả hàng mạnh trong một phiên rơi thảm như vậy. DPM tiếp tục là cổ phiếu bị bán mạnh nhất, nhưng quy mô chỉ còn 1,33 triệu cổ phiếu, khoảng hơn 50 tỷ đồng giá trị. HAG, VIC cũng bị bán bớt đi một chút.

Tính chung hai sàn khớp lệnh, giá trị chứng khoán bị khối ngoại xả ra hôm nay đã giảm 29% so với phiên trước, trong khi mua vào tăng 81%. Do đó khối này đã quay lại mua ròng 17,4 tỷ đồng ở HNX và 47,2 tỷ đồng ở HSX./.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

2.284,8 tỷ đồng (+26%)

126,8 triệu (+32%)

977 tỷ đồng (+38%)

82,9 triệu (+43%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

SSI (169,3) - (7,4%)

SHB (155,4)-(15,9%)

DPM (160,1) - (7%)

KLS (92,4)- (9,5%)

FLC (117,8) - (5,2%)

PVS (85) - (8,7%)

HAG (107,6) - (4,7%)

VND (68,9) - (7,1%)

ITA (106,8) - (4,6%)

FIT (58,4) - (6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam