VN-Index vượt đỉnh thất bại, cơ hội có lặp lại?

19:04 | 12/04/2014 Print
Mặc dù có một ngày nghỉ xen kẽ trong tuần giao dịch này nhưng những biến động vẫn xuất hiện với nhiều hi vọng và thất vọng. Lần đầu tiên trong vòng nửa tháng, VN-Index có cơ hội tạo đỉnh cao mới vượt lên trên mức kháng cự 610 điểm, nhưng đã bất thành...

chung khoan tuan qua

Tuần này cũng bộc lộ một số hạn chế trong sức mạnh của thị trường, mà nổi bật là thiếu vắng sự phối hợp tăng của các cổ phiếu lớn bên cạnh các mã dẫn dắt, đồng thời dòng tiền tiếp tục suy yếu là một mối lo. Vì sao ngưỡng 610 điểm trở nên “cứng”? Một thói quen của thị trường là hay lặp lại những biến động đã diễn ra trong quá khứ. Chính vì vậy giá cũng như điểm số thường hình thành một mức kháng cự hay hỗ trợ căn cứ vào những gì đã xảy ra. Đỉnh cao tháng 3, VN-Index đạt tới mức 609,46 điểm trong ngày 25/3. Đó là mức tối đa mà điểm số có thể vươn tới với mặt bằng giá chung của các cổ phiếu, sau đó thị trường có một đợt điều chỉnh. Sau những nỗ lực dao động tăng dần suốt 2 tuần, tuần này VN-Index một lần nữa quay trở lại đỉnh cao cũ. Phiên ngày 10/4, chỉ số đạt đỉnh cao nhất ở 608,89 điểm, tức là chỉ cách đỉnh cũ một vài điểm số lẻ mà hoàn toàn có thể san bằng nếu một hay một vài mã vốn hóa lớn tăng cao hơn. Tuy nhiên kết cục lại không như mong đợi: Thị trường xuất hiện áp lực chốt lời lớn và điều chỉnh liên hai phiên cuối tuần. Theo ngôn ngữ kỹ thuật, biến động của VN-Index như vậy là kiểm tra đỉnh cũ không thành công. Đây mới là lần kiểm tra đầu tiên nên cơ hội chinh phục đỉnh cao cũ và tạo đỉnh cao mới vẫn có thể diễn ra, nhưng ít nhất cho tới khi chưa xuất hiện đột biến đó, thị trường vẫn gặp phải rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn. Tại sao lần vượt đỉnh này lại chưa thành công, trong khi hội tụ đủ các yếu tố hỗ trợ: Các cổ phiếu lớn nhất tăng giá đúng nhịp; thông tin kết quả kinh doanh, chia cổ tức ra đúng thời điểm? Hai cổ phiếu lớn giao dịch nổi bật trong tuần ở HSX là GAS và MSN. GAS có một tuần giao dịch thành công nhất kể từ đầu năm, mức tăng trong 4 phiên vừa qua là 3,4%. MSN cũng đạt mức tăng 1,6%. Đặc biệt trong hai phiên cuối tuần, đúng vào thời điểm VN-Index quay lại đỉnh cao cũ gần 610 điểm, cả GAS lẫn MSN đều tăng giá. Do bản chất cách tính của VN-Index nên yếu tố trọng số vốn hóa chiếm vai trò quan trọng. GAS và MSN là hai cổ phiếu vốn hóa rất lớn ở HSX nên ảnh hưởng đến chỉ số là điều đương nhiên. Khi hai mã này tăng giá, VN-Index sẽ chuyển biến tốt. Nếu điều ngược lại xảy ra, tức là thị trường đã gặp “trục trặc” ở các cổ phiếu khác. Quả vậy, GAS và MSN đã tăng giá đơn độc trong tuần này. Đây là điểm đáng lo ngại hơn vì dù sao, vốn hóa của 1-2 cổ phiếu lớn cũng không thể cao bằng vốn hóa của hàng trăm cổ phiếu khác cộng lại. Trong tuần, nhóm cổ phiếu lớn chứng kiến sự lạc lõng đáng kể của GAS và MSN, trong khi VIC giảm 6,12%, DPM giảm 5,88%, KDC giảm 5,65%, VNM giảm 1,38%, VCB giảm 0,96%... Biến động giá ở các cổ phiếu lớn là bất lợi cho nỗ lực tăng điểm của VN-Index. Chỉ số này trong tuần tăng 1,27% so với cuối tuần trước nhưng chỉ số hẹp hơn của rổ HSX30 lại giảm 0,22%. Yếu tố đằng sau biến động trái chiều nhau về giá giữa các cổ phiếu blue-chips là những tác động khác nhau của thông tin hỗ trợ. Trong sóng tăng suốt từ đầu năm đến giữa tháng 3, thị trường được hỗ trợ bởi kỳ vọng vĩ mô và chính sách. Hiện tại những kỳ vọng đó đã nhạt đi đáng kể và được thay bằng yếu tố hỗ trợ cụ thể hơn là kết quả kinh doanh quý 1. Khác biệt lớn nhất giữa hai dạng yếu tố hỗ trợ này, là yếu tố kỳ vọng đầu tiên có thể tác động đến toàn bộ thị trường. Nhà đầu tư chờ đợi một sự chuyển biến chung một cách toàn diện, chẳng hạn yếu tố mở room sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài tốt hơn, yếu tố lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng vốn. Ngược lại, yếu tố hỗ trợ thứ hai chủ yếu liên quan trực tiếp đến từng cổ phiếu cụ thể. Những thông tin về lợi nhuận tốt, trả cổ tức cao của doanh nghiệp này không thể tác động đến doanh nghiệp khác. Vì thế giá cổ phiếu có thông tin hỗ trợ có thể tăng, các cổ phiếu khác vẫn có thể giảm. Chính điều này đã dẫn tới sự thiếu phối hợp tăng giá giữa các cổ phiếu. Hệ quả dẫn đến là thị trường không có được một biến động tăng toàn diện, hoặc ít nhất là tăng trên diện rộng ở các cổ phiếu lớn để thúc đẩy điểm số mạnh mẽ hơn. Nhìn từ yếu tố dòng tiền - sức hấp dẫn đã nhạt? Thanh khoản sụt giảm trong tuần kiểm tra đỉnh cũ là điều đáng lo ngại nhất thời điểm này. Xét cho cùng thì quan trọng nhất là thị trường phải có thanh khoản cao, lượng tiền lớn mới có thể đi xa được. Tuần này chỉ có 4 phiên giao dịch nhưng bình quân mỗi phiên khớp lệnh chỉ khoảng 177,4 triệu cổ phiếu. Cần nhấn mạnh rằng suốt từ đầu tháng 2 vừa qua, chưa tuần nào mà khối lượng khớp lệnh toàn thị trường lại xuống dưới 200 triệu cổ phiếu/phiên. Trong 2 tuần tạo đỉnh từ 10-21/3, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên là trên 300 triệu cổ. Nhìn vào giá trị giao dịch, tuần này mỗi ngày cũng chỉ có hơn 2.800 tỷ đồng khớp lệnh và tuần trước khoảng 2.900 tỷ đồng. Đây cũng là một mức yếu nếu so với trung bình trên 3.000 tỷ đồng/phiên suốt từ đầu tháng 2 vừa qua. Hai tuần tạo đỉnh ở 610 điểm là trên 4.600 tỷ đồng/phiên. Với một lượng tiền ít hơn thì điểm số chỉ có thể tăng cao hơn, nếu giá tập trung tăng mạnh ở những cổ phiếu vốn hóa lớn, tái lập hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. VNM, GAS, VIC, MSN hoàn toàn có thể làm được điều này, nhưng như đã nói ở trên, câu chuyện quan trọng lại là không có sự phối hợp tốt về giá giữa các cổ phiếu lớn. Mặt khác, số rất lớn các cổ phiếu vốn hóa trung bình trong và ngoài rổ HSX30 không tăng giá khiến sức mạnh lẻ loi của vài cổ phiếu lớn giảm đi đáng kể. Thanh khoản suy giảm trong 2 tuần gần đây có thể xuất phát từ hiện tượng cung cầu không gặp nhau. Lý giải này hoàn toàn đúng. Điều quan trọng hơn là tại sao cung cầu lại không gặp nhau nếu như nhà đầu tư thực sự kỳ vọng vào một đợt tăng trưởng mới của thị trường, nhất là khi đúng vào mua công bố báo cáo kết quả kinh doanh? Một điểm quan trọng nữa trong bối cảnh thanh khoản chung trên thị trường giảm, là nhà đầu tư nước ngoài lại tích cực bán ra quy mô lớn. Trong điều kiện quy mô giao dịch hàng ngày 3.000-4.000 tỷ thì áp lực bán này có thể “chìm nghỉm” trong sức mua của nhà đầu tư trong nước. Nhưng khi thanh khoản chung sụt giảm, sức ép của khối ngoại bán ra lại tăng lên. Có thể thấy điều này rất rõ ở HSX – nơi tập trung phần lớn các giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Hai tuần trước, giá trị bán ra thông qua các giao dịch khớp lệnh của khối ngoại chỉ chiếm đâu đó hơn 7% tổng giá trị khớp lệnh của của sàn HSX. Tuần này tỉ trọng vọt lên trên 14%, nghĩa quy mô bán đã tăng vọt, kết hợp với giá trị giao dịch hàng ngày giảm xuống. Các mã như DPM, VIC, HAG, SSI, CII đã phải chịu áp lực bán lớn. Tuần này mới có một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 1, chưa phải là giai đoạn cao trào của thông tin. Tuy nhiên thường những doanh nghiệp tốt sẽ công bố sớm và đều là những con số đẹp. Thị trường vẫn có những phản ứng về giá không rõ ràng trên mặt bằng chung, chỉ những mã có tác động trực tiếp mới biến động mạnh. Sức hấp dẫn chỉ mang tính chọn lọc chứ không đem lại niềm hứng khởi trên toàn bộ thị trường. Điều này cũng không có gì lạ, vì chắc chắn thị trường phải chuẩn bị đón nhận cả những thông tin xấu.

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam