Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa, bất động sản rớt thảm

17:53 | 31/03/2014 Print
Dòng tiền trên thị trường dường như không còn chú ý nhiều đến các chỉ số nữa mà tập trung vào những nhóm ngành có khả năng hưởng lợi từ kết quả kinh doanh quý 1/2014. Các cổ phiếu chứng khoán nổi bật dẫn dắt dòng tiền, trong khi các mã bất động sản giao dịch rất đuối.

Sau giờ khớp lệnhKỳ vọng và thất vọng

Thực sự không nói quá, nhóm cổ phiếu chứng khoán là niềm cảm hứng của thị trường hôm nay. Không chỉ đi ngược dòng với xu hướng chung, nhà đầu tư còn bỏ ra một lượng tiền rất lớn để mua vào. Nhiều cổ phiếu đã lập được đỉnh cao mới.

Tuy không đủ lớn để tác động tới điểm số, nhưng việc các cổ phiếu nhóm chứng khoán giao dịch tích cực tạo niềm hi vọng cho thị trường nói chung: Ít nhất nhà đầu tư còn quan tâm đến thị trường và hướng dòng tiền vào những cổ phiếu có chất lượng với kỳ vọng mang yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh.

Giao dịch nổi nhất hôm nay là SSI và KLS. Hai mã này tăng giá không phải mạnh nhất, chỉ 1,71% và 2,74%, nhưng được nhà đầu tư chú ý nhất. SSI có một phiên bùng nổ khi hàng trăm tỷ đồng đổ dồn nào, cố gắng đẩy giá vượt ngưỡng 30.000 đồng. Đóng cửa tuy phải dừng lại tại 29.800 đồng, nhưng SSI giữ vững ngôi vị số 1 thị trường về thanh khoản. Đã có 170,3 tỷ đồng mua vào với 5,73 triệu cổ phiếu. SSI vẫn đạt mức giá cao nhất trong hơn 3 năm.

KLS về giá cũng chỉ chạm tới mức 15.000 đồng nhưng cũng là đỉnh kể từ đầu năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài xả 300.000 cổ phiếu cũng không tạo được ảnh hưởng nào khi nhà đầu tư trong nước tung ra xấp xỉ 168,4 tỷ đồng để mua vào trên 11,2 triệu cổ phiếu.

KLS có thể coi là niềm cảm hứng của nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đại hội cổ đông cuối tuần qua đón nhận thông tin doanh thu quý I/2014 của KLS khoảng 88 tỷ đồng, gần bằng 50% tổng doanh thu của cả năm 2013. Điều này đã kích thích kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán nói chung. Nếu KLS lãi như vậy tức là các công ty khác tốt hơn sẽ còn lãi lớn hơn.

Hầu như tất cả các cổ phiếu chứng khoán niêm yết ở hai sàn hôm nay đều tăng điểm: HCM tăng 1,43%, VND tăng 3,43%, BVS tăng 5,11%, APG tăng 9,52%, CTS tăng 3,4% , SHS tăng 3%. Riêng AGR giảm 1,12%, HPC giảm 2,7%, ORS giảm 3,4%, VDS giảm 1,6%, VIG giảm 2,9%...

Cổ chứng khoán thăng hoa, bất động sản rớt thảm
Nhà đầu tư đẩy manh chốt lời nhưng dòng tiền lớn vẫn vào các cổ phiếu chứng khoán.

Có thể nhận thấy ngay trong nhóm chứng khoán, mức độ kỳ vọng cũng khác nhau. Những công ty nhỏ thị phần không lớn hầu như đã được đầu cơ mạnh từ đầu tháng 3 và không còn phản ứng nhiều với kỳ vọng kết quả kinh doanh nữa. Điều này cũng là bình thường vì giá đã phản ánh đủ kỳ vọng. Trong khi đó, các công ty lớn có nhiều lợi thế hơn về thị phần, lĩnh vực hoạt động thường có ẩn số khó đoán. Thị trường luôn ưa thích sự bất ngờ.

“Đào ngũ” phiên hôm nay là khá nhiều cổ phiếu bất động sản. Phiên cuối tuần trước, cùng với nhóm chứng khoán, cổ phiếu bất động sản giao dịch rất mạnh. Tuy nhiên những thông tin trái chiều về các gói hỗ trợ tín dụng bất động sản đã làm xói mòn đáng kể kỳ vọng của thị trường.

Mặt khác, kết quả kinh doanh trong quý 1 của các công ty bất động sản có thể có những bất ngờ. Đây đó thị trường xuất hiện thông tin giá nhà tăng, nhưng không có gì đảm bảo về một kết quả kinh doanh tốt hơn. Các cổ phiếu bất động sản trong tháng 3 cũng đã được đầu cơ mạnh vì liên tục xuất hiện tin hỗ trợ. Hiện các thông tin này đã trở nên nhàm chán, thậm chí có thể chỉ là đồn thổi sai bản chất.

FLC là cổ phiếu bất động sản nổi bật hôm nay, thậm chí gây sốc khi liên tiếp 6 phiên vừa qua đã "bốc hơi" tới trên 15%. Hôm nay FLC giảm 5,67% với khối lượng trên 12,1 triệu cổ phiếu. FLC còn chịu ảnh hưởng khác từ việc chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Giá đã được kéo lên trên 14.000 đồng trong khi mức giá phát hành là 10.000 đồng. Như vậy FLC đã đảm bảo được sự thành công của đợt phát hành gấp đôi vốn này.

Tuy nhiên tính đầu cơ của FLC quá cao nên thị trường lo ngại việc “hậu phát hành” hơn. Sẽ có lực đỡ nữa hay không khi sóng tăng gần 87% trong gần 2 tháng qua được cho là với mục đích đẩy giá qua 10.000 đồng. Thứ hai, với mức tăng vốn gấp đôi, áp lực pha loãng của FLC là rất lớn.

Khá nhiều cổ phiếu bất động sản khác như IJC, HQC, ITC, DLG, HAR, SJS, NTL, TDH… đều sụt giảm mạnh hôm nay.

Hàng đầu cơ rơi thảm

Các cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp đã có một phiên phản ứng mạnh hơn với thị trường khi điểm số điều chỉnh. Dòng vốn chảy vào các mã này đã yếu đi nhiều, khiến sức nâng đỡ suy giảm. Trong khi ngay bản thân nhiều mã blue-chips còn có dòng tiền suy yếu thì các mã đầu cơ càng khó hút vốn được. Trên 30 mã giảm sàn hôm nay hầu hết là những cổ phiếu đầu cơ mạnh vừa qua.

Sàn HSX chứng kiến 11 mã sàn và tới 159 mã khác mất giá. Những cổ phiếu giảm quá 2% chiếm ưu thế là những mã thị giá thấp dưới 10.000 đồng. TNT, HLA, ATA, CYC, HSI, VST, PXL, GTT, NVN, SHI, UDC… là những mã đảo chiều rất nhanh. Sàn HNX có tới 22 mã sàn. Giao dịch đáng thất vọng là SJM, KSD, ALV, VKC, PSG, NVC, SDD…

Dòng vốn nước ngoài đang có dấu hiệu tiếp tục bán ra ở các cổ phiếu lớn. Về tổng thể, khối ngoại đã quay lại mua ròng hôm nay, khoảng 27,5 tỷ đồng ở hai sàn qua các giao dịch khớp lệnh. Thỏa thuận mua ròng lớn xuất hiện tại KDC với gần 80,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên các giao dịch này không che lấp được thực tế là khối ngoại vẫn đang bán ra ròng trong rổ cổ phiếu lớn của HSX. Danh sách bán ròng dài áp đảo lẫn quy mô lớn hơn. BVH, DPM, IJC, KDC, MSN, PET, ITA, STB, VIC… bị xả ròng tuy không lớn, nhưng tổng cộng lại nhiều hơn số mua.

Tại sàn Hà Nội, khối ngoại giao dịch cân bằng về khối lượng, nhưng lại mua nhiều hơn ở các mã thị giá cao như VND, BVS trong khi bán ra nhiều các mã thị giá thấp như PVX, KLS. Do đó dòng vốn vào vẫn là mức ròng hơn 12 tỷ đồng.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh thị trường hôm nay tăng nhẹ gần 3%, khoảng 3.042,2 tỷ đồng với gần 206 triệu chứng khoán. VN-Index đóng cửa giảm 0,46% và HNX-Index giảm 0,67% do các cổ phiếu lớn như MSN, VIC, BVH, DPM, PVS, SHB giảm giá./.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam