Khối nội bất ngờ bán tháo, cổ phiếu lớn cả 2 sàn cùng tuột dốc

16:46 | 25/03/2014 Print
Không có bất kỳ thông tin tiêu cực nào về tình hình vĩ mô, nhưng thị trường phiên hôm nay đặc biệt là buổi chiếu chứng kiến sự hoảng loạn khó lý giải. Nhà đầu tư tranh nhau bán ra đặc biệt mạnh ở các cổ phiếu lớn.

Sau giờ khớp lệnhNước ngoài không phải là nguyên nhân

Sau mỗi biến động bất thường của thị trường, nhà đầu tư thường có xu hướng cố gắng đi tìm nguyên nhân để lý giải. Hôm nay thị trường phản ứng một cách lạ lùng như thể phải đối diện với một sự kiện hay thông tin bất lợi nào đó. Thực tế là không có thông tin nào như vậy. Tuy nhiên không thể phủ nhận bảng điện đã nói lên sự lo lắng một cách bất thường.

Thị trường có cả phiên sáng điều chỉnh một cách tự nhiên. Chút sụt giảm đầu phiên thuần túy do cung cầu của nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Giá đa số cổ phiếu đầu phiên vẫn tăng khá tốt và lực chốt lời cũng không mạnh. Thị trường cũng có sự phục hồi rất nhanh sau đó. Đến cuối phiên sáng, VN-Index đã phục hồi qua tham chiếu và phần lớn cổ phiếu lấy lại được mức tăng lúc mở cửa.

Mọi thứ đã thay đổi rất nhanh trong chiều nay, đặc biệt là từ sau 14h. Áp lực bán ra đã tăng mạnh một cách khác thường. Lượng cổ phiếu rất lớn nhắm vào các blue-chips đã đẩy chỉ số lao dốc gấp gáp. Hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ở cả hai sàn đều giảm giá, đã gia tốc cho đà rơi của chỉ số.

GAS, VIC, VNM, MSN – bộ tứ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HSX cùng giảm điểm chiều nay. Đặc biệt là VIC giảm tới 1,92%. BVH cũng mất 2,48%. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa trung bình khác trong rổ HSX30 cũng giảm mạnh: SSI giảm 3,03%, CTG giảm 0,56%, MBB giảm 2,98%, VCB giảm 0,31%, FPT giảm 2,11%, GMD giảm 1,12%, HAG giảm 3,38%, HPG giảm 2,83%, HSG giảm 2,73%... OGC, PET, PVD, PVT, REE… cũng giảm dù nhẹ hơn một chút.

Trên sàn HNX, SHB mất 4,96%, ACB mất 1,14%, PVS mất 3,43%. Ngoài ra VCG, PVX, VND, KLS… cũng giảm từ 3-4%.

VN-Index chịu ảnh hưởng rất lớn của 150 mã giảm, trong đó nhiều mã vốn hóa rất lớn nói trên, đóng cửa mất 0,94%. HNX-Index không có cổ phiếu trụ, sụt tới 2,01%. Đây là phiên sụt giảm mạnh không kém gì ngày 20/3 (với HSX) mặc dù không chứng kiến những đợt bán ra ồ ạt.

Giao dịch của khối ngoại cũng không giúp lý giải được giao dịch hôm nay. Khối ngoại bán ròng khá lớn trên thị trường hôm nay, nhưng lại không tập trung nhiều vào các bluep-chips, nhất là trong nhóm HSX30. Một vài giao dịch lớn trong rổ blue-chips này cũng chỉ tạo được ảnh hưởng tại chỗ, rất khó tạo được sức ép lên phần lớn cổ phiếu khác.

Bất ngờ tháo chạy, lo ngại áp lực T+3?

Nhà đầu tư trong nước bất ngờ bán ra một lượng lớn cổ phiếu một cách hoảng loạn hôm nay.

HAG là cổ phiếu duy nhất thuộc rổ HSX30 bị khối ngoại bán ròng mạnh. Khoảng 1,37 triệu cổ phiếu đã được bán ra và mức bán ròng khoảng 32,2 tỷ đồng. Con số này là lớn, nhưng cũng chỉ ảnh hưởng đến HAG mà thôi. Sức lan tỏa của HAG là rất thấp trên thị trường.

MSN là cổ phiếu bị bán lớn thứ hai, với mức vốn bán ròng gần 21 tỷ đồng. Rất khó nhận biết áp lực bán ở MSN do khối này cũng chỉ bán ra gần 284.000 cổ phiếu trực tiếp qua khớp lệnh. Số liệu này phải sau phiên giao dịch mới biết. Trong phiên, MSN không giảm rõ rệt, đến lúc đóng cửa mới xuống dưới tham chiếu 0,5%.

MSN xuất hiện khoảng 4,1 triệu cổ phiếu bán thỏa thuận do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Quy mô của giao dịch này là rất lớn, tới gần 439,5 tỷ đồng. Tuy nhiên đây lại là giao dịch thỏa thuận, tức là không ảnh hưởng gì đến giá khớp lệnh trên sàn. Giao dịch này cũng không thể là tác nhân ảnh hưởng đến thị trường.

Ngoài các giao dịch nói trên, trong rổ HSX30, tất cả đều bình thường. Khối ngoại cũng mua vào khá lớn các cổ phiếu như DRC, HPG, PPC, PVD… mà chính những mã này lại mất giá nghiêm trọng.

Các giao dịch bán lớn khác nằm ở những cổ phiếu ít ảnh hưởng tới thị trường như DPR, TRC…

Nhà đầu tư trong nước đè thị trường

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng
(tỉ đồng)

HPG

248,730

12,8

DRC

179,470

8,1

GAS

65,660

5,5

PPC

283,890

6,9

CTD

68,610

4,6

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng
(tỉ đồng)

DPR

2,460,260

109,9

HAG

1,103,670

32,2

MSN

208,530

21

TRC

390,510

15,1

CII

207,350

5,8

Giao dịch bất thường chiều nay hầu hết là do nhà đầu tư trong nước bán ra. Rất có thể áp lực bán này xuất phát từ lo ngại lượng hàng lớn ngày T+3 – đúng vào phiên cuối tuần trước khi quỹ VNM thực hiện tái cân bằng danh mục – sẽ về tài khoản và tạo áp lực lên thị trường. Ngày hôm đó tổng khối lượng khớp lệnh thị trường khoảng 357,3 triệu cổ phiếu. Hôm nay tổng khối lượng khớp lệnh khoảng 388,4 triệu cổ phiếu.

Đây thường là lo ngại mỗi khi thị trường xuất hiện các phiên giao dịch đột biến. Khối lượng ngày 21/3 cũng có một lượng rất lớn cổ phiếu là do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dù hôm đó bán ròng là chủ yếu. Tổng khối lượng mua của khối ngoại lên tới gần 51 triệu cổ phiếu. Khối lượng hàng này khó có thể xả ra chỉ trong vòng T+3.

Các giao dịch T+3 của nhà đầu tư trong nước cũng không lớn đến mức khuyến khích bán ra với mức độ mạnh mẽ như đã chứng kiến. Có thể nhà đầu tư nắm giữ dài hơn đã thực hiện chốt lời.

Tổng giá trị khớp lệnh thị trường hôm nay lên tới 5.782,2 tỷ đồng, tăng 27% so với hôm qua. Nếu tính cả các giao dịch thỏa thuận, giá trị thị trường tới 6.790,8 tỷ đồng. Áp lực bán lớn đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư muốn mua vào có được mức giá tốt. Tuy nhiên lượng bán là quá lớn, đặc biệt là sự bất thường trong các giao dịch nên thị trường cần thời gian để cân bằng trở lại.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

4.086,9 tỷ đồng (+29%)

245,2 triệu (+30%)

1.695,3 tỷ đồng (+22%)

143,2 triệu (+26%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

FLC (221,3) - (5,4%)

PVS (195,5)-(11,5%)

HAG (221,1) - (5,4%)

SHB (168,4)- (9,9%)

ITA (200) - (4,9%)

SCR (158,9) - (9,4%)

SSI (156,7) - (3,8%)

PVX (117,6) - (6,9%)

DPR (111,6) - (2,7%)

KLS (110,2) - (6,5%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam