Dòng tiền đầu cơ hưng phấn, cổ phiếu nhỏ tăng trần hàng loạt

16:29 | 24/03/2014 Print
Thay vì lo ngại quy mô giao dịch có thể sụt giảm mạnh sau phiên khớp cực lớn cuối tuần trước, thị trường phiên đầu tuần lại chứng kiến trên 4.500 tỷ đồng nữa giao dịch. Cổ phiếu lớn giữ nhịp đã giúp dòng vốn đầu cơ tạo phiên tăng nóng ở các mã nhỏ.

Sau giờ khớp lệnhGần 150 mã kịch trần

Mạnh mẽ hiếm có, thậm chí là rất nóng! Thị trường hôm nay xuất hiện 147 cổ phiếu tăng giá kịch trần, trong đó chỉ vài mã thuộc nhóm vốn hóa lớn trong rổ HSX30.

Trong hơn một năm gần đây, chỉ có vài ba phiên đạt số lượng cổ phiếu kịch trần nhiều như vậy. Điều đó biểu hiện sức đầu cơ ở nhóm cổ phiếu thị giá thấp đang gia tăng với cường độ chóng mặt.

Sàn HNX có chẵn 80 cổ phiếu kịch trần, hầu hết là đang giao dịch dưới mức giá 10.000 đồng. Hàng triệu cổ phiếu đã được giao dịch ở những mã này, tuy không đạt giá trị cực cao nhưng cũng là rất đột biến. HPC, PHH, APS, HDO, PFL, VIG, WSS, PVL… một danh sách khá dài những cổ phiếu giao dịch trên 1 triệu đơn vị hôm nay.

Sàn HSX cũng đóng góp 67 mã kịch trần, giao dịch có phần mạnh mẽ hơn do có thêm những mã thị giá trên 10.000 đồng, nhưng vốn hóa vẫn nhỏ, như DIC, VRC, KMR, DLG, VIP, HQC, HAR, VOS, BGM, AGR, PXL…

Số lượng rất lớn các mã nhỏ tăng hết biên độ đã tạo nên độ nóng đáng kể cho thị trường hôm nay. Mặc dù khả năng đóng góp về điểm số lẫn giá trị giao dịch chưa phải là lớn, nhưng khi hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh như vậy thể hiện sự hưng phấn rất cao.

Chỉ số dành cho các cổ phiếu vừa và nhỏ trên hai sàn đều có mức tăng điểm rất tốt. Chỉ số của nhóm vốn hóa nhỏ tại HSX tăng 2,23%, trong khi trên HNX tăng 3,22%.

Hưng phấn cao độ, cổ phiếu nhỏ tăng trần hàng loạt

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hôm nay, nhưng tâm lý hưng phấn cao khiến lực bán không ảnh hưởng nhiều lên giá.

Chắc chắn không phải tất cả các cổ phiếu nhỏ kịch trần hôm nay đều có chất lượng cơ bản tốt. Điều này là vô nghĩa trong bối cảnh khả năng đầu cơ giá lên thuận lợi như hiện tại. Các vấn đề cơ bản như kết quả kinh doanh 2013 đã bị bỏ lại phía sau. Trong thời điểm “giáp ranh” kỳ báo cáo tài chính quý 1/2014, thị trường thường có trào lưu đầu cơ kỳ vọng.

Một điều phải thừa nhận là dòng tiền đầu cơ đã gia tăng đồng loạt ở hầu khắp các cổ phiếu. Gần 150 mã kịch trần là con số rất lớn. Rất hiếm khi nào thị trường có được một sóng tăng đồng loạt như vậy. Kể từ đầu năm 2013 đến nay cũng chỉ có dăm bảy phiên số lượng cổ phiếu kịch trần ghi nhận được trên 100 mã.

Blue-chips tăng ổn định, cổ phiếu lớn dìm điểm số

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng
(tỉ đồng)

GAS

89,930

7,5

FCN

244,150

6,9

HSG

102,610

5,7

VIC

70,270

5,5

CTD

73,760

4,9

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng
(tỉ đồng)

HPG

687,040

36,4

PVD

300,380

24,2

HAG

776,880

22,9

VCB

310,630

9,9

DPM

208,880

9,2

Điều được trông đợi nhất trong phiên giao dịch đầu tiên khi đợt cơ cấu danh mục của nhà đầu tư nước ngoài kết thúc, là các cổ phiếu blue-chips, đặc biệt là những mã thuộc rổ HSX30, sẽ giao dịch tích cực hơn. Quả thực thị trường đã có được một phiên giao dịch rất sôi động và hầu hết các mã tăng giá trở lại.

Đối với những cổ phiếu phải chịu một khối lượng bán ra hàng triệu đơn vị, áp lực đã nhẹ đi đáng kể và giao dịch trong phiên trở lại bình thường. Điển hình nhất là đợt đóng cửa đã không còn những trận “dội bom” bằng lệnh ATC nữa.

Nhiều cổ phiếu đã bật tăng như thể bung sức nén trong tuần trước, khi mà khối ngoại bán ra tạo áp lực giá lớn. DPM, DRC, GMD, HPG, OGC, PPC, PVD, REE, SSI, VCB đều tăng mạnh. Đặc biệt rổ HSX30 đóng góp 2 cổ phiếu trong số tăng kịch trần là IJC và OGC. Trong đó OGC đã từng nằm trong danh sách bị quỹ ngoại bán ra gần 5 triệu cổ phiếu tuần trước.

Mặt bằng các cổ phiếu lớn hầu hết là tăng tốt. Chính vì vậy VN-Index mới tăng 0,96% so với tham chiếu và chỉ số của rổ HSX30 tăng 1,37%.

Sẽ là hoàn hảo hơn nếu sàn này không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động giảm giá của MSN, FPT, HSG, VIC, VNM.

Trong số các cổ phiếu lớn giảm giá, MSN mất tới 2,91%, mức thấp nhất trong 7 phiên. VNM và VIC gây tác động lên điểm số trong những phút cuối, trong khi MSN suy giảm hầu như trong toàn bộ thời gian. Nhà đầu tư trong nước đã tìm cách bán ra cổ phiếu này để hạn chế thua lỗ trong chiến thuật đầu cơ tuần trước.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng

Khá thất vọng là hôm nay, đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại. Thay vì những đợt bán lớn bằng lệnh ATC, khối ngoại đã giao dịch một cách bình thường. Một số cổ phiếu tiếp tục bị xả ra mạnh là DPM, HAG, HPG, PVD, VCB. Rất khó để xác định liệu đây có phải là giao dịch “sót” của quỹ VNM không giao dịch hết trong phiên cuối tuần trước? Khả năng cao hơn có lẽ đây là giao dịch cơ cấu danh mục bình thường. Chẳng hạn HAG, trước khi được quỹ VNM mua vào, đã bị quỹ nước ngoài cơ cấu bán ra rất mạnh.

Trên sàn Hà Nội, PVS và VCG bị khối ngoại bán khá nhiều, trong khi SHB lại giao dịch nhẹ nhàng. Điều này góp phần phỏng đoán các giao dịch nói trên của khối ngoại là bình thường.

Quy mô bán ra của khối ngoại hôm nay dĩ nhiên không thể so sánh được với phiên cuối tuần trước. Chẳng hạn giá trị bán ra trên HSX qua khớp lệnh chỉ là 265,8 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 phiên. Tại HNX, giá trị bán cũng chỉ là 48,1 tỷ đồng.

Tính chung ở hai sàn hôm nay, khối ngoại rút ra tầm 171,2 tỷ đồng. Nhìn vào chuỗi ngày bán ròng từ đầu tháng 3 đến nay thì mức bán này vẫn là cao. Tuy nhiên dòng tiền của nhà đầu tư vẫn rất dồi dào nên lượng bán hôm nay ít ảnh hưởng đến giá. Tổng giá trị khớp lệnh thị trường phiên này vẫn lên tới 4.555,1 tỷ đồng. Nếu tính cả thỏa thuận, con số là 4.692,3 tỷ đồng.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

3.163,9 tỷ đồng (-34%)

189,3 triệu (-16%)

1.391,2 tỷ đồng (-21%)

114 triệu (-14%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

ITA (138,2) - (4,4%)

PVS (162,6)-(11,7%)

HAG (129,6) - (4,1%)

SHB (154,9)- (11,1%)

FLC (113,6) - (3,6%)

SCR (94,2) - (6,8%)

HQC (92,7) - (2,9%)

VCG (87,1) - (6,3%)

MBB (90,2) - (2,8%)

PVX (83,3) - (6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam