Cổ phiếu đầu cơ thanh khoản lớn: Xả hay đẩy?

17:01 | 19/11/2013 Print
Sau phiên giao dịch sôi động ở nhóm blue-chips hôm qua, diễn biến bất ngờ đã xuất hiện khi những cổ phiếu đầu cơ thu hút dòng tiền mạnh mẽ hơn.

phien giao dich 19.11

Thị trường đã có một phiên điều chỉnh với thanh khoản khá cao hôm nay. Ngoài một số cổ phiếu lớn giảm đột ngột, giao dịch nhìn chung vẫn cân bằng.

Mặc dù không phải tất cả những cổ phiếu thanh khoản hàng đầu ở nhóm này đều tăng giá, nhưng giá giao dịch tăng vọt ở nhóm này cộng với sự thoái lui khá mạnh ở nhóm blue-chips thể hiện tính chất đầu cơ vẫn đang lấn át.

6/10 giao dịch hàng đầu thuộc về mã đầu cơ

Những thống kê đầy bất ngờ thể hiện trên sàn HSX hôm nay là bằng chứng rõ ràng nhất: Trong 10 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch hàng đầu, có tới 6 mã thuộc nhóm đầu cơ thị giá thấp. Tổng giá trị giao dịch của 10 mã này chiếm gần một phần ba giá trị của sàn thì các mã đầu cơ đóng góp 67%.

Giao dịch lớn nhất đến từ FLC, cổ phiếu đang có giá 6.100 đồng. Thông tin kết quả kinh doanh quý 3 tăng đột biến lên gần 26,2 tỷ đồng từ hôm qua đã đẩy giá cổ phiếu này kịch trần. Hôm nay FLC tiếp tục tăng mạnh 5,17%, lên sát giá trần phiên thứ hai liên tục, nhưng bắt đầu xuất hiện lực chốt lời. Gần 56,8 tỷ đồng giá trị giao dịch là con số kỷ lục ở FLC.

Thị trường bất ngờ phản ứng tích cực trước thông tin công bố Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC đã bán xong 4,5 triệu cổ phiếu thẳng trên sàn khớp lệnh. Có lẽ nhà đầu tư cho rằng mối lo ngại về khối lượng hàng xả tiềm năng lớn đã được cởi bỏ. Các giao dịch nói trên được thực hiện trong ngày từ 15-18/11. Trong hai phiên này, ngày 15/11 FLC xuất hiện lượng giao dịch gần 11,8 triệu cổ phiếu. Với mức giá 6.100 đồng hôm nay, FLC đã ở đỉnh cao nhất kể từ giữa tháng 7/2013.

Các giao dịch đột biến về thanh khoản còn lại xuất hiện với FCN, PVT, VNE, VHG và DXG. Trong số này chỉ có PVT giao dịch đuối và không tăng giá. Còn lại FCN tăng 4,19%, VNE tăng 5%, VHG tăng 1,32% và DXG tăng 2,48%.

Nếu chỉ nhìn thuần túy vào mức giá, các cổ phiếu này đều tăng tốt với thanh khoản lớn. Tuy nhiên nếu nhìn vào mức biến động động cũng như tình trạng cung cầu trong phiên, hoạt động chốt lời lại đang gia tăng. Ngay cả FLC, cổ phiếu tăng rất mạnh nói trên, những cố gắng đẩy trần đều thất bại không chỉ do sức mua chưa đủ lực vươn tới giá này, mà còn ở lượng chặn bán hàng triệu cổ phiếu tại giá cao nhất.

VNE cũng vậy, hôm nay là phiên tăng mạnh thứ 2. Giá VNE đã có lúc lên tới mức kịch trần nhưng lượng xả giá này cũng trên 2,5 triệu cổ phiếu. Ban đầu VNE thể hiện sự mạnh mẽ bất ngờ, nhưng càng về cuối phiên khối lượng bán ra càng lớn. Người bán đã tranh thủ xả hàng ở giá cao nhất và chặn bán thành công. DXG, VHG thậm chí còn đuối rõ rệt hơn, suy giảm xuống gần mức tham chiếu lúc đóng cửa.

Tại sàn Hà Nội, các mã đầu cơ cũng thống lĩnh thanh khoản hôm nay. SCR khớp trên 4 triệu cổ nhưng không thể nói là giá tốt được. Khối lượng bán ra quá lớn đã ngăn cản SCR tăng mạnh hơn mức 1,43% về cuối phiên. Hôm qua có lúc SCR tăng lên mức 7.200 đồng và hôm nay mọi nỗ lực đẩy qua mức này đều thất bại.

Những cổ phiếu đầu cơ giao dịch lớn khác như KLF, FIT, KLS thậm chí còn giảm giá. FIT giao dịch trên 15,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, nhưng hoàn toàn là sức ép bán ra. Cổ phiếu này rơi từ tham chiếu 14.800 đồng đầu phiên xuống 14.600 đồng lúc đóng cửa, giảm 1,35%. KLF còn yếu hơn, đầu phiên tăng 2,48% nhưng đóng cửa lại giảm 3,11%. KLS cũng giảm 1,14%.

Mức thanh khoản rất cao tập trung ở những cổ phiếu đầu cơ hàng đầu thường là biểu hiện của dòng tiền lớn tham gia. Đa số các mã vẫn tăng giá so với tham chiếu, một số giảm giá. Điều quan trọng hơn là thanh khoản khoản lớn thể hiện lực bán hay lực mua lấn át. Nếu căn cứ vào biến động giá trong phiên, lực đẩy đã thắng thế trong nửa đầu phiên giao dịch. Trong nửa sau của phiên, lực đẩy đã gặp phải khối lượng hàng lớn chốt lời và giá đã giảm bớt sức mạnh, thậm chí quay đầu giảm xuống dưới tham chiếu. Như vậy lực xả đã chiến thắng ở một số mã.

Khác với các cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt về thanh khoản, các cổ phiếu đầu cơ nhỏ hơn, dòng tiền vào kém hơn lại duy trì được mức giá ổn định. Khoảng 68 cổ phiếu vẫn còn đóng cửa giá trần ở hai sàn hôm nay là một con số lớn (hôm qua có kỷ lục 73 mã). Khả năng duy trì sức ép lên giá chỉ có thể giữ được ở những cổ phiếu nhỏ như FCM, KMR, TTF, PXI, VOS, DCT, TNT, VST ở HSX hay HNM, PXA, TTZ, VE1 ở HNX.

Cổ phiếu lớn mất giá, VN-Index sụt mạnh phút chót

Nhìn tổng thể các cổ phiếu blue-chips hôm nay giao dịch kém tích cực nhưng không phải là quá yếu. Chẳng hạn trong rổ HSX30 chỉ có vài mã giảm mạnh, còn lại hầu hết là tham chiếu hoặc tăng. Điểm khác biệt chính là mức độ vốn hóa. VN-Index đóng cửa đầy bất ngờ, giảm 0,35% hoàn toàn do ảnh hưởng của GAS, VCB, HAG.

Giảm mạnh nhất trong số này là VCB, mất 2,35% so với tham chiếu. VCB giảm rất bất ngờ khi thông tin nợ xấu 2,98% vẫn đẩy giá tăng 0,3% hôm qua. Hôm nay mở cửa cổ phiếu này đã giảm ngay 2,7%, là mức đột biến chưa từng có trong hơn 2 tháng qua. VCB hứng chịu khối lượng xả hàng khá dữ dội, thanh khoản đạt mức cao nhất trong 19 phiên. Xu thế tích lũy đi ngang của VCB hoàn toàn bị bẽ gãy chỉ trong một biến động hôm nay.

GAS cũng là một bất ngờ khác, hôm qua vừa là người hùng với mức tăng 1,6%, đẩy VN-Index tăng rất tốt. Hôm nay GAS lại giảm 1,54%, xóa sạch thành quả chỉ sau một đêm. Nhà đầu tư nước ngoài có bán ra ở GAS nhưng không lớn, không phải là nguyên nhân chính. GAS cũng chưa có biến động đột biến nào về giá để có thể thúc đẩy hoạt động chốt lời nhanh như vậy. Suốt 22 phiên trở lại đây GAS chưa lúc nào vượt được mức giá 65.000 đồng.

Tại HAG, nhà đầu tư nước ngoài bán ra khá mạnh, nhưng cũng chỉ chiếm chưa tới một phần ba khối lượng lượng giao dịch của cổ phiếu này. HAG gặp vận đen kể từ sau khi vướng vào báo cáo môi trường của tổ chức nước ngoài, liên tục trồi sụt thất thường. Hôm nay giá giảm 1,38%, HAG nằm trong số những blue-chips mất giá mạnh nhất thị trường.

Ngoài 3 cổ phiếu nói trên, những mã giảm giá khác có thể kể tới là SSI, PET, HPG, EIB, DPM… nhưng mức độ đều nhẹ.

5 CP được mua ròng lớn nhất
Cổ phiếu đầu cơ thanh khoản lớn: Xả hay đẩy?
KL mua ròng

HNX-Index của sàn Hà Nội đóng cửa phiên cũng giảm 0,06%, mức độ gần như không đáng kể. Cũng giống như ở HSX, vấn đề chính của HNX là vốn hóa. SHB giảm 1,39% trong khi ACB tuy tăng 0,64% nhưng chỉ với đúng một giao dịch. PVS tăng 1,11% cân bằng gần hết với mức giảm ở PVL, PVG, PVC, SD6, KLS.

Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chứng kiến thanh khoản ở mức độ lớn. Hai sàn giao dịch khớp lệnh đạt gần 1.397 tỷ đồng, xấp xỉ phiên cuối tuần trước. Lo ngại chính là dòng tiền bị kẹt lại khá lớn ở các cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu xả hàng hôm nay. Trong khi đó phần lớn thị trường vẫn cân bằng, nhất là ở các cổ phiếu blue-chips, mức điều chỉnh có phần nhẹ sau một phiên đột biến thanh khoản vừa xảy ra.

Cổ phiếu đầu cơ thanh khoản lớn: Xả hay đẩy?
HNX

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Cổ phiếu đầu cơ thanh khoản lớn: Xả hay đẩy?
HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam