VN-Index có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp

18:44 | 01/11/2013 Print
Phiên giao dịch cuối tuần đã không thể có đột biến phục hồi khi vào những phút cuối cùng, vài mã lớn đột nhiên đóng cửa ở mức giá "đỏ". VN-Index sụt giảm rất nhẹ nhưng vẫn nới rộng mức giảm điểm của cả tuần này lên 3,67 điểm. Đây là tuần thứ hai liên tục chỉ số sụt giảm và thanh khoản ở mức rất thấp.

chung khoan 1.11

Nhà đầu tư nước ngoài đang giảm dần cường độ mua vào trong những phiên cuối tuần, khiến thị trường thiếu đi lực đỡ đáng kể.

“Đỏ vỏ xanh lòng”

VN-Index đóng cửa ở mức 497,08 điểm, chỉ giảm 0,33 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,07%. Mức giảm này hầu như không đáng kể, nhưng vẫn là giảm. Điểm số không thực sự phản ánh hết diễn biến giao dịch của phiên hôm nay. Yếu tố vốn hóa đã làm nhiễu đi những biến động tích cực của các cổ phiếu khác.

Số lượng cổ phiếu tăng giá trên HSX áp đảo số giảm, ngay cả ở những blue-chips cũng vậy. Cho đến thời điểm áp sát đợt khớp đóng cửa, VN-Index vẫn còn đang tăng 1,04 điểm. Tình thế bị đảo ngược khi VCB giảm 0,34%, VIC giảm 0,74%, GAS đang từ tăng 0,78% giật lùi về tham chiếu. VNM cũng không giữ được mức tăng 0,71%. BVH sụt bất ngờ 1,01%, DPM giảm 0,24%.

Hiện tượng điểm số giảm do ảnh hưởng của số ít cổ phiếu vốn hóa lớn được giới đầu tư gọi là “đỏ vỏ xanh lòng”. Thực tế giao dịch ở đa số cổ phiếu là cân bằng, thậm chí khá tích cực ở nhiều mã. Cổ phiếu phân hóa mạnh về giá một cách rộng khắp, cả ở blue-chips lẫn những cổ phiếu thị giá thấp.

Trong rổ HSX30, nhiều mã tỏ ra mạnh mẽ như CII tăng 2,3%, FPT tăng 0,44%, GMD tăng 1,03%, OGC tăng 2,91%, PET tăng 0,47%, REE tăng 0,38%. Số cổ phiếu tăng giá và đứng giá chiếm áp đảo trong rổ này nhưng đáng tiếc là VNM, SSI, MSN, HPG, HSG không tăng giá nên điểm số bị lấy đi nhiều hơn từ phía các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm.

Sàn Hà Nội về mặt điểm số tích cực hơn nhiều so với HSX. HNX-Index tăng 0,71% do ACB tăng 0,64%. Tác động của ACB là lớn nhất ở sàn này và chỉ cần mã này tăng giá cũng đủ kéo lại số lớn các mã khác giảm. Mặt khác, HNX hôm nay giao dịch cũng khá tích cực, số tăng tăng giá áp đảo số giảm trên toàn sàn.

Cổ phiếu nhỏ vẫn giao dịch tốt

Một số lớn các cổ phiếu thị giá thấp phiên cuối tuần bật tăng trở lại mạnh mẽ hơn. Có thể tâm lý chán nản ở nhóm blue-chips quá trì trệ đã khiến sự chú ý được hướng trở lại các mã nhỏ. Mặc dù về xu hướng, từ hai tuần nay, hầu hết các cổ phiếu thị giá thấp đã điều chỉnh khá mạnh và mất đi động lực kịch trần liên tục trước đó và đã tạo một đỉnh ngắn hạn, tuy nhiên các cổ phiếu này vẫn đang lừng khừng ở mức hỗ trợ và chưa tụt giảm sâu hơn, thậm chí phục hồi nhẹ trở lại.

Hai sàn hôm nay xuất hiện nhiều cổ phiếu kịch trần. Tiêu biểu trên sàn Hà Nội là SD7, SDP, ITQ. Trên sàn HSX là SHI, VIS, LHG, BSI, VNH. Nhiều mã trong số này là các mã hoàn toàn mới, như ITQ, VIS, BSI. ITQ chẳng hạn, dao động rất nhẹ suốt từ đầu tháng 10, đột nhiên hôm nay bất tăng kịch trần với hàng triệu cổ phiếu đặt mua nhờ thông tin hỗ trợ.

ITQ báo lãi 9 tháng chỉ có 2,5 tỷ đồng và lợi nhuận quý 3 chỉ là 682 triệu đồng. Các con số này vốn không đủ hấp dẫn, nhưng ITQ lại có kế hoạch tăng vốn bằng cách bán 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ 2 triệu cổ phiếu. Giá phát hành rất bất ngờ, là mức 10.000 đồng trong khi giá trên sàn chỉ có 4.900 đồng. Cổ đông chiến lược chấp nhận mua cao hơn 50% so với giá thị trường là điều rất bất ngờ.

Tiếp diễn với xu thế đã rõ ràng từ những phiên đầu tuần, đa số cổ phiếu dẫn dắt của nhóm đầu cơ thị giá thấp vẫn đang điều chỉnh hoặc hết đà tăng như PVT, KMR, ITA, FIT, KLF. Những mã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh như ITD, VNE, GLT, SDH. Những mã tăng nóng hôm nay hoàn toàn là lớp cổ phiếu khác. Ngay trong số các mã đầu cơ nhỏ cũng có sự phân hóa rất mạnh.

Đợt mua ròng của khối ngoại sắp kết thúc?

Một bất ngờ khá lớn trong phiên này, là nhà đầu tư nước ngoài giảm giao dịch rất mạnh. Thiếu vắng nguồn lực này là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản ở ngưỡng thấp mà không được cải thiện. Trên HSX, khối ngoại chỉ mua vào 1,54 triệu cổ phiếu, tương đương 37,5 tỷ đồng và bán ra trên 1 triệu cổ phiếu, tương đương 27 tỷ đồng. Giá trị mua vào hôm nay là thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây. HNX cũng chỉ được mua vào 7,84 tỷ đồng.

Lần đầu tiên trong nhiều tuần, rổ cổ phiếu lớn của HSX xuất hiện các giao dịch bán ròng mạnh ở nhiều mã. BVH, EIB, PVD, SBT, STB, VIC bị xả khá nhiều. Điều này khiến giá trị mua ròng ở sàn này chỉ là 10,5 tỷ đồng. Hai phiên cuối tuần quy mô mua đã giảm nghiêm trọng ở HSX.

Phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục có giá trị khớp lệnh giảm gần 4% so với phiên trước, đạt 643,3 tỷ đồng. Nếu tính theo đơn vị tuần, tuần này có mức giao dịch kém nhất kể từ tuần đầu tháng 9 vừa qua. Cả tuần chỉ có gần 3.700 tỷ đồng giao dịch giảm tới 43% so với tuần trước. Mức suy giảm ngày càng rõ hơn về cuối tuần, dù điểm số biến động không nhiều.

HSX

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

512,9 tỷ đồng (-2%)

38,5 triệu đơn vị (+0%)

130,4 tỷ đồng (-10%)

17 triệu đơn vị (+12%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

REE (41,9) – (8,2%)

VCG (14) – (10,7%)

FCN (22,8) – (4,4%)

KLF (11,8) – (9,1%)

PPC (21) – (4%)

FIT (10,4) – (7,9%)

OGC (20) – (3,9%)

SCR (10,1) – (7,7%)

GAS (19,4) – (3,8%)

PVS (7,4) – (5,6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam