Cổ phiếu trụ mất giá, VN-Index đổ gục cuối phiên

16:26 | 31/10/2013 Print
Trái ngược với sự mong đợi của nhiều nhà đầu tư, thông tin tích cực từ thông tin giữ nguyên gói kích thích kinh tế của Mỹ đêm qua đã không tác động nhiều lên thị trường. Dòng tiền vẫn lẩn trốn mặc dù cổ phiếu giảm giá khá nhiều.

chung khoan 31.10

Nhà đầu tư trong nước tiếp tục hạn chế giao dịch, thể hiện sự thiếu tin tưởng nhất định đối với thị trường thời điểm hiện tại.

Phản ứng không mong đợi

Không riêng gì thị trường chứng khoán trong nước, đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ cũng có một phiên giảm điểm bất chấp thông tin giữ nguyên gói kích cầu của Fed được xem là tích cực. Thị trường Việt Nam có một phiên giao dịch lặng lẽ ít biến động với thanh khoản tiếp tục suy giảm nhẹ.

Gói kích thích kinh tế được xem là động lực quan trọng đối với các thị trường mới nổi, khi dòng tiền giá rẻ của Mỹ được nhà đầu tư huy động dễ dàng để đổ vào những thị trường ngoại biên có tiềm năng tăng trưởng. Khi những thông tin về khả năng thu hẹp gói kích thích kinh tế xuất hiện, các thị trường mới nổi đã suy yếu trước lo ngại dòng vốn này sẽ rút bớt về. Việc các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam liên tục huy động được vốn mới cũng nằm trong xu hướng này.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi phiên mua ròng ổn định, nhưng nhà đầu tư trong nước lại tiết giảm hoạt động giao dịch đáng kể. Trên HSX, khối ngoại đã giảm cường độ mua với giá trị khoảng 81,4%, giảm 21% so với hôm qua nhưng vẫn là mua ròng.

Trong hiệu ứng thanh khoản thấp, việc dòng vốn nước ngoài vẫn duy trì cường độ mua đã tạo điều kiện cho một số cổ phiếu tăng giá. DPM là ví dụ điển hình. Cổ phiếu này được mua gần như rải đều suốt cả phiên giao dịch với khối lượng 277.900 đơn vị, chiếm hơn 65% lượng giao dịch. DPM tăng giá khá tốt trong buổi chiều dù xu thế chung của thị trường là giảm điểm. Đóng cửa DPM tăng 0,72%, nằm trong số ít cổ phiếu blue-chips tăng giá hôm nay.

VCB cũng được mua xấp xỉ 88% lượng giao dịch trong phiên này. Khối ngoại giao dịch tích cực đã giúp VCB tăng giá trong phần lớn thời gian. VCB là cổ phiếu có vốn hóa tương đối lớn. Việc tăng giá 0,34% đã ảnh hưởng phần nào lên VN-Index. VIC cũng là mã có giao dịch mua lớn của nhà đầu tư nước ngoài với 110.740/132.420 cổ phiếu được giao dịch. VIC tăng giá 0,75% lúc đóng cửa. HPG được mua khoảng 46% lượng giao dịch, giá tăng 1,64%.

Ngoài những cổ phiếu trên, sàn HSX chứng kiến HAG, MSN, NTL cũng được mua tương đối lớn nhưng giá không tích cực. Các mã này chỉ đứng ở mức tham chiếu. Tính chung HSX được mua ròng khoảng 8,5 tỷ đồng do có bán ròng lớn tại PVD, BVH, ITA. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh chịu áp lực giảm giá với PVD -3,05%, BVH -1,24%, ITA đứng tham chiếu.

Nhà đầu tư hạn chế giao dịch đồng thời khối ngoại cũng giảm cường độ mua khiến thanh khoản thị trường hôm nay không được cải thiện. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm nhẹ 1% so với hôm qua, đạt 668,1 tỷ đồng.

Trên HNX, giao dịch mua của khối ngoại tập trung tại SHB và PVS. Tuy nhiên các cổ phiếu này thanh khoản lớn hơn nhiều so với lượng mua của khối ngoại nên ảnh hưởng đến giá là không đáng kể. SHB đứng tham chiếu suốt cả phiên giao dịch còn PVS chỉ tăng nhẹ 0,6% đúng lúc đóng cửa. Sàn HNX cũng được mua ròng khoảng 8,4 tỷ đồng phiên này.

Trong số các cổ phiếu lớn có tác động mạnh đến VN-Index, mặc dù VCB, VIC, DPM có tăng nhẹ, nhưng GAS lại giảm 0,78%, VNM giảm 0,71%, BVH giảm 1,24%. Chỉ số này đóng cửa phiên giảm 0,33% ở mức thấp nhất trong ngày. Nỗ lực duy trì thế cân bằng ở nhóm cổ phiếu lớn trong cả phiên đã bị phá vỡ lúc đóng cửa.

HNX-Index tăng nhẹ 0,1% nhờ PVS, PGS còn tăng giá. Với mức giảm cuối phiên, VN-Index ngày càng xa mốc 500 điểm, chỉ còn 497,41 điểm.

Cổ phiếu nhỏ vẫn sôi động

Hiện tượng chốt lời mặc dù vẫn diễn ra ở nhiều cổ phiếu đầu cơ nhỏ, nhưng thay vì nằm im, một phần dòng tiền có lời đã quay lại cổ phiếu khác. Điều này góp phần khiến xu hướng tăng giá ở nhóm đầu cơ thị giá thấp được kéo dài hơn. Nhưng điểm đáng chú ý là thanh khoản đã suy giảm rất mạnh, hầu hết các mã còn đang tăng chỉ có quy mô giao dịch nhỏ. Nhà đầu cơ khôn ngoan cũng không dốc hết vốn vào các giao dịch mạo hiểm mới sau khi đã thu lời đáng kể.

Các cổ phiếu đình đám trước đây như PVT, KMR, ITA, KBC, FIT, KLF vẫn đang trong xu thế giảm hoặc yếu dần đi. Ngược lại, một số mã còn tăng mạnh như ITD, TNT, VNE, GLT, SDH… đang chững lại rõ rệt. Giá trị giao dịch của các cổ phiếu này cũng không lớn, chưa đủ thanh khoản để hấp dẫn các dòng vốn đầu cơ lớn tham gia.

Mặc dù ảnh hưởng của điểm số đối với các cổ phiếu thị giá thấp là không lớn do khả năng đầu cơ tương đối dễ dàng ngay cả với dòng tiền nhỏ, nhưng thị trường chung vẫn bị chi phối về tâm lý. Khi hầu hết các cổ phiếu lớn đều suy yếu, thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư có khuynh hướng ngại rủi ro hơn và ít giao dịch. Thanh khoản suy giảm trong thời kỳ này phản ánh sự lo ngại và thận trọng. Thị trường lại thiếu vắng những đột phá về thông tin hỗ trợ nên khả năng phục hồi rõ nét khó xảy ra.

HSX

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

523,4 tỷ đồng (+6%)

38,6 triệu đơn vị (+11%)

144,7 tỷ đồng (-20%)

15,1 triệu đơn vị (-26%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

REE (34,5) – (6,6%)

FIT (21,5) – (14,8%)

HPG (20,9) – (4%)

PGS (19,9) – (13,7%)

FCN (20) – (3,8%)

PVS (13,7) – (9,5%)

DIG (18,1) – (3,5%)

KLF (10,3) – (7,1%)

DPM (17,8) – (3,4%)

SHB (8,1) – (5,6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam