Chứng khoán 29.10: VN-Index ngược dòng tạo bất ngờ phút chót

16:34 | 29/10/2013 Print
Sau phiên sụt giảm xuống dưới mức 500 điểm của VN-Index hôm qua, gần như cả phiên giao dịch hôm nay thị trường không có một tia hi vọng khởi sắc nào. Giá cổ phiếu lẫn các chỉ số giảm càng lúc càng mạnh, nhưng bất ngờ lớn đã diễn ra từ sau 14h: Lực cầu bắt đáy ở các mã lớn tăng lên, đẩy VN-Index tăng điểm.

phien 29.10

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục kéo dài chuỗi phiên mua ròng liên tục ở hai sàn, với lượng mua ròng lên gần 1.400 tỷ đồng.

Blue-chips ngược dòng

Phiên giao dịch hôm nay khá ảm đạm và bi quan. Cho mãi đến tận lúc 14h, tức hơn 3/4 phiên giao dịch, điểm số ngày một lùi sâu. VN-Index lúc kém nhất giảm xuống tận 494 điểm, mức thấp nhất trong 11 phiên. Thị trường tuy không có các đợt bán ra hoảng loạn nhưng áp lực tâm lý là rất nặng. Màu đỏ giảm giá phủ kín bảng điện tử, đặc biệt trong số các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu.

Rổ HSX30 lúc này chỉ còn duy nhất CII, DPM và GMD tăng giá rất nhẹ. GAS giảm 0,78%, VNM giảm 1,42%, MSN giảm 1,24%, VCB giảm 0,68%, HAG giảm 1,23%, HPG giảm 0,82%...

Sự hiệp đồng giảm giá ở các cổ phiếu lớn đã đẩy VN-Index xuống mức rất thấp. Đây có lẽ là hiệu ứng tâm lý sau một thời gian dài trong phiên, các cổ phiếu giao dịch ảm đạm và thanh khoản sụt giảm. Suốt từ đầu phiên sáng đến tận 14h, giá cổ phiếu lớn và các chỉ số cứ lịm dần. Nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận bán rẻ hơn để thoát ra.

Lực cầu bắt đáy giao dịch có phần thận trọng hôm nay, không tỏ ra ham hố mua vào. Tuy nhiên trên thị trường vẫn tồn tại một lực lượng bắt đáy. Đúng thời điểm thị trường yếu nhất, lực cầu này lại gia tăng mạnh, tạo hiệu ứng phục hồi rất tốt, có sức lan tỏa mạnh.

Chỉ trong vòng 30 phút, VN-Index và các chỉ số khác đã sự sự phục hồi ngoạn mục: Điểm số từ 494 điểm tăng lên 497,74 điểm, tức là từ chỗ giảm 0,5% so với tham chiếu, chuyển thành tăng 0,26% trên tham chiếu.

Để tạo được hiệu quả phục hồi lớn như vậy, lực đẩy chỉ có thể tập trung ở những cổ phiếu lớn. Nếu nhìn từ điểm số, một vài mã đã phục hồi tốt: VNM, GAS, VIC quay lại tham chiếu trong khi VCB tăng từ 29.300 đồng lên 29.600 đồng; MSN từ 79.500 đồng tăng lên 81.000 đồng; HAG từ 22.300 đồng lên 22.600 đồng; HPG từ 36.200 đồng tăng tới 36.500 đồng…

Tăng đặc biệt mạnh là BVH, từ 39.600 đồng lên 40.500 đồng chỉ trong vòng 30 phút. Cổ phiếu này vọt lên trên tham chiếu tới 1,77%, nằm trong số tăng mạnh nhất ở các cổ phiếu lớn của HSX. GMD cũng bùng nổ từ 29.200 đồng lên 29.700 đồng, tăng 2,06% so với tham chiếu. PET thậm chí còn tăng từ 20.900 đồng lên 21.400 đồng, đóng cửa cũng tăng 1,42% so với tham chiếu.

Từ chỗ chỉ có 3 mã tăng giá là CII, DPM và GMD, rổ HSX30 lại chuyển thành thế tăng giá áp đảo. Dù vậy cũng phải thừa nhận rằng thiếu vắng GAS, VNM, VIC là thiệt thòi lớn cho VN-Index. Chỉ số này chỉ tăng trên tham chiếu được 0,12%, một mức phục hồi khá nhẹ.

Trên HNX cũng có đà phục hồi khá tốt nhưng lại không đồng đều. Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất lại là những mã có vốn hóa không lớn trong rổ HNX30. AAA tăng từ 15.500 đồng lên 15.800 đồng; PGS tăng từ 25.300 đồng lên 25.700 đồng; SCR tăng từ 5.500 đồng tới 5.800 đồng. Các cổ phiếu này không tạo được sức đẩy khác biệt. Riêng ACB đúng trong phút đóng cửa tăng 0,65%. HNX-Index do vậy cũng chỉ tăng trên tham chiếu 0,15%.

Khối ngoại gom nhiệt tình

Phiên giao dịch hôm nay đánh dấu phiên mua ròng thứ 24 liên tục của nhà đầu tư nước ngoài qua khớp lệnh tại sàn HSX. Trên sàn Hà Nội, giao dịch khớp lệnh của khối ngoại cũng bước sang phiên thứ 14. Các giao dịch mua tranh thủ được trong những thời điểm điều chỉnh với mức giá tốt.

Các giao dịch mua chính vẫn hướng tới nhóm blue-chips quen thuộc như BVH, CTG, DPM, GMD, HPG, PPC, PVD, SBT, VCB và vài mã khác như NTL, PHR. Taịh sàn Hà Nội, vẫn chỉ có SHB chiếm phần lớn khối lượng và giá trị mua vào của khối này.

Chuỗi phiên mua ròng kéo dài hiếm thấy của nhà đầu tư nước ngoài được lý giải bằng hoạt động huy động quỹ thành công ở nước ngoài. Riêng trong tuần trước, quỹ Market Vectors Vietnam huy động thêm được 8,6 triệu USD. Đây cũng là tuần thứ 7 liên tục quỹ được rót vốn vào ròng. Tính chung từ đầu tháng 10 đến nay, quỹ đã huy động được trên 13 triệu USD, một con số khá lớn.

Tại thị trường Việt Nam, riêng ở HSX, các giao dịch khớp lệnh đã được khối ngoại mua ròng trong 24 phiên vừa qua là 1.166 tỷ đồng. Tại HNX, tính từ đầu tháng 10 đến nay, quy mô mua ròng cũng lên tới 122,4 tỷ đồng.

Việc các quỹ huy động được vốn trong thời điểm hiện tại cho thấy vẫn có những đánh giá lạc quan về trung hạn đối với thị trường Việt Nam. Chuỗi phiên mua ròng liên tục kéo dài này là điểm sáng quan trọng, khi nhà đầu tư nhiều thời điểm đã tỏ ra bi quan trước áp lực chốt lời ngắn hạn.

HSX

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

629,5 tỷ đồng (-10%)

48,8 triệu đơn vị (-20%)

156,1 tỷ đồng (-29%)

18,8 triệu đơn vị (-34%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

VNM (38,3) – (6,1%)

KLF (18,3) – (11,7%)

HAG (33,9) – (5,4%)

FIT (15,2) – (9,7%)

ITA (32,9) – (5,2%)

VCG (12,1) – (7,8%)

GAS (24,9) – (4%)

SCR (10,6) – (6,8%)

PPC (23,5) – (3,7%)

SHB (10) – (6,4%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam