Dòng tiền vẫn sôi động chảy vào cổ phiếu nhỏ

16:55 | 26/09/2013 Print
Thị trường hôm nay có một phiên điều chỉnh nhẹ nhàng, thậm chí cả những cổ phiếu nhỏ tăng nóng hôm qua cũng đã chững lại khi khối lượng chốt lời gia tăng. Thanh khoản ở cả hai sàn đều suy yếu, nhưng tỉ trọng dòng tiền vẫn cho thấy dấu hiệu chảy vào các cổ phiếu nhỏ.

chung khoan 26.9

Mặc dù các cổ phiếu nhỏ vẫn đang bị chốt lời mạnh nhưng vẫn hút được dòng tiền đầu cơ tham gia giao dịch.

Index lên xuống, xem “hàng khủng”

Các chỉ số ở hai sàn cho trong phiên cũng như lúc đóng cửa xanh đỏ đan xen chủ yếu do biến động giá ở những cổ phiếu lớn. Thị trường giao dịch như thể tách biệt giữa hai nhóm cổ phiếu: Nhóm blue-chips vốn hóa lớn điều hành Index, trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ giao dịch theo một chiều hướng riêng biệt và khá mạnh.

Cuối phiên sáng nay, VN-Index có một đợt sụt giảm khá mạnh. Tác động lớn nhất đến từ bộ ba GAS, VCB và BVH. VN-Index lúc giảm mạnh nhất rơi về 482,61 điểm, tương đương giảm 0,74% so với tham chiếu. GAS ảnh hưởng lớn nhất, giảm 1,49%. Tiếp đến là VCB, lao dốc tới gần 2%. BVH cũng giảm 1,1%. Mặc dù HSX giao dịch không quá xấu với khá nhiều mã còn lại tăng giá, nhưng sức ảnh hưởng của vốn hóa không thể bù đắp lại được những blue-chips lớn nhất mất giá.

Đến buổi chiều, VN-Index lại có hành trình phục hồi rất tốt lên trên tham chiếu. Vẫn là những cổ phiếu lớn chi phối hoàn toàn các dao động này. BVH từ mức giảm 1,1% cuối phiên sáng đã quay trở lại được tham chiếu và chỉ lùi nhẹ 0,27% lúc đóng cửa. VCB có mức phục hồi ngoạn mục, từ 25.100 đồng lên 25.800 đồng, tức là còn tăng trở lại trên tham chiếu.

GAS tuy không thể tăng trở lại được nhưng VIC bất ngờ bật tăng 0,81%. DPM cũng đang từ mức giảm 0,7% quan về tham chiếu. Khá nhiều cổ phiếu trong rổ HSX30 cũng xuất hiện dao động mạnh tương tự và mức phục hồi khá tốt. VN-Index đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0,23%.

Các blue-chips biến động mạnh hôm nay có thể xuất phát từ nguyên nhân nhà đầu tư cơ cấu tạm thời danh mục sang các mã vốn hóa nhỏ hơn, có khả năng tăng giá tốt hơn. Blue-chips gây thất vọng với khả năng tăng giá kém xa các mã penny. Trong khi nhiều mã giảm thì cả hai sàn vẫn ghi nhận hàng trăm cổ phiếu nhỏ hơn tăng giá tốt ở cả hai sàn.

Giá trị giao dịch tổng thể của thị trường hôm nay có giảm, nhưng thanh khoản của các rổ cổ phiếu lớn giảm mạnh hơn mặt bằng chung. HSX30 đạt giá trị giao dịch chỉ 375,4 tỷ đồng, giảm tới 34% so với phiên trước. Rổ HNX30 thậm chí giảm tới 52% về giá trị, chỉ đạt 96,3 tỷ đồng.

Hiện tượng sụt giảm thanh khoản không hẳn là dấu hiệu dòng tiền thoát khỏi các blue-chips vì biến động của Index đều thể hiện sự phục hồi tốt về giá. Hoạt động cơ cấu danh mục bằng cách bán bớt những cổ phiếu lớn khá “trì trệ” trong danh mục để tìm kiếm các cổ phiếu có sức mạnh đầu cơ tốt hơn là chưa đủ mạnh để tạo nên một xu thế giảm trong rổ blue-chips.

Hào hứng với hàng đầu cơ

Cùng với việc bán ra nhẹ ở các cổ phiếu lớn, dòng tiền tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến các cổ phiếu nhỏ. Mức độ đầu cơ ở nhóm penny hôm nay không sôi động bằng phiên trước do dấu hiệu chốt lời đang mạnh. Mặc dù vậy nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua vào khiến thanh khoản được duy trì ở mức cao và giá cũng không điều chỉnh lớn.

Cổ phiếu PVT sau phiên chốt lời mạnh hôm qua khiến giá giảm 4,6%, hôm nay đã lại được nhà đầu cơ vào sau đẩy tăng ngược trở lại 2,4%. Đứng về mặt thanh khoản, PVT có giảm gần 26% so với hai phiên trước nhưng với việc giá đang đứng ở đỉnh cao trong hơn 2 năm qua mà nhà đầu tư vẫn chấp nhận mua vào thể hiện khả năng chấp nhận rủi ro rất cao.

PVT đã trải qua một đợt tăng khá dài và lượng hàng tích lũy lợi nhuận lớn nên người mua khó có thể đẩy giá lên quá mạnh. Ngược lại, dòng vốn đầu cơ bắt đầu chuyển sang giao dịch mạnh ở những cổ phiếu mới tăng.

VNE nằm trong số những mã kịch trần ở HSX với thanh khoản tương đối lớn. Hôm qua VNE cũng đã bị bán mạnh dù mới trải qua phiên tăng nóng đầu tiên. Hôm nay các đợt bán ra tiếp tục đe dọa giá, nhưng dòng tiền vào mua cũng rất tốt.

Các cổ phiếu đầu cơ nổi bật khác như KBC, NTL cũng bước sang phiên tăng mạnh thứ 2 và khối lượng vẫn rất cao. Hai cổ phiếu này cũng mới xuất phát tham gia cuộc đua tăng giá ở nhóm thị giá thấp và trong con mắt của những nhà đầu cơ chậm chân, mức rủi ro có vẻ thấp hơn những mã đã tăng dài hơn khác.

Phần còn lại trong nhóm tăng giá mạnh, kể cả kịch trần của HSX hầu hết có thanh khoản yếu. PTL, CLG, HDG, KSA, CMT, TNT, VHG, VMD, PXM… có thể được đẩy lên kịch trần chỉ với vài trăm triệu đồng. Mức thanh khoản này chỉ đủ cho những nhà đầu cơ nhỏ giao dịch, còn dòng tiền đầu cơ thực sự khó có thể tìm cơ hội tại đây.

Sàn Hà Nội cũng có vài chục cổ phiếu tăng trên 5% trong phiên này, bất chấp HNX-Index chỉ tăng 0,1% và chỉ số của rổ HNX30 thậm chí còn giảm 0,04%. Bất cập về thanh khoản bộc lộ rõ hơn ở sàn này và số ít nhà đầu cơ nhỏ tranh thủ kiếm tiền. Những cổ phiếu thị giá chỉ 2.000-3.000 đồng (cổ phiếu nhỏ) giao dịch kịch trần với khối lượng vài trăm tới vài ngàn đơn vị không thể là dấu hiệu của dòng vốn đầu cơ thực sự.

Dòng tiền vẫn sôi động chảy vào cổ phiếu nhỏ
Giá trị khớp lệnh

Trên HNX chỉ một vài mã thu hút được dòng tiền khá như IDJ, ITQ, TTZ. Các mã như AAA, PVX tuy cũng có tăng từ 2% đến trên 3% và thanh khoản cao, nhưng lực mua vào vẫn chưa đủ để tạo đột biến về giá.

Nếu so sánh giữa hai nhóm cổ phiếu trong phiên hôm nay thì rõ ràng các cổ phiếu nhỏ đã có sự sôi động hơn hẳn. Do dòng tiền đổ vào đây lớn trong khi thanh khoản hạn chế, nên giá có thể biến động theo hướng riêng. Thị trường nhìn vào chỉ số có thể suy giảm, nhưng các mã cá biệt có tính đầu cơ cao vẫn biến động theo cung cầu riêng. Đó là sức hấp dẫn của dòng vốn đầu cơ trong thời điểm hiện tại.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

GAS (142,1) – (18,8%)

FIT (22,4) – (14,2%)

PPC (47,9) – (6,3%)

PGS (15,1) – (9,5%)

REE (45,5) – (6%)

KLF (13,4) – (8,5%)

HPG (39,1) – (5,2%)

VCG (12,9) – (8,2%)

DPM (24) – (3,2%)

SHB (11,6) – (7,3%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam