Phiên giao dịch 19/9: Cuộc chiến nội – ngoại

16:55 | 19/09/2013 Print
Chỉ còn vài phiên nữa là hoạt động giao dịch cơ cấu danh mục của các quỹ ETF sẽ kết thúc. Quá khứ cho thấy khối lượng mua bán của nhà đầu tư thường dồn vào những ngày cuối. Nhà đầu tư trong nước đã tăng cường giao dịch cả hai chiều mua vào, bán ra đối nghịch với khối ngoại.

chungkhoan19.9

Xu hướng giao dịch chính của nhà đầu tư trong nước hôm nay vẫn là chốt lời ngắn hạn.

Xả hàng “nóng” – mua hàng “nguội”

Phiên giao dịch sáng nay đón nhận một thông tin có thể xem là tích cực: Phiên họp hôm qua (giờ Mỹ), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ tuyên bố giữ nguyên gói QE3 bằng các hoạt động mua vào tín phiếu. Đây là điều bất ngờ đối với giới đầu tư toàn cầu vì hầu hết các phân tích trước đó đều cho rằng khả năng rất cao là FED sẽ thu hẹp gói kích thích kinh tế này.

Phản ứng với thông tin ngoài dự đoán, thị trường chứng khoán toàn cầu đêm qua và sáng nay đều tăng điểm mạnh. Giá vàng cũng tăng vọt. Việc chậm rút lại gói QE3 của FED được diễn giải rằng dòng vốn giá rẻ sẽ chưa bị thu hẹp lại. Cách đây vài tuần, đã có những báo cáo đáng lo ngại về dòng vốn rẻ này ở các thị trường mới nổi sẽ bị thu hẹp lại do các quỹ phải rút vốn. Quyết định bất ngờ đêm qua đã cởi bỏ lo ngại đó.

Tại thị trường Việt Nam, cũng có một vài ảnh hưởng trực tiếp, mà cụ thể là quỹ ETF VNM tiếp tục huy động được vốn mới, do đó phải tăng mua trên thị trường. Mặt khác, thời hạn cơ cấu danh mục của các quỹ ETF cũng sắp hết trong khi lượng cổ phiếu cần mua còn nhiều. Nhà đầu tư đã có những phản ứng tích cực: Người cầm tiền chấp nhận mua vào giá cao hơn và người cầm cổ chưa muốn bán ra mạnh ở giá thấp.

Nếu như phiên giao dịch hôm qua cho thấy chiến thuật mua thay đổi ở nhà đầu tư nước ngoài, thì hôm nay, đến lượt nhà đầu tư trong nước “biến chiêu”. Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra mạnh đã xuất hiện dòng tiền lớn của nhà đầu tư trong nước mua vào. Ngược lại, các cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh đẩy giá lên lại được nhà đầu tư trong nước chốt lời.

Ở phía các mã được nhà đầu tư nước ngoài mua, nhà đầu tư trong nước chớp cơ hội chốt lời giá tốt cho các giao dịch ngắn hạn. Hôm qua, nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận bán rẻ khi lực cầu của khối ngoại giảm đi. Hôm nay cầu ngoại tăng lên và một lượng lớn cổ phiếu về đến tài khoản tưởng như sẽ lỗ hoặc giảm lãi, đột nhiên vẫn có giá tốt.

Không có bên nào thực sự thắng trong cuộc chiến nội – ngoại hôm nay. Cả hai phía mua và bán đều có thể hài lòng. BVH là một ví dụ điển hình. Cổ phiếu này bất ngờ được khối ngoại mua vào tới 479.360 cổ phiếu và trong sáng nay, đẩy giá tăng tới 5,44% so với tham chiếu.

BVH không phải là cổ phiếu bị đầu cơ theo sóng ETF hồi đầu tuần, nhưng không vì thế áp lực bán ra giảm. Tính về giá, kể từ đầu tháng 9 đến nay rất ít nhà đầu tư nắm giữ BVH có lãi. Hôm nay BVH tăng vọt lập tức nhà đầu tư trong nước bán ra cực mạnh. Khối này là nguồn bán chính trong phiên với tổng giao dịch tới trên 1,16 triệu đơn vị.

Không thể phủ nhận BVH nhận được lực mua rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng áp lực bán của nhà đầu tư trong nước còn lớn hơn. BVH giảm giá khá mạnh trong phiên, từ 36.800 đồng lúc tốt nhất về 35.800 đồng lúc đóng cửa. Mặc dù giá vẫn tăng so với tham chiếu 2,58%, nhưng rõ ràng nhu cầu thoát ra khỏi BVH đã thắng thế.

Phía ngược lại, PPC có thể coi là tiêu biểu cho lực đánh lên của nhà đầu tư trong nước, bất chấp khối ngoại xả ác liệt. Tổng xả của khối ngoại ở PPC phiên này lên tới 1,04 triệu đơn vị, nghĩa là gần một nửa lượng giao dịch của cổ phiếu này.

Tuy nhiên PPC đã có một phiên giao dịch mạnh mẽ, giá ngay từ lúc mở cửa đã tăng và suốt cả phiên không lúc nào trở về tham chiếu. Đóng cửa PPC vẫn tăng 2,69%, hoàn toàn do nhà đầu tư trong nước mua đỡ.

VCG cũng giống PPC, nhờ nguồn lực trong nước đã thoát khỏi cảnh giảm sàn. Một khoảng thời gian giữa phiên, VCG có giảm khoảng 5,41% so với tham chiếu. Khối ngoại bán ra tới 4,95 triệu VCG nhưng giá vẫn được đẩy tăng 2,7% so với tham chiếu về cuối phiên.

Khá nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh, giá chững lại hoặc suy yếu dần trong phiên như DPM, DRC, VCB, thậm chí là GAS. Xu thế chốt lời ngắn hạn vẫn là hoạt động chủ yếu của nhà đầu tư trong nước.

Phiên giao dịch 19/9: Cuộc chiến nội – ngoại
Giá trị khớp lệnh

Điều gì xảy ra khi khối ngoại dừng mua?

Không thể phủ nhận rằng thị trường tuần nay sôi động chủ yếu xuất phát từ hoạt động mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn hoạt động này thuộc về yêu cầu tái cơ cấu danh mục đầu tư định kỳ. Cổ phiếu bị giảm tỉ trọng hay loại khỏi rổ lập tức bị xả không thương tiếc từ mọi nguồn vốn trên thị trường. Ngược lại, các mã sẽ được mua vào nhiều tăng giá tốt.

Hoạt động giao dịch giữ nhiệt cho thị trường tuần này rồi sẽ phải đến lúc kết thúc. Thị trường sẽ bấu víu vào điều gì tới đây? Tính từ đầu tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào lượng cổ phiếu trị giá gần 462 tỷ đồng trên cả hai sàn không tính thỏa thuận. Đây là một con số không nhỏ.

Không chỉ trực tiếp tác động đến nguồn vốn hàng ngày trên thị trường, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài còn kéo theo các hoạt động đầu cơ ăn theo. Điều này đảm bảo cho thanh khoản được duy trì và thị trường có sức sống cũng như kỳ vọng nhất định.

Khi hoạt động tái cơ cấu kết thúc, vốn ngoại vẫn sẽ giao dịch nhưng ở mức bình thường và có thể không sối động bằng. Hoạt động đầu cơ cũng hạn chế hơn. Do đó, có khả năng thị trường sẽ quay lại vận động trong trạng thái vô hướng. Thực tế trước khi có “sóng cơ cấu danh mục”, thị trường vẫn chưa có điểm tựa vững chắc nào về vĩ mô. Các tác động ngắn hạn cũng không xuất hiện. Trước mắt kỳ vọng vào báo cáo tài chính quý 3 là chưa rõ ràng. Giao dcihj có thể trầm lắng trở lại.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

GAS (58,3) – (10,5%)

SHB (41,1) – (25,2%)

BVH (41,6) – (7,5%)

VCG (40,7) – (24,9%)

PPC (41) – (7,4%)

PVX (15) – (9,2%)

PVD(34,5) – (6,2%)

FIT (11,6) – (7,1%)

REE (32,4) – (5,8%)

SCR (6,5) – (4%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam