Thảm kịch ở PVF, VCG bao giờ chấm dứt?

16:57 | 17/09/2013 Print
Những con số tính toán về khối lượng cổ phiếu phải giao dịch của các quỹ nước ngoài nhằm cân đối danh mục đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Đa số các khuyến nghị của công ty chứng khoán đều là thận trọng với chiến lược đầu cơ theo giao dịch của khối ngoại.

chungkhoan17.9

Nhà đầu tư trong nước bắt đầu khó đoán biết được hoạt động mua vào của khối ngoại ở các cổ phiếu để lợi dụng.

Giá nào phù hợp?

Những nhà đầu tư đang nắm giữ PVF và VCG rất có thể đã sốc trước con số được công bố về khả năng áp lực bán sẽ còn cực lớn trong thời gian dài nữa. Trong khi một số cổ phiếu mà khối ngoại phải bán ra như PPC, DPM đã phần nào hạ nhiệt, thì làn sóng tháo chạy ở PVF, VCG càng dâng lên mạnh mẽ.

Theo các tính toán của công ty chứng khoán, PVF sẽ bị bán ra chừng 14 triệu cổ phiếu đối với quỹ VNM và hơn 600.000 đơn vị với quỹ FTSE. Trên 14 triệu cổ phiếu là một con số khổng lồ, nếu nhìn vào mức thanh khoản bình quân tháng của PVF cho đến trước ngày 11/9 vừa qua khoảng 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Ngoài khối lượng mà hai quỹ ETF nói trên phải bán ra, PVF còn có một khối lượng không kiểm chứng được phải giải chấp. Đây mới là con số kinh hoàng vì các công ty chứng khoán sẵn sàng đua lệnh trước tiên để thoát khỏi “cục nợ” đang nóng bỏng, mọi giao dịch bán khác đều không thể đua được với đối tượng này.

Một điều rất bất lợi, là thị trường không phải lúc nào cũng tạo thanh khoản để có thể giao dịch được, chứ chưa nói có đủ cầu để giải phóng khối lượng hàng khổng lồ nói trên hay không. PVF đang mất thanh khoản, đơn giải vì khi nhìn thấy một lượng cổ phiếu lớn như vậy cần thoát ra, và một lượng lớn khác không biết quy mô bao nhiêu từ cầm cố, thì nhà đầu tư cầm tiền càng sợ hãi và không nhảy vào mua.

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay PVF tiếp tục bị đặt bán sàn và ATO gần 6 triệu cổ phiếu. Lúc đóng cửa, cũng khoảng 6,7 triệu cổ phiếu lại được đặt bán bất chấp giá. PVF cả phiên chỉ giao dịch 134.760 cổ phiếu, và thêm 100.000 giao dịch thỏa thuận. Lượng giao dịch thỏa thuận ở giá 4.900 đồng, mức trần có thể tạo bất ngờ, nhưng thực tế là một thủ thuật đảo tài khoản nhằm chống cháy cho tài khoản.

Hiện tượng đảo tài khoản bằng giao dịch thỏa thuận có thể sẽ còn xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới. Đây là một dấu hiệu của việc các tài khoản bị thiếu hụt về giá trị tài sản cầm cố, khiến khách hàng buộc phải tự trao tay cho chính mình từ tài khoản này sang tài khoản khác. Nếu hiện tượng đảo tài khoản ít xảy ra, cũng có thể một giải pháp đơn giản hơn được thực hiện: bỏ của chạy lấy người.

PVF hôm nay chỉ còn 4.300 đồng và mỗi ngày có thể giảm 300 đồng. Vậy PVF giá bao nhiêu là hợp lý? Thực tế PVF vẫn có một giá trị nào đó tương xứng với tài sản và vẫn có thể hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn. Hiện tại đã có tỉ lệ chuyển đổi cổ phiếu PVF thành cổ phiếu mới của Ngân hàng thành lập mới. Ở một mức giá nào đó, cơ hội cho đầu tư dài hạn vào Ngân hàng mới có thể là hợp lý.

Tuy nhiên trên thị trường lúc này không bàn chuyện hợp lý hay không, mà là giá nào thì tốt nhất. Giá hợp lý không có nghĩa là giá tốt vì thị trường hàng ngày vận động theo cách riêng, nhất là lúc này PVF đang chịu quá nhiều sức ép bán ra. Đơn cử như 6 triệu cổ phiếu bán sàn 4.300 đồng hôm nay cần khoảng 25,8 tỷ đồng để tiêu hóa hết. Cũng con số này, đến cuối tuần lại chỉ cần 20,4 tỷ đồng. Trong xu thế này, càng chờ đợi, gánh nặng vốn càng giảm và người mua càng có lợi.

PVF có thể sẽ trở thành cuộc chơi của các nhà đầu tư dài hạn với chiến thuật sở hữu trong Ngân hàng mới. Với mức giá rất thấp và chỉ còn vài phiên giao dịch nữa là PVF bị hủy niêm yết, cơ hội mua dễ nhất (so với mua trên thị trường OTC) đang hẹp dần.

Với VCG, hơn 22 triệu cổ phiếu mà quỹ VNM phải bán ra cũng là một con số khổng lồ. Mức giao dịch bình quân mỗi ngày trước thời điểm công bố đảo danh mục chỉ khoảng 500-600.000 đơn vị. VCG hôm nay có tổng lượng bán giá thấp nhất chưa thoát ra được là trên 4 triệu đơn vị. Cũng giống PVF, nhà đầu tư nhìn thấy nhu cầu bán lớn như vậy sẽ thực hiện chiến thuật chờ đợi. Nhẫn nại một phiên sẽ làm tăng sức mạnh đồng tiên thêm gần 10% nữa. Câu “thời gian là tiền bạc” chưa bao giờ đúng như lúc này.

Thảm kịch ở PVF, VCG bao giờ chấm dứt?
Giá trị khớp lệnh

Luân phiên đẩy giá

Hoạt động mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đến hôm nay bắt đầu bộc lộ những “biến ảo” khó đoán. Các cổ phiếu nằm trong danh sách sẽ phải mua nhiều không nhất thiết phải được giao dịch bằng được nữa. Cổ tăng cổ giảm, cổ mua ít, mua nhiều đã thay đổi sang phiên thứ hai và nhà đầu tư trong nước không thể đoán biến chiến lược mua một cách dễ dàng nữa.

DRC, cổ phiếu vẫn đang là tiêu điểm của thị trường với khối lượng mua lớn nhất hôm nay vẫn tăng 2,2% nhưng không còn kịch trần như phiên trước nữa. Với cả chục triệu cổ phiếu cần mua thêm, nhà đầu tư nước ngoài có thể đẩy giá DRC lên trời.

Nhưng hôm nay khối ngoại lại mua một cách thận trọng. DRC hôm nay bật tăng lên mức giá đỉnh cũ của của tháng 7 nên áp lực bán ra sẽ tăng lên. Nhà đầu tư trong nước chốt lời đồng nghĩa với lượng cung sẽ dồi dào, và không nhất thiết phải đẩy giá lên kịch trần. Khối ngoại vẫn rót vào DRC trên 28,4 tỷ đồng để mua 679.040 cổ phiếu nhưng giá vẫn không quá nóng.

Ngược lại, PVD sau những tính toán khối lượng cần mua khoảng 2 triệu cổ, lập tức được nhà đầu tư trong nước mua trước. Khối ngoại hôm nay chỉ mua được 186.680 cổ phiếu là giá đã kịch trần.

VCB cũng khá giống DRC, giá tăng đến mức có khả năng bị chốt lời và khối ngoại chỉ mua ở giá chấp nhận được. 729.510 VCB được khối ngoại mua nhưng giá cũng chỉ tăng 2,38%.

SHB trên sàn HNX hôm nay là một bất ngờ lớn. Đột nhiên khối ngoại dừng mua. Nhà đầu tư trong nước vẫn giao dịch khoảng 7,5 triệu đơn vị và 2,6 triệu cổ phiếu nữa được thỏa thuận. Khối ngoại không mua vào qua khớp lệnh với SHB, lập tức cầu giảm xuống và giá giảm 1,45%. Hàng triệu cổ phiếu giao dịch giá 7.000 đồng và 7.100 đồng hôm qua đã bị lỗ trong ngắn hạn.

Các giao dịch liên quan đến yếu tố nước ngoài vẫn chi phối thị trường theo hướng thu hút chú ý là chính. Dòng tiền đầu cơ ăn theo đã suy yếu hơn hôm qua và thanh khoản tổng thể cũng suy giảm. VN-Index tăng 0,45% nhờ GAS, VCB, BVH tăng giá. Trong khi đó HNX-Index giảm 0,83% do SHB, PVX, SCR, VCG, SHS giảm mạnh.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

DRC (69) – (11,4%)

SHB (51,1) – (35,7%)

DPM (50,6) – (8,4%)

PVX (13,7) – (9,6%)

PVD (37,1) – (6,1%)

FIT (11,1) – (7,7%)

GAS (36,3) – (6%)

PGS (8) – (5,6%)

REE (32,5) – (5,4%)

SCR (8) – (5,6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam