Nguy cơ chiến tranh lùi xa, chứng khoán vẫn chưa thăng hoa?

16:50 | 11/09/2013 Print
Những thông tin tích cực từ “cuộc chiến” Syria đã hỗ trợ thị trường trong nước hôm nay. Tuy nhiên khi chứng khoán thế giới phục hồi tốt, thị trường Việt Nam vẫn khá nguội lạnh, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn.

chungkhoan11.9

Nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng nhanh và quyết đoán hơn với các biến động trên thị trường quốc tế.

Vẫn điệp khúc “tăng là bán”?

Phiên tăng giá với thanh khoản sụt giảm mạnh hôm qua khiến quan điểm của số lớn công ty chứng khoán vẫn rất thận trọng, thậm chí là hơi tiêu cực. Bản tin phân tích thị trường gửi đến cho khách hàng vẫn duy trì điệp khúc “thị trường phục hồi là cơ hội để giảm tỉ trọng cổ phiếu”, hoặc “nên thận trọng chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn”. Những khuyến cáo này ảnh hưởng không ít tới quan điểm đánh giá của nhà đầu tư.

Thực tế cũng đang có sự đồng thuận lớn từ các phân tích của công ty chứng khoán với hoạt động tự doanh. Hai phiên đầu tuần này, các công ty chứng khoán mua vào rất ít. Hôm qua, HSX công bố tổng khối lượng mua vào của bộ phận tự doanh chỉ trên 91.000 đơn vị, chưa tốn tới 2 tỷ đồng. Các khuyến cáo nói trên hầu hết đưa ra quá sớm, trước khi có những động thái mới từ cuộc khủng hoảng Syria. Rất có thể sau phiên giao dịch hôm nay, nhận định của công ty chứng khoán cũng sẽ “đảo chiều”.

Chiến thuật bán khi giá tăng được thực hiện khá triệt để trong phiên giao dịch hôm nay, tạo ra lực cản đáng kể cho thị trường. Không khí giao dịch thiếu sôi động bất chấp giá tăng tốt ở nhiều cổ phiếu. Mối lo ngại từ khủng hoảng chính trị Trung Đông ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước lo ngại tác động của chiến tranh tới tăng trưởng kinh tế nói chung cũng như có khả năng đẩy giá nhiên liệu, giá vàng tăng. Tuy nhiên khi rủi ro này giảm xuống, phản ứng của nhà đầu tư trong nước lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Suốt cả phiên sáng nay, không khí lo lắng bao trùm thị trường dù giá cổ phiếu vẫn tăng tốt. Thị trường đã cho thấy mối quan tâm của nhà đầu tư trong nước tới các thông tin hỗ trợ mới là không nhiều. Cổ phiếu chỉ tăng mạnh trong vài phút đầu phiên với thanh khoản yếu. Ngay lập tức áp lực bán ra đã khôi phục trở lại và cổ phiếu điều chỉnh giảm dần trên diện rộng.

Chiến thuật bán ra với giá tốt để hạ thấp tỉ trọng cổ phiếu xuống – như khuyến cáo của đa số công ty chứng khoán – là chiến thuật phòng vệ, giảm rủi ro. Cắt giảm cổ phiếu khi giá tăng là một quyết định khó khăn, vì đa số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đang lỗ. Hiện thực hóa khoản lỗ bằng tiền mặt gây sức ép tâm lý lớn hơn nhiều so với việc nắm giữ cổ phiếu để chờ giá phục hồi.

Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư vẫn làm ngược lại với các khuyến cáo của công ty chứng khoán, nhưng việc đồng thuận cao như vậy chắc chắn thể hiện tâm lý thận trọng cao độ.

Nguy cơ chiến tranh lùi xa, chứng khoán vẫn chưa thăng hoa?
Giá trị khớp lệnh

Vốn ngoại đi trước?

Trong khi nhà đầu tư trong nước giao dịch rất rụt rè, thậm chí chấp nhận cắt lỗ ngay khi được giá, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại phản ứng ngược lại. Sau hai phiên đầu tuần giảm giao dịch tối đa, khối ngoại đã quay lại mua ròng mạnh phiên này. Đây là một phản ứng rất phù hợp với những thông tin quốc tế mới xuất hiện. Quan điểm đánh giá về thông tin giữa hai nhóm nhà đầu tư là rất khác nhau.

Trên sàn HSX, nhà đầu t nước ngoài đã đi trước một bước, tăng gấp đôi khối lượng và giá trị mua vào. Gần 73,4 tỷ đồng đã được sử dụng để mua vào 2,83 triệu cổ phiếu. Do giao dịch của nhà đầu tư trong nước khá yếu, nên dòng vốn ngoại đã chiếm trên 15% giá trị khớp lệnh của HSX.

Cũng có điểm đáng chú ý trong các giao dịch mua của khối ngoại hôm nay. Một tỉ trọng lớn các giao dịch mua được thực hiện vào phiên chiều chứ không phải trong phiên sáng. Điều này có lợi thế là càng về cuối phiên sáng, xu thế điều chỉnh của cổ phiếu càng rõ và nhà đầu tư trong nước tranh thủ bán ra mạnh.

Thậm chí nửa đầu phiên chiều, giá còn sụt mạnh thêm và VN-Index rơi xuống dưới tham chiếu lúc 13h50. Đây là thời điểm giá thấp nhất trong phiên và cơ hội mua giá tốt nhất diễn ra.

Hoạt động mua của khối ngoại tuy diễn ra khá rộng, nhưng các giao dịch mua lớn đều tập trung vào những cổ phiếu blue-chips quen thuộc. Khối lượng mua lớn nhất thuộc về DPM, DRC, HAG, HPG, PET, VCB, VIC.

Tất cả các cổ phiếu này đầu phiên chiều đều sụt giảm về sát tham chiếu, thậm chí giảm giá. Khối ngoại đổ tiền vào mua, giá lập tức phục hồi rất tốt. DPM lúc thấp nhất xuống dưới tham chiếu, chỉ còn 40.500 đồng, nhưng đóng cửa tăng tới 0,99%, lên 41.000 đồng. HPG được mua đặc biệt mạnh lúc đóng cửa, đẩy giá tăng tới 3,15% so với tham chiếu. VCB cũng tăng rất tốt 1,67%, VIC tăng 0,79%. Ngoài ra HAG, DRC cũng tăng nhẹ.

Các cổ phiếu lớn như VNM, GAS, BVH, MSN không được khối ngoại mua mạnh, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư trong nước nên giá tăng không lớn hoặc chỉ đứng tham chiếu. Do đó điểm số không được cải thiện nhiều. VN-Index đóng cửa chỉ tăng 0,39%.

Sàn Hà Nội hầu như không nhận được lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài, nên giá ít biến động. Xu thế giao dịch của nhà đầu tư trong nước lại là thận trọng và bán ra là chính, nên đà tăng yếu. HNX-Index chốt phiên tăng 0,25% đã là nhờ ACB tăng 0,65%.

Giao dịch của khối ngoại cũng tạo nên sự khác biệt về thanh khoản giữa hai sàn. HNX giao dịch cực yếu, thậm chí chưa tới 90 tỷ đồng cả phiên hôm nay. Trong khi đó HSX giá trị giao dịch lại tăng 24%.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

REE (26,7) – (5,5%)

SHB (14) – (16,7%)

GAS (26,3) – (5,4%)

SCR (9,1) – (10,8%)

PPC (20,5) – (4,2%)

FIT (8) – (9,6%)

HPG (20,2) – (4,2%)

PGS (7,2) – (8,5%)

VNM (20) – (4,2%)

PVX (5,2) – (6,2%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam